Doanh nghiệp Châu Âu đối phó khủng hoảng đại dịch Covid-19 như thế nào?
Một số người lao động bị sa thải, số khác may mắn hơn thì làm việc tại nhà hoặc được nghỉ với khoản trợ cấp lương từ doanh nghiệp trong khi chờ đợi cuộc khủng hoảng dịch bệnh qua đi. Hàng ngàn doanh nghiệp từ khách sạn gia đình đến quán cà phê đã phải đóng cửa và dựa vào trợ cấp của chính phủ để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thiết bị y tế, nhu yếu phẩm… chứng kiến nhu cầu tăng vọt nhưng không đủ nhân công và nguyên vật liệu để sản xuất do chuỗi cung ứng gián đoạn từ lâu.
Dưới đây là một số câu chuyện thực tế mà Bloomberg ghi nhận ở khắp Châu Âu về cách những doanh nghiệp vật lộn với khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Khách sạn Corisco, Tây Ban Nha
Corisco là khách sạn gia đình nằm trên đường Tossa de Mar, ở Costa Brava, Tây Ban Nha - một đất nước ven biển Địa Trung Hải xinh đẹp, địa điểm du lịch ưa thích của hàng triệu du khách trên thế giới. Khách sạn nhỏ xinh với 24 phòng giờ đây vắng ngắt, không có du khách nào lưu trú ngay cả khi mùa hè - mùa du lịch cao điểm tại Địa Trung Hải đã đến gần.
Khách sạn Corisco đã đóng cửa nhiều ngày nay do dịch Covid-19 biến Tây Ban Nha vượt qua Italy trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Không thu về một đồng doanh thu nào, nhưng khách sạn tiếp tục oằn mình chi trả chi phí tiền điện, nước, tiền thuế, tiền đền bù hủy phòng và cả lương nhân viên.
Maria Teresa Coris, chủ sở hữu kiêm quản lý khách sạn, người sống trong chính khách sạn này cùng bố và con trai cô, đã quyết định đóng cửa ngay 3 ngày trước khi chính phủ Tây Ban Nha phong tỏa đất nước. “Tôi nghĩ du khách sẽ thông cảm cho quyết định hủy đặt phòng của tôi.” Maria đã phải tạm cho nghỉ việc 3 nhân viên và không thuê thêm 2 nhân viên thời vụ làm việc trong mùa hè cao điểm. Cô cũng nộp đơn đề xuất hỗ trợ sau khi Thủ tướng Pedro Sanchez công bố khoản tín dụng ưu đãi gần 100 tỷ EUR để xoa dịu thiệt hại kinh tế do dịch bệnh. Hồi tuần trước, Ngân hàng quốc doanh Tây Ban Nha đã cho Maria vay 40.000 EUR với lãi suất 1,5% để trang trải chi phí tiền điện nước, tiền lương trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Maria dự định sẽ đề nghị một khoản vay khác để duy trì hoạt động của khách sạn qua mùa hè. Cô cũng tận dụng thời gian rảnh rỗi để đăng hình khách sạn ven biển Địa Trung Hải lên Facebook nhằm thu hút khách hàng tiềm năng.
“Tôi đang cố làm mọi việc để du khách biết rằng tôi đang chờ đợi họ. Khi tình hình chuyển biến tốt hơn, chúng ta sẽ gặp lại nhau”.
Công ty người mẫu Terry Groenen, Hà Lan
Công ty Terry Groenen có trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan và mới chỉ đi vào hoạt động 1,5 năm. Nhưng dịch bệnh kéo đến khiến chính phủ Hà Lan tuyên bố sẽ phạt tiền tất cả các cuộc tụ tập trên 3 người. Mọi chương trình tiệc tùng, hội nghị, biểu diễn, giải trí… đều bị hủy bỏ. Không doanh nghiệp nào có nhu cầu thuê người mẫu hay chụp ảnh tiếp thị. Doanh thu của Terry Groenen gần như bằng 0 trong nhiều tuần nay.
