Doanh nghiệp dệt may niêm yết: Phục hồi trong quý III, cơ hội tăng trưởng mạnh quý IV?

14/11/2023 15:42 GMT+7
9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp dệt may trên sàn chứng khoán ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh và tốc độ giảm cao hơn trung bình toàn ngành. Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý III cho thấy cơ hội các doanh nghiệp sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng từ quý IV/2023.

Đà giảm của ngành dệt may đã chậm lại

Dữ liệu của Hải Quan Việt Nam cho biết, 9 tháng đầu năm xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt 25,1 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu của ngành dệt may đạt 15,8 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng kết quả xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2023 của ngành dệt may cho thấy tốc độ giảm đã được thu hẹp và chậm lại trong quý III/2023. 

Và 10 tháng giá trị xuất khẩu hàng dệt may đạt 27,7 tỷ USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ đạt 11 tỷ USD giảm 20,6%; Nhật Bản đạt 2,9 tỷ USD tăng 0,6%; Hàn Quốc: 2,4 tỷ USD giảm 3,6%. Đến cuối T10, tại Mỹ và Hàn Quốc, thị phần của Việt Nam cải thiện lần lượt lên 18,1% (7T 2023: 17,4%) và 29,9% (7T 2023: 28,3%). Thị phần của Việt Nam tại Nhật Bản tiếp tục tăng lên 16,4% (7T 2023: 16,2%).

Theo Chứng khoán Mirae Asset, thị phần hàng dệt may của Trung Quốc tại hai thị trường Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục giảm, trong khi các đối thủ như Bangladesh, Indonesia và Ấn Độ đang mở rộng.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu sợi sang Trung Quốc được cải thiện khi 9 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu sợi Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,7 tỷ USD (gần như không đổi so với cùng kỳ; 7T 2023: -12,5%), chiếm 53,1% tổng giá trị xuất khẩu sợi Việt Nam. Ngành dệt may của Trung Quốc có xu hướng phục hồi kể từ giữa năm 2023, với khối lượng sản xuất tính đến cuối tháng 9 tăng 0,8% cùng kỳ (T7: -0,4%). Ngoài ra, xuất khẩu sợi Việt Nam sang Hàn Quốc đã thu hẹp mức giảm xuống -24,2% CK (7T 2023: -28% CK), đạt 284,1 triệu USD.

Hoạt động sản xuất dệt may tiếp tục phục hồi khi sản xuất dệt may trong nước tiếp tục phục hồi trong 10 tháng đầu 2023, đặc biệt là mảng dệt. IIP của mảng dệt trong 10 tháng đầu 2023 tăng 4,8% so với cùng kỳ, trong khi IIP của mảng may mặc cũng thu hẹp mức giảm về -1,3% cùng kỳ  (7T 2023: -5.5%). Ngoài ra, chỉ số lao động ngành dệt may ghi nhận mức tăng trưởng 9,8% vào đầu tháng 10.

Theo các nhà phân tích của Mirae Asset, giá nguyên vật liệu đầu vào của ngành dệt may dường như đã tạo đáy. Giá bông đã phục hồi từ mức đáy 80 USD/pound vào tháng 7/2023, điều này có thể là chỉ báo cho sự gia tăng nhu cầu đầu vào ngành dệt may. Giá dầu thô và vận tải biển cũng tăng kể từ đầu quý III, điều này cho thấy nhu cầu có thể đang cải thiện dần.

Doanh nghiệp dệt may niêm yết: Phục hồi trong quý III, cơ hội tăng trưởng mạnh quý IV? - Ảnh 1.

Đà giảm của ngành dệt may đã chậm lại. Nguồn số liệu Hải Quan Việt Nam

Doanh nghiệp dệt may trên sàn chứng khoán bắt đầu khởi sắc từ quý III/2023

Thống kê kết quả kinh doanh quý III/2023 của 11 doanh nghiệp dệt may niêm yết bao gồm: Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT), CTCP Phong Phú (PPH), CTCP May Sông Hồng (HoSE: MSH), CTCP Damsan (HoSE: ADS), Tổng Công ty Việt Thắng – CTCP (HoSE: TVT), Công ty Cổ phần Everpia (HoSE: EVE), CTCP Vải sợi May mặc Miền Bắc (HNX: TET), CTCP Sản xuất kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HoSE: GIL), CTCP Garmex Sài Gòn (HoSE: GMC), Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG (HNX: TNG), CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) cho thấy, có 8 doanh nghiệp giảm lãi, 2 doanh nghiệp báo lỗ và 1 doanh nghiệp báo lãi trước thuế tăng trưởng.

