Doanh nghiệp 'ma' trục lợi tiền thật: Bắt tận tay, chẳng xử lý được

09/11/2020 06:57 GMT+7
Bộ Tài chính cảnh báo năm 2019 có 77 nghìn doanh nghiệp “khai tử” thì gần 50 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Nhiều doanh nghiệp “ma”, “ảo” nhưng trục lợi thật, buôn lợi thật.

La liệt doanh nghiệp “ma”

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp.

Dẫn lại báo cáo đánh giá phân tích tài chính của doanh nghiệp dân doanh năm 2019 và 3 tháng đầu năm 2020 gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính cho biết một số vấn đề bất cập trong hoạt động của doanh nghiệp dân doanh sau đăng ký thành lập.

Trong năm 2019, toàn quốc có hơn 77 nghìn doanh nghiệp dân doanh chấm dứt hoạt động. Theo đó, số lượng doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký là gần 50 nghìn doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 64,61%. Các doanh nghiệp này thường có hành vi vi phạm là không khai thuế, không quyết toán thuế, không quyết toán hóa đơn, còn nợ thuế, doanh nghiệp “ma” ra đời mua bán hóa đơn trục lợi tiền thuế; doanh nghiệp ảo nhưng buôn lậu thật.

Sau khi cơ quan thuế ban hành Thông báo doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, doanh nghiệp làm thủ tục thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký tạm ngừng hoạt động, hoặc cá nhân là đại diện pháp luật của doanh nghiệp này tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới.

“Dù có hậu kiểm nhưng khi phát hiện thì hậu quả đã xảy ra, không xử lý được”, Bộ Tài chính lưu ý.

Doanh nghiệp 'ma' trục lợi tiền thật: Bắt tận tay, chẳng xử lý được - Ảnh 1.

Câu chuyện một doanh nghiệp trong ngõ nhỏ thành lập với số vốn 144 nghìn tỷ đồng từng gây xôn xao dư luận.

Sau khi có thông tin phản ánh của báo chí, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu các thông tin nêu trên, đưa ra giải pháp phù hợp xử lý tồn tại, phát sinh, nhất là đối với việc lợi dụng quy định thành lập doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung cơ chế tại dự thảo Nghị định này để cơ quan đăng ký kinh doanh có chế tài xử lý. Cụ thể là khi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, thay đổi thông tin, tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp thì “cơ quan đăng ký kinh doanh căn cứ thông tin về tình trạng pháp lý của doanh nghiệp là không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký yêu cầu doanh nghiệp báo cáo và xử lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp”.

Ghi nhận của Bộ Tài chính cho thấy, hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký chiếm tỷ lệ cao và có xu hướng ngày càng tăng. Vì vậy cần bổ sung chế tài ràng buộc, hạn chế “quyền” đối với doanh nghiệp đã bị cơ quan thuế phát hành Thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký phải thực hiện các nghĩa vụ thuế còn nợ trước khi thực hiện đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp này cần có ý kiến của cơ quan thuế thì doanh nghiệp mới được đăng ký thay đổi thông tin.

Khó tìm địa chỉ doanh nghiệp “khai sinh”

Bộ Tài chính đề nghị bổ sung một số thông tin bắt buộc của người đại diện và địa chỉ thư điện tử để cơ quan thuế làm căn cứ gửi thông tin, tài liệu sau khi hoàn thành việc đăng ký doanh nghiệp, gồm địa chỉ liên lạc của người đại diện theo pháp luật, số điện thoại của người đăng ký đại diện theo pháp luật, địa chỉ email của doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính đầy đủ các thông tin về số nhà, ngõ/hẻm, thôn/xóm/ấp/tổ; phường/xã; quận/huyện; tỉnh/thành phố.

Lý do là, hiện tại nhiều doanh nghiệp khi thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp không thực hiện khai báo thông tin về số điện thoại của người đại diện, đăng ký địa chỉ trụ sở chính rất chung chung, không cụ thể, rõ ràng để có thể tìm được địa chỉ của doanh nghiệp.

Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, tránh trường hợp cơ quan chức năng trong quá trình quản lý doanh nghiệp không liên lạc được do không tìm thấy trụ sở doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ xác định người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Người nộp hồ sơ chỉ thực hiện dịch vụ tại thời điểm nộp hồ sơ, không có quyền hạn và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp sau khi nộp hồ sơ.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng lưu ý tình trạng lợi dụng danh nghĩa mã ngành kinh doanh “đặt cược”. Đối với đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng để đảm bảo chặt chẽ, trường hợp này doanh nghiệp chỉ được đăng ký ngành nghề, kinh doanh này sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó có mục tiêu kinh doanh các ngành nghề này.

Bởi theo Bộ Tài chính, thời gian qua có trường hợp doanh nghiệp đã lợi dụng danh nghĩa được cơ quan quản lý nhà nước cấp mã ngành kinh doanh đặt cược khi đăng ký kinh doanh trong khi thực tế chưa được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép tổ chức hoạt động kinh doanh đặt cược, để truyền thông, quảng bá nhằm kêu gọi nhà đầu tư trong nước và nước ngoài góp vốn, mua cỏ phần.

Vì thế, Bộ Tài chính  phát đi cảnh báo để nâng cao ý thức và cảnh giác của tổ chức, cá nhân có liên quan và có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để phối hợp xử lý về việc Bộ Tài chính chưa cấp phép kinh doanh đặt cược cho doanh nghiệp này.

Theo Lương Bằng/VNN
Cùng chuyên mục