Mặc dù các ca nhiễm Covid-19 ở Hà Lan ít hơn nhiều so với ổ dịch tại Tây Ban Nha và Italy, nhưng các nhà chức trách vẫn thắt chặt công tác kiểm dịch để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Những hy vọng về việc sớm dỡ bỏ lệnh phong tỏa gần như rất xa vời, do dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm nhiệt tại Châu Âu.
Groenen, chủ doanh nghiệp Terry Groenen cho hay: “Điều tồi tệ nhất là tôi không biết bao giờ dịch bệnh sẽ kết thúc. Ban đầu, tôi được thông báo việc phong tỏa có thể kéo dài đến tháng 4. Giờ đây, nó có thể kéo dài đến tận tháng 6”.
Groenen đang hy vọng sẽ nhận được viện trợ từ chính phủ với mức lương tối thiểu khoảng 1.500 EUR/ tháng để trang trải qua giai đoạn khó khăn này.
Nhà máy ebm-papst, Đức
ebm-papst là nhà máy chuyên sản xuất các linh kiện như quạt tản nhiệt cho các thiết bị y tế, xe hơi, điều hòa không khí…; với trụ sở đặt tại Mulfingen, miền nam nước Đức.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại 200 quốc gia trên toàn cầu với hơn 1,6 triệu người nhiễm bệnh, nhu cầu máy thở bỗng chốc tăng đột biến. Trái ngược với hàng ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa, ebm-papst gần như hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu sản xuất các linh kiện máy thở. Nhưng rắc rối xảy đến do thiếu hụt nguồn cung ứng vật liệu. Trong khi các công nhân sản xuất linh kiện y tế của ebm-papst gần như không có ngày nghỉ, 15.000 công nhân thuộc các đơn vị khác trong công ty đang nhàn rỗi, được nghỉ làm. Đó là người lao động thuộc các bộ phận sản xuất linh kiện ô tô cho Daimler và Volkswagen. Số lao động này vẫn được trả lương nhờ khoản trợ cấp khổng lồ tới 80% lương của chính phủ Đức để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp sa thải.
"Không thể tăng sản lượng nhanh chóng, bởi ta không có cả thiết bị lẫn nguyên vật liệu... Vấn đề không đơn giản nằm ở nhân công" - Giám đốc điều hành Stefan Brandl cho hay.
Nhà sản xuất chocolate Laurent Gerbaud, Bỉ
Laurent Gerbaud, một tiệm sản xuất chocolate tại Brussels, Bỉ đã đóng cửa một cửa hàng trưng bày và quán cà phê khi dịch Covid-19 kéo đến.
Đại dịch đến vào thời điểm không thể tồi tệ hơn với nhà sản xuất chocolate 10 năm tuổi. Gerbaud - chủ cơ sở đã buộc phải cho nghỉ việc tạm thời 6 nhân viên fulltime và 25 nhân viên parttime mà anh thuê để chuẩn bị cho nhu cầu chocolate tăng vọt vào lễ Phục sinh. Lễ Phục sinh là cơ hội kiếm lời cuối cùng trước khi mùa hè đến, bởi người dùng sẽ chuyển hướng sang các sản phẩm kem, bia thay vì chocolate trong mùa nắng nóng.
Thực chất, cửa hàng chocolate của Gerbaud được phép mở cửa ngay cả khi chính phủ Bỉ thắt chặt các hạn chế, do được xếp vào danh mục bán hàng thực phẩm. Nhưng Gerbaud vẫn tuyên bố đóng cửa từ hôm 18/3 do không có khách du lịch hay thậm chí hiếm có người dân nào di chuyển ra khỏi nhà. Giống như 1,25 triệu người Bỉ khác, nhân viên của Gerbaud đang tạm thất nghiệp và nhận được 70% lương trợ cấp từ Chính phủ.
Tuy vậy, Gerbaud vẫn lo ngại tình hình kinh doanh tồi tệ ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát vào cuối tháng 5 - một kịch bản sáng sủa nhất ở thời điểm hiện tại. Bởi hiếm có ai tiếp tục đi ăn tại quán ăn, mua chocolate hay đi du lịch sau cơn khủng hoảng đại dịch như vậy.