Doanh thu xuất khẩu tháng 3 của Vĩnh Hoàn (VHC) tăng tới 96%

13/04/2022 16:46 GMT+7
Công ty CP Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) vừa công bố doanh thu tháng 3 với mức tăng trưởng khá ấn tượng.

Cụ thể doanh thu tháng 3 đạt 1.373 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước và tăng 28% so với tháng 2/2022.

Về cơ cấu thị trường, Mỹ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh với 161% lên 651 tỷ đồng, Trung Quốc tăng 71%, châu Âu tăng 27%.

Về cơ cấu sản phẩm, doanh thu cá tra đạt 871 tỷ đồng, tăng 93%; sản phẩm phụ 201 tỷ đồng, tăng 46%; sản phẩm chăm sóc sức khỏe 93 tỷ đồng, tăng 87%, bánh phồng tôm tăng 46%, sản phẩm giá trị gia tăng tăng 19% và gạo tăng 15%.

Doanh thu xuất khẩu tháng 3 của Vĩnh Hoàn (VHC) tăng tới 96%  - Ảnh 1.

Nguồn: Vĩnh Hoàn (Đơn vị: đồng)

Lũy kế trong quý I/2022, Vĩnh Hoàn ghi nhận 3.273 tỷ đồng doanh thu, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ, Vĩnh Hoàn đặt kế hoạch doanh thu 13.000 tỷ đồng, tăng 43,6% và lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng, tăng 36,5% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, đơn vị thực hiện được 35% mục tiêu doanh thu năm sau quý I.

Năm 2022: Thị trường xuất khẩu cá tra hồi phục, giá cước tàu sẽ hạ nhiệt?

Sang năm 2022, ngành cá tra được kỳ vọng cải thiện hơn khi nhu cầu tiếp tục đà hồi phục trong khi tồn kho ở mức thấp. Cùng với đó các chi phí có thể được kiểm soát khi dịch bệnh và cước phí tàu được hạ nhiệt.

Thứ nhất, thị trường Mỹ đang cho thấy tín hiệu tích cực với giá xuất khẩu ở mức cao nhất trong hai năm. Các nhà phân tích kỳ vọng đây sẽ là yếu tố giúp Vĩnh Hoàn - doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất tại Mỹ được hưởng lợi.

Tính đến thời điểm hiện tại, các thị trường xuất khẩu cá tra chính của Vĩnh Hoàn (Mỹ, Trung Quốc, EU,…) đều đã có tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin trên 50% dân số. Thậm chí, một số nước dự định tiêm thêm mũi tăng cường trong thời gian tới.

Việc tiêm vắc xin sẽ hạn chế các ca lây nhiễm, từ đó tạo động lực cho nhu cầu tiêu thụ thủy sản tiếp tục đà tăng khi hơn 60% sản lượng thủy sản được tiêu thụ qua các kênh dịch vụ như nhà hàng, khách sạn.

Đơn cử như hai tháng của quý III/2021(tháng 7 và 8), dù các xí nghiệp thủy sản chỉ hoạt động ở mức 50 – 60% công suất, xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn cho thấy mức tăng trưởng khả quan với mức giá xuất khẩu tăng 21% so với cùng kỳ.

Ngay cả khi Việt Nam kiểm soát được dịch giúp nguồn cung cá tra tăng lên, mức giá xuất khẩu vẫn duy trì mức cao do nhu cầu tiếp tục tăng và tồn kho cá tra tại Mỹ thấp, báo cáo nhận định.

Bên cạnh đó, khi nhu cầu xuất khẩu được duy trì tăng cao, BSC dự đoán với mức tồn kho đang ở mức thấp nhất trong vòng hai năm, các doanh nghiệp cá tra sẽ chịu áp lực tăng giá bán.

Theo nhận định của các chuyên gia, tình hình dịch bệnh tại tỉnh Đồng Tháp chưa được kiểm soát hoàn toàn để có thể nới lỏng lệnh giãn cách trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong quý III và khả năng quý IV của Vĩnh Hoàn nếu dịch không được kiểm soát.

Tuy nhiên, trong năm 2022, nếu nguồn cung vắc xin đáp ứng đủ nhu cầu và tiến độ tiêm vắc xin triển khai nhanh, hoạt động kinh doanh của Vĩnh Hoàn được dự váo sẽ dần quay trở lại bình thường, giúp doanh nghiệp bớt chi phí liên quan đến "3 tại chỗ".

Đồng thời, các doanh nghiệp thủy sản nhỏ bị phá sản sẽ tạo một khoảng trống thị trường cho các doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn.

Ngoài ra, BSC kỳ vọng giá nguyên liệu đầu vào và cước phí tàu sẽ không tăng đột biến trong năm 2022 do hoạt động sản xuất của thế giới dần quay trở lại mức bình thường, làm giảm chênh lệch cung cầu.

Song song đó, giá bã đậu nành (nguyên liệu đầu vào) đã giảm 21% từ mức đính tháng 5 là yếu tố tích cực đối với các doanh nghiệp cá tra khi chi phí thức ăn chiếm 70% giá thành sản xuất cá.

Trái ngược với giá bã đậu nành giảm nhiệt trong hai tháng vừa qua, giá cước vận tải cho tuyến từ Đông Nam Á sang châu Âu tiếp tục tăng cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận các doanh nghiệp cá tra do một phần đơn hàng vận chuyển theo CFR (chịu chi phí vận tải).

BSC kỳ vọng Vĩnh Hoàn có thể chuyển một phần đơn hàng từ CFR sang FOB (không chịu chi phí vận tải) khi nhu cầu thị trường Mỹ đang khả quan, giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của cước vận tải tăng đột biến.

Năm 2022, các chuyên gia dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn lần lượt đạt 10.763 tỷ và 1.087 tỷ đồng, tương ứng tăng 23% và tăng 32% so với dự phóng năm 2021.

Theo SSI Research, ban lãnh đạo Vĩnh Hoàn khá lạc quan về tốc độ tăng trưởng năm 2022, thời điểm mà nhu cầu thị trường ổn định khi nhiều nền kinh tế giảm bớt hoặc loại bỏ các hạn chế liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Ngoài thị trường Mỹ, lãnh đạo Vĩnh Hoàn kỳ vọng xuất khẩu sang châu Âu sẽ tăng trở lại đáng kể trong năm nay. Cùng với đó, mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc còn nhiều biến động nhưng cũng cải thiện từ mức thấp năm trước.


A.Vũ
Cùng chuyên mục