Đơn vị quản lý nói gì về việc gỗ lim lát sàn cầu đi bộ 53 tỷ đồng ở Huế bị mục nát?

12/02/2025 10:16 GMT +7
Thông tin cầu đi bộ lát sàn gỗ lim có có tổng kinh phí thực hiện gần 53 tỷ đồng ở Huế xuất hiện tình trạng bị mục nát, hư hỏng thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo ghi nhận của PV, những ngày qua, nhiều người dân và du khách tham quan Huế phản ánh tình trạng mặt sàn lát bằng gỗ lim ở cầu đi bộ ven sông Hương bị xuống cấp, hư hại. Hàng loạt thanh gỗ lim lát mặt cầu đã bị mục nát, vênh hỏng, lún lõm.

Hàng loạt thanh gỗ lim lát mặt cầu đi bộ 53 tỷ đồng ven sông Hương ở Huế đã bị mục nát, vênh hỏng, lún lõm. Ảnh: T.H. 

Tình trạng này không chỉ làm mất mỹ quan cho công trình mà còn gây nguy hiểm đối với người dân và du khách dạo bộ, ngắm cảnh trên cầu.

Khu vực sàn gỗ lim bị xuống cấp, hư hỏng tập trung ở đoạn giáp với công viên đối diện Bệnh viện Trung ương Huế.

Video gỗ lim lát sàn cầu đi bộ 53 tỷ đồng ở Huế bị hư hỏng, mục nát. 

Trước thông tin phản ánh, trong ngày 11/2, Trung tâm Công viên cây xanh quận Thuận Hóa (thành phố Huế) đã bố trí lực lượng tiến hành tháo dỡ, thay thế những thanh gỗ lim bị mục nát, hư hỏng.

Công trình cầu đi bộ ven sông Hương do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ xây dựng vào năm 2018. Cầu đi bộ này dài 380m, rộng 4m. Mặt cầu được lát sàn gỗ lim nhập từ Nam Phi dày 5cm, tổng diện tích lát sàn gỗ lim là hơn 2.400 m2.

Qua khảo sát của Trung tâm Công viên Cây xanh quận Thuận Hóa, đã có hơn 50 thanh gỗ lim lát mặt cầu đi bộ ven sông Hương bị hư hỏng và phải thay thế. Ảnh: T.H. 

Ước tính đã có khoảng 16.000 thanh gỗ lim được sử dụng để lát sàn cầu đi bộ ven sông Hương này. Dự án có kinh phí thực hiện gần 53 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ năm 2019.

Từ lúc dự án còn là chủ trương đầu tư cho đến khi được triển khai xây dựng, cầu đi bộ lát gỗ lim này khiến nhiều người dân và chuyên gia lo ngại về sự bền vững.

Theo các chuyên gia, việc dùng gỗ lim để lát sàn cho cầu đi bộ này không hợp lý bởi gỗ sẽ nhanh hỏng, gây lãng phí rất lớn. Gỗ lim dù tốt thế nào thì sau một thời gian phơi giữa mưa nắng cũng sẽ nhanh hư hỏng, chưa kể gỗ lim Nam Phi chất lượng kém nên chỉ khoảng dăm bảy năm là gỗ sẽ bị mục nát.

Nhân viên Trung tâm Công viên cây xanh quận Thuận Hóa bóc dỡ các thanh gỗ bị mục nát, hư hỏng để thay mới. Ảnh: T.H. 

Các chuyên gia khẳng định, ngoài đặc thù mưa nắng khắc nghiệt, Huế còn hay bị lũ lụt nên sẽ khiến gỗ lim rất nhanh bị oải mục. Trong khi đó, chi phí thay thế, sửa chữa khi gỗ lim hư hỏng rất lớn.

Các chuyên gia đề nghị, để công trình không nhanh bị hư hỏng, nên lát mặt cầu bằng đá giả gỗ. Lát cầu bằng vật liệu này nhìn rất giống lát gỗ và có tuổi thọ cao trong khi phí rất rẻ, dễ vệ sinh.

Theo ông Dương Quang Hiền- Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Công viên cây xanh quận Thuận Hóa, qua khảo sát của đơn vị, đã có hơn 50 thanh gỗ lim bị hư hỏng và phải thay thế.

Theo ông Hiền, tình trạng gỗ lim lát sàn cầu đi bộ bị xuống cấp, hư hại này là do thời tiết khắc nghiệt. Một số thanh gỗ xuất hiện vết nứt nên khi ngâm nước lâu ngày, bùn sẽ thẩm thấu vào gỗ gây hư, mục.

Khu vực gỗ lim lát sàn cầu đi bộ ven sông Hương bị hư hại tập trung ở đoạn giáp công viên đối diện Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: T.H. 

“Công trình đã hết hạn bảo hành lâu rồi, bây giờ hư hỏng ở đâu thì mình sửa chữa đó. Đã qua 7 năm rồi, gỗ lim để ngoài trời với diễn biến thời tiết khắc nghiệt thì đến một thời gian nào đó cũng xảy ra hư hỏng, khác với gỗ để trong nhà. Việc sửa chữa cũng không có gì khó khăn, sau khi thay thế các thanh gỗ vẫn đảm bảo chất lượng của công trình”, ông Hiền nói.

Ông Hiền cũng cho hay, trước đó, khi thực hiện dự án, chủ đầu tư đã có phương án giành khối lượng gỗ lim dự phòng để sửa chữa, thay thế khi xảy ra tình trạng gỗ bị hư hại.

Trần Hòe