Dữ liệu cho thấy, tổng doanh thu thuần quý III của nhóm doanh nghiệp dệt may ghi nhận 10.227,5 tỷ đồng, giảm 10% so với trung bình cùng kỳ năm 2022 (11.396,7 tỷ đồng). Kết quả, 11 doanh nghiệp dệt may báo lãi 413,3 tỷ đồng, giảm 53% so với trung bình cùng kỳ năm 2022 (883,9 tỷ đồng).

Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp dệt may báo lỗ lớn trong 9 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh quý III của nhóm doanh nghiệp dệt may niêm yết. Ảnh: Tổng hợp BCTC.

Trong kỳ kinh doanh quý III, nhóm doanh nghiệp dệt may thống kê có tới 8/11 doanh nghiệp giảm lãi, bao gồm: EVE giảm 91% còn 4,5 tỷ đồng; MSH giảm 54% còn 66,1 tỷ đồng; TVT giảm 44% còn 4 tỷ đồng; VGT giảm 43% còn 115,1 tỷ đồng; TCM giảm 41% còn 67,9 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh không mấy khả quan, ngày 13/10 vừa qua, Vinatex đã công bố Nghị quyết về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh 2023 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam với chỉ tiêu đạt 16.500 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 370 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, lần lượt giảm 6% và 39% so với chỉ tiêu thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên đầu năm.

Đặc biệt, trong kỳ có 2 doanh nghiệp báo lỗ là: Garmex Sài Gòn lỗ 10,3 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 9,4 tỷ đồng); Gilimex lỗ 16,9 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 155,6 tỷ đồng).

Giải trình về kết quả kinh doanh, các doanh nghiệp dệt may cho biết, quý III năm nay đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, đơn hàng cùng đơn giá sụt giảm nên doanh thu xuất bán của đa số doanh nghiệp dệt may ảm đạm so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, là ngành nghề với đặc thù có số lượng lao động lớn, nhiều doanh nghiệp như Vinatex dù gặp khó khăn trong kinh doanh sản xuất nhưng vẫn đảm bảo mức lương cho người lao động. Do đó, cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của doanh nghiệp. 

Hết quý III, Damsan là doanh nghiệp dệt may duy nhất báo lãi tăng trưởng 62% so với cùng kỳ, đạt 32,9 tỷ đồng nhờ ghi nhận doanh thu chủ yếu đến từ xuất khẩu sợi và khăn sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, cho thuê bất động sản công nghiệp tại Cụm Công nghiệp An Ninh.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, 11 doanh nghiệp dệt may ghi nhận doanh thu thuần đạt 28.605,7 tỷ đồng, giảm 18% so với trung bình năm 2022. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng ở mức 1.159,3 tỷ đồng, giảm 64% so với  trung bình năm trước. Điều này đồng nghĩa, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may trên sàn chứng khoán đã bớt khó khăn khi kết quả kinh doanh quý III dù có sụt giảm ở cả 2 chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận, nhưng mức sụt giảm vẫn thấp hơn mức sụt giảm của 9 tháng.

9 tháng đầu năm, có 7/11 doanh nghiệp dệt may báo lãi giảm, đơn cử: TVT giảm 88% còn 9,2 tỷ đồng; EVE giảm 79% còn 18 tỷ đồng; Vinatex giảm 76% còn 288,4 tỷ đồng, TCM giảm 44% còn 155,2 tỷ đồng, MSH giảm 43% còn 205,2 tỷ đồng.

Khó khăn bủa vây, doanh nghiệp dệt may báo lỗ lớn trong 9 tháng đầu năm - Ảnh 2.

9 tháng đầu năm, có 7/11 doanh nghiệp dệt may báo lãi giảm. Ảnh: Tổng hợp BCTC.

2 doanh nghiệp còn lại ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng là: TET tăng 10% lên 10,2 tỷ đồng và Damsan tăng 6% lên 79,5 tỷ đồng. 2 doanh nghiệp báo lỗ là: Gilimex lỗ 56 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 438 tỷ đồng) và Garmex Sài Gòn lỗ 37,4 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 3,1 tỷ đồng).

