Điểm tên loạt dự án nạo vét luồng hàng hải để đón tàu hàng?
Cụ thể, dự án nạo vét luồng Soài Rạp để đạt độ sâu chuẩn tắc -9,0m đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công. Đây là dự án có khối lượng nạo vét dự kiến hơn 1,2 triệu m3 với tổng kinh phí là 195 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2023.
Cùng đó, dự án luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn sông Hậu đang tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công nạo vét, tư vấn giám sát để sớm triển khai thi công. Dự án này có tổng kinh phí trong 2 năm là 588 tỷ đồng với khối lượng nạo vét dự kiến khoảng hơn 2 triệu m3 đết đạt độ sâu chuẩn tắc -5.0m.
Dự án nạo vét luồng Sài Gòn - Vũng Tàu đang hoàn thiện các thủ tục về vị trí đổ chất nạo vét để tổ chức phê duyệt thiết kế, đấu thầu và thi công. Dự án có khối lượng nạo vét khoảng 450.000 m3, được thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023 với tổng kinh phí dự kiến là 267 tỷ đồng.
Riêng dự án luồng Hải Phòng (đoạn Lạch Huyện) đang hoàn thiện các thủ tục môi trường khi đổ chất nạo vét ngoài biển. Khối lượng nạo vét dự án khoảng hơn 1,7 triệu m3 để đạt chuẩn tắc dự kiến -13m. Dự kiến sẽ hoàn thành môi trường trong tháng 7 để triển khai các thủ tục phê duyệt thiết kế, đấu thầu và khởi công trong tháng 9/2023 với tổng kinh phí 342,4 tỷ đồng.
Về tình hoạt động của thị trường hàng hải, theo Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2023, do suy thoái kinh tế, giá nhiên liệu và lạm phát tăng cao, nhu cầu vận tải biển giảm mạnh ở nhiều thị trường tiêu thụ lớn và giá cước vận tải đang giảm mạnh đã gây khó khăn cho ngành hàng hải.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt 362,7 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hàng container đạt 11,8 triệu Teus, giảm 8%.
Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đã đảm nhận được 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời. Khối lượng hàng hóa do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển đạt 68 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng hàng container đạt 1,3 triệu Teus, tăng 1%.
Lượt tàu biển thông qua cảng biển đạt 48,7 nghìn lượt, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, lượt phương tiện thủy thông qua địa đạt 166,4 nghìn lượt tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến tháng 6/2023, Việt Nam có 1.455 tàu biển đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia, với tổng trọng tải trên 12 triệu tấn, tổng dung tích trên 7,28 triệu GT (trong đó có 987 tàu vận tải với tổng trọng tải trên 11,2 triệu tấn, tổng dung tích trên 6,67 triệu GT).
Đội tàu Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN và thứ 27 trên thế giới. Hiện nay, đội tàu biển Việt Nam giảm về số lượng so với năm 2022 nhưng tăng về tổng dung tích và tổng trọng tải.
Tàu chở hàng rời và hàng tổng hợp vẫn chiếm chủ yếu với 686 tàu, chiếm 69,57%, tuổi trung bình 16,7; 178 tàu chở dầu, hóa chất, tuổi trung bình 17,9; 20 tàu chở khí hóa lỏng, tuổi trung bình 23,7 và 44 tàu chở container có tuổi trung bình là 18,4. Ngoài ra, còn có 58 tàu chở khách. Tuổi trung bình của đội tàu vận tải là 16,6.