Điều gì đang xảy ra với giá cà phê khi Tây Nguyên sắp kết thúc vụ thu hoạch?
Thế giới không thiếu hụt cà phê...
Đầu tháng 01/2022, giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới giảm do nhu cầu suy yếu, trong khi thị trường chịu áp lực bán thanh lý, điều chỉnh vị thế đầu cơ. Ngược lại, giá cà phê Arabica tăng trước tâm lý lo ngại nguồn cung từ Brazil giảm do ảnh hưởng của hai cơn bão Eta và lota, bất chấp việc các quốc gia sản xuất cà phê Arabica chế biến ướt chất lượng cao ở khu vực Trung Mỹ báo cáo xuất khẩu tháng 12/2021 tăng mạnh so với tháng 12/2020.
Theo số liệu từ Hiệp hội Cà phê Thế giới (ICO), xuất khẩu cà phê thế giới tháng 11/2021 đạt 9,25 triệu bao cà phê các loại, giảm 12,4% so với tháng 11/2020. Tính chung 2 tháng đầu niên vụ 2021/2022, xuất khẩu cà phê thế giới đạt 18,87 triệu bao, giảm 8,8% so với 2 tháng đầu niên vụ 2020/2021.
Nguyên nhân sụt giảm là do sự ách tắc kéo dài trong việc vận chuyển hàng hóa toàn cầu, không phải do thế giới thiếu hụt nguồn cung cà phê.
Trên sàn giao dịch London, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/1/2022, giá cà phê Robusta giao kỳ hạn tháng 1/2022, tháng 3/2022, tháng 5/2022 và tháng 7/2022 giảm lần lượt 1,1%, 1,6%, 1,5% và 1,4% so với ngày 21/12/2021, xuống mức 2.435 USD/tấn, 2.316 USD/tấn, 2.266 USD/tấn và 2.253 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 8/1/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 3/2022 và tháng 5/2022 cùng tăng 3,1% so với ngày 24/12/2021, lên mức 238,45 UScent/lb và 238,3 UScent/lb; kỳ hạn giao tháng 7/2022 và tháng 9/2022 tăng lần lượt 3,3% và 3,5% so với ngày 24/12/2021, lên mức 237,9 UScent/lb và 237,45 UScent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 8/1/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 3/2022, tháng 5/2022, tháng 7/2022 và tháng 9/2022 tăng lần lượt 6,0%, 6,7%, 5,5% và 5,8% so với ngày 28/12/2021, lên mức 288,3 UScent/lb, 284,3 UScent/ lb, 289,85 UScent/lb và 286,7 UScent/lb.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.371 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/ tấn, giảm 57 USD/tấn (tương đương mức giảm 2,3%) so với ngày 31/12/2021.
Trước giờ đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần này (sang ngày 15/1), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 3/2022 điều chỉnh giảm nhẹ 9 USD (0,4%), giao dịch tại 2.228 USD/tấn. Giá robusta kỳ hạn giao tháng 5/2022 giảm 8 USD (0,36%), giao dịch tại 2.194 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York quay đầu tăng, kỳ hạn giao tháng 3/2022 tăng 2,65 Cent (1,12%), giao dịch tại 239,65 Cent/lb. Trong khi, giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng 2,6 Cent (1,10%), giao dịch tại 239,55 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng tốt.
Trong nước: Giá cà phê Robusta nội địa giảm theo giá thế giới khi nguồn cung cà phê Robusta vụ mới khá dồi dào, trong khi nhu cầu tiêu thụ thế giới chậm lại. Ngày 8/1/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa giảm 800 đồng/kg so với ngày 28/12/2021, xuống mức 40.000 – 40.800 đồng/kg.
Đến hôm nay (15/1), giá cà phê trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm, các địa phương trọng điểm trong nước đều đang thu mua dưới mức 40.000 đồng/kg.
Theo khảo sát trên trang giacaphe.com vào lúc 7h45, giá cà phê hôm nay tiếp đà giảm 100 đồng/kg so với hôm qua. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận mức giá thấp nhất là 38.900 đồng/kg. Tiếp đến là hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông với chung mức 39.600 đồng/kg. Hiện tại, giá thu mua tại tỉnh Đắk Lắk đang ở mức 39.700 đồng/kg. Đây cũng là mức giá cao nhất ở thời điểm hiện tại.
