Dự án cầu 245 tỷ nhưng quên tính nguồn đất thi công đường dẫn: Nguyên nhân khách quan?
Trả lời thắc mắc trên, đại diện chủ đầu tư là BQL dự án đầu tư công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi giải thích, theo tính toán nguồn đất sử dụng để làm đường dẫn cho dự án cầu Sông Rin, được lấy từ mỏ đất Nước Rạc, ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà.
Tuy nhiên sau khi kiểm tra, đã xác định chất lượng đất của mỏ Nước Rạc không đảm bảo tiêu chuẩn để sử dụng đắp làm đường dẫn. Vì vậy chủ đầu tư yêu cầu đơn vị trúng thầu thi công, phải tìm nguồn đất khác.
Thế nhưng do trên địa bàn huyện Sơn Hà, hiện chỉ có