Doanh nghiệp xuất khẩu rau quả phấn khởi được mùa đơn hàng
Theo ghi nhận của Mekong ASEAN tại một doanh nghiệp có 10 năm thâm niên xuất khẩu mặt hàng rau củ quả, 2023 dự báo sẽ là một năm thắng lợi của công ty dù bối cảnh thị trường vẫn đầy rẫy khó khăn.
Ông Lê Vương Quốc, Phó Giám đốc CTCP Gimex Việt Nam cho biết, hiện công ty đang chuẩn bị cho lô nhãn xuất khẩu đi Mỹ và Nhật Bản trong tháng 10/2023. Trang trại 35 ha nhãn do chính công ty tự canh tác đã có tiêu chuẩn GlobalGap, mã vùng trồng đi Mỹ, Trung Quốc, Australia và chuẩn bị hoàn thiện mã đi Nhật. Dự kiến sản lượng thu hoạch khoảng 150 tấn, kế hoạch xuất khẩu 100 – 120 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa.
Mặt hàng xuất khẩu chính của CTCP Gimex Việt Nam là trái cây, rau củ và gia vị. Hàng tuần, công ty có những lô hàng chanh, ớt, gia vị đi Trung Đông, các sản phẩm đông lạnh rau củ đi Nhật Bản.
Nhận định về thị trường năm nay, ông Lê Vương Quốc phấn khởi chia sẻ, 2023 là năm mà các doanh nghiệp xuất khẩu rau củ quả Việt Nam sẽ ghi nhận một mùa khởi sắc.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê, kim ngạch xuất khẩu cả ngành hàng rau củ quả tăng hơn 68,1% so với năm 2022, trong đó một trong những động lực lớn nhất đến từ quả sầu riêng.
Phân tích về vấn đề này, ông Quốc cho biết, năm trước do ảnh hưởng dịch Covid-19 và vấn đề biên mậu nên sầu riêng Việt Nam xuất khẩu được ít. Năm 2023, Trung Quốc mở cửa đã tạo điều kiện cho xuất khẩu sầu riêng tạo sức bật về cả sản lượng và giá trị. Các loại rau củ quả khác cũng có tăng trưởng nhẹ về giá.
Chia sẻ góc nhìn về lý do khiến các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam năm nay được mùa, Phó Giám đốc Gimex Việt Nam cho biết, nhu cầu của thị trường thế giới về các mặt hàng rau củ quả năm 2023 không có sự tăng trưởng quá lớn.
“Tuy nhiên Trung Quốc là thị trường cung cấp các mặt hàng rau củ lớn nhất thế giới lại đang mất mùa hao hụt sản lượng ở các dòng như gừng, cà rốt, khoai tây, các loại khoai, do ảnh hưởng bởi Covid-19 và hạn hán, thiên tai. Các thị trường trên thế giới khi nhập tại Trung Quốc phải chịu giá cao, sản lượng ít sẽ tìm sang các nước cung cấp lân cận khác, trong đó Việt Nam có gần như hầu hết các nguồn cung mà thế giới cần”, ông Quốc cho biết từ tình hình thực tế.
Một lý do khác từ bối cảnh thị trường chung được ông Quốc nêu ra là năm 2023 nền kinh tế các nước đang trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, nên mức tiêu thụ cũng tăng lên.
Theo lãnh đạo Gimex Việt Nam, thị trường triển vọng đang nằm ở châu Á và châu Âu. Đặc biệt, châu Á được ghi nhận là thị trường tiềm năng nhất, nhất là khu vực Trung Đông và Đông Á gồm Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Xuất khẩu được mùa, nông dân được giá
Từ niềm vui nhộn nhịp đơn hàng của doanh nghiệp, ông Lê Vương Quốc cho biết, nhờ được mùa đơn hàng, công ty có thể giúp bà con nông dân tăng được giá bán nông sản.
“Năm nay, công ty thu mua nông sản của bà con với giá cao hơn so với năm trước nhờ kết quả xuất khẩu khởi sắc về giá cả và sản lượng. Trong quá trình liên kết, công ty luôn chú trọng đồng hành với bà con ngay từ khâu xuống giống theo các tiêu chuẩn mà thị trường xuất khẩu yêu cầu. Với cách làm đó, công ty đảm bảo có thể thu mua tối đa sản lượng trồng trọt của bà con”, ông Quốc chia sẻ.
Trang trại chính của Gimex Việt Nam được đầu tư từ năm 2015 đặt tại Cần Thơ, với 70 ha, trong đó, 30 ha trồng khoai lang tím, 35 ha còn lại là nhãn và na. Trong hơn 10 năm xuất khẩu rau củ quả, công ty thường liên kết chủ yếu với bà con nông dân ở Long An, Tây Nguyên, các tỉnh Tây Bắc, Hải Dương, Bắc Ninh để đảm bảo đa dạng nguồn cung sản phẩm.
“Thị trường năm nay tuy giảm sút tương đối so với năm trước, có nhiều biến động đan xen cơ hội và khó khăn nhưng ngành hàng rau củ quả vẫn tiếp tục có triển vọng tốt trong thời gian tới, có thể đảm bảo diễn biến tích cực sẽ vẫn diễn ra vào cuối năm 2023 – đầu 2024”, Phó Giám đốc CTCP Gimex Việt Nam nhận định.