Kết quả kinh doanh sụt giảm của Gilimex được coi là hệ quả để lại sau vụ Gilimex khởi kiện Amazon Robotics LLC ("Amazon") và đòi bồi thường 280 triệu USD hồi cuối năm ngoái. Amazon từng là một trong những khách hàng chính của Gilimex từ năm 2014. Trong quá trình hợp tác, Gilimex cho biết, Amazon đã vi phạm cam kết mà hai bên đã thỏa thuận. Tuy nhiên, Amazon đã chấm dứt thỏa thuận với Gilimex vào tháng 5/2022. Do đó, Gilimex tố cáo Amazon đã không công bằng, vi phạm hợp đồng và vi phạm nghĩa vụ ủy thác.

Về phía Garmex Sài Gòn, công ty cho biết, mặc dù đã tiết giảm chi phí, tuy nhiên, do hiện tại không có đơn hàng, Garmex Sài Gòn đã thực hiện cân đối lại nhân sự, thu hẹp hoạt động phù hợp với tình hình mới, thực hiện tiết giảm chi phí để giảm thiểu thiệt hại và tìm kiếm cơ hội khai thác hợp lý các mặt bằng hiện có hoặc thanh toán các tài sản không cần dùng. Tại ngày 30/9/2023, nhân sự của Garmex Sài Gòn chỉ còn 37 người, giảm 1.945 người so với đầu năm.

Triển vọng của ngành dệt may trong quý IV và năm 2024?

Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, trong quý III/2023 các thị trường chính của ngành dệt may tiếp tục tăng trưởng khá tốt khi Mỹ +4,9% so với quý trước, cao hơn nhiều so với mức dự kiến là +4.3%; EU +0,1%, quanh mức dự kiến 0%; Trung Quốc +1.3%, trên mức dự kiến 0,3%; Hàn Quốc +0,6%, trên mức dự kiến 0,1%. 

Theo WB, dự báo tăng trưởng GDP thực năm 2023 của các thị trường trọng điểm của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng: Mỹ (+1,1%); EU (+0,4%); Nhật Bản (+0,8%); và Trung Quốc (+5.6%). Sự tăng trưởng ở các nền kinh tế này sẽ dẫn đến sự phục hồi về thu nhập và nhu cầu. Hơn nữa, nỗi lo về một cuộc suy thoái nghiêm trọng nhiều khả năng sẽ giảm, điều này hỗ trợ việc chi tiêu cho các sản phẩm dệt may.

Thứ hai, hàng tồn kho và doanh số của các thương hiệu lớn: Vào cuối quý III, tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh thu của các thương hiệu lớn như Nike, Inditex, GAP, H&M và Puma duy trì ở mức thấp, trong khi doanh số bán hàng có dấu hiệu tăng trong bối cảnh các kỳ nghỉ lễ sắp tới. Những tín hiệu tích cực về doanh số bán hàng có thể dẫn đến số lượng đơn đặt hàng tăng lên trong năm 2024.

Tuy nhiên, rủi ro của ngành là niềm tin người tiêu dùng có dấu hiệu suy yếu: Cùng với tốc độ tăng trưởng GDP, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm vẫn ổn định trong 10 tháng 2023. Tuy nhiên, so với số liệu 7 tháng, tâm lý tiêu dùng dường như đã suy yếu hơn. Ngoài ra, tại Mỹ - thị trường dệt may trọng điểm của Việt Nam – ghi nhận tiền tiết kiệm của hộ gia đình giảm và duy trì ở mức thấp, điều này báo hiệu cho hoạt động tiêu dùng trong tương lai có thể gặp thách thức.

Trong đó, rủi ro ngắn hạn: Địa chính trị và lãi suất ở mức cao là những rủi ro chính đối với nhu cầu dệt may năm 2024. Rủi ro dài hạn: Cùng với việc dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, các doanh nghiệp dệt may sẽ phải chịu áp lực từ chi phí lao động ngày càng tăng. Ngoài ra, hiện nay người lao động Việt Nam dễ dàng tìm kiếm việc làm ở nước ngoài hơn, điều này càng làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh về chi phí nhân công trong nước.


Khánh Ly
Cùng chuyên mục