Giá cà phê sẽ theo xu hướng giảm trong ngắn hạn
Sau giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19, xuất khẩu cà phê Arabica của Việt Nam có tín hiệu phục hồi vào cuối năm 2021. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Arabica tháng 11/2021 đạt trên 5 nghìn tấn, trị giá 19,2 triệu USD, tăng 194,8% về lượng và tăng 202,2% về trị giá so với tháng 10/2021, so với tháng 11/2020 tăng 195,7% về lượng và tăng 400,7% về trị giá. Tính chung 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê Arabica đạt 51,12 nghìn tấn, trị giá 148,26 triệu USD, giảm 13% về lượng, nhưng tăng 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 11/2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê Arabica của Việt Nam đạt mức 3.801 USD/tấn, tăng 2,5% so với tháng 10/2021 và tăng 69,3% so với tháng 11/2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê Arabica của Việt Nam đạt mức 2.900 USD/tấn, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Cà phê Arabica được xuất khẩu chủ yếu tới các thị trường Đức, Hoa Kỳ, Bỉ, Nhật Bản, Malaysia. Trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê Arabica sang một số thị trường tăng như: Đức, Ý, Canada, Hàn Quốc, Thái Lan. Ngược lại, xuất khẩu cà phê Arabica sang nhiều thị trường giảm như: Hoa Kỳ, Bỉ, Nhật Bản, Nga.
Thị trường đón nhận báo cáo xuất khẩu tháng 12 của Hải Quan Việt Nam với dữ liệu hết sức bất ngờ. Theo báo cáo, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 12 đạt 169.349 tấn (tương đương 2,82 triệu bao), tăng 57,6% so với tháng trước. Con số này chứng tỏ các nhà kinh doanh xuất khẩu đã đẩy mạnh việc giao hàng sau nhiều tháng ách tắc vì dịch bệnh. Tuy vậy, lũy kế xuất khẩu cà phê trong 11 tháng đầu năm 2021 đạt tổng cộng 1,56 triệu tấn, vẫn còn thấp 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là nông dân các tỉnh khu vực Tây nguyên sẽ kết thúc vụ thu hoạch cà phê 2021 - 2022. Giá cà phê vào cuối vụ đang có xu hướng giảm liên tục trong khi giá xuất khẩu vẫn đứng ở mức cao.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo trong ngắn hạn, giá cà phê thế giới được điều chỉnh theo xu hướng giảm. Thu hoạch vụ mùa 2022 của Brazil đang đến gần, trong khi các vấn đề logistics chưa thể giải quyết trong ngắn hạn. Biến chủng Omicron bùng phát mạnh trở lại, nhiều quốc gia châu Âu tái lập các biện pháp giãn cách xã hội quyết liệt hơn, kéo theo nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm. Theo Hiệp hội Cà phê Thế giới (ICO), nhập khẩu cà phê của EU được dự báo sẽ giảm 1,1% triệu bao, xuống còn 42,5 triệu bao trong niên vụ 2021/2022, chiếm gần 40% lượng cà phê nhập khẩu của thế giới.
Tổ chức Cà phê Quốc tế cho biết: Sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2021-2022 được dự báo sẽ phục hồi và tăng 2,1 triệu bao so với niên vụ trước lên 31,1 triệu bao sau đợt khô hạn nghiêm trọng trong niên vụ trước.
Với cà phê robusta chiếm hơn 95% tổng sản lượng và giá có xu hướng tăng cao hơn trong 12 tháng qua, người trồng cà phê đã có động lực để tăng năng suất bằng cách sẵn sàng đầu tư nhiều hơn cho tưới tiêu cây cà phê trong mùa khô, thường kéo dài từ tháng 1 đến tháng 3.
Đồng thời, nông dân tiếp tục trồng xen cà phê với các loại trái cây khác như bơ và sầu riêng để tăng thu nhập.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2021-2022 dự báo tăng 3,6 triệu bao so với niên vụ 2020-2021 lên 26 triệu bao, tồn kho cà phê cũng được dự báo giảm nhẹ.