Xem xét 3 luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực sớm từ 1/8, nhiều dự án chờ "hồi sinh"

09/06/2024 07:02 GMT+7
Quốc hội sẽ xem xét điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản từ 1/8/2024, sớm hơn thời hạn cũ 5 tháng. Điều này kỳ vọng sẽ sớm tháo gỡ các vướng mắc pháp lý đối với hàng loạt dự án bất động sản.

Hàng loạt dự án bất động sản chờ khơi thông pháp lý

Các chuyên gia nhận định thị trường bất động sản chưa có nhiều dấu hiệu hồi phục như kỳ vọng từ các chính sách tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Một số dự án bất động sản được tháo gỡ pháp lý, xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, nhưng thực chất hàng đã được bán ra dưới hình thức hợp đồng đặt cọc giữ chỗ. Về bản chất, thị trường không phát sinh nguồn cung nhưng tích cực hơn ở chỗ, các chủ đầu tư có thể huy động thêm tiền từ khách hàng, vì pháp lý đã tiến thêm một bước. Từ đó, Ngân hàng có thể tài trợ nguồn vốn cho dự án, việc mua bán dễ dàng hơn.

Theo Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2023 đến nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã gấp rút rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.

Tổ công tác đã nhận được 138 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 191 dự án bất động sản. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ công tác, Bộ Xây dựng đã xem xét, phân loại và chuyển cơ quan, thẩm quyền xử lý.

Xem xét 3 luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực sớm từ 1/8, nhiều dự án chờ "hồi sinh"- Ảnh 1.

Nhiều dự án bất động sản gặp vướng mắc về phương pháp định giá đất

Năm 2023 ghi nhận nhiều dự án bất động sản tại các địa phương cơ bản đã được giải quyết, tháo gỡ nút thắt quan trọng. Điển hình như TP Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được cho 419/712 dự án. Hiện TP Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo giải quyết cho 293 dự án.

Tương tự, TP. HCM đã chỉ đạo và giải quyết được cho 67/180 dự án, trong đó có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của tổ công tác và 39 dự án qua rà soát của địa phương. Theo UBND TP. HCM, trong tổng số 189 kiến nghị tại 148 dự án đang gặp vướng mắc, TP chỉ đạo các sở, ngành giải quyết được 52 kiến nghị tại 44 dự án.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng hoạt động của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản vẫn đang có nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt là khó khăn, vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên...

Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ. Ngoài ra, khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án (phải giãn tiến độ, dừng triển khai). Khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023…

Quốc hội xem xét 3 luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực sớm từ 1/8

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ thêm sự cần thiết, tính cấp bách, khả thi của việc ban hành Luật điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Có ý kiến đề nghị chỉnh sửa tên Luật để chỉ rõ việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của các luật chứ không nêu chung là sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu cũng là những yêu cầu mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đặt ra. Chính phủ đã tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội, đồng thời đôn đốc các bộ, chính quyền địa phương tích cực chuẩn bị đầy đủ điều kiện để triển khai thi hành các luật.

Xem xét 3 luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực sớm từ 1/8, nhiều dự án chờ "hồi sinh"- Ảnh 2.

Luật Đất đai 2024 sớm có hiệu lực từ 1/8 sẽ gỡ khó cho các dự án "đắp chiếu"

Qua xem xét cho thấy, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có nhiều quy định đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Việc sớm triển khai thi hành các luật nêu trên sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, bất cập, đưa các chính sách mới đã được Quốc hội quyết định vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, đẩy mạnh phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Do đó, đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự án Luật vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và biểu quyết thông qua ngay tại Đợt 2 của Kỳ họp này theo trình tự, thủ tục rút gọn như Chính phủ đề xuất; đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chỉnh lý tên gọi của Luật cho phù hợp với phạm vi sửa đổi là chỉ điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của các luật sớm hơn, cụ thể là từ ngày 1/8/2024.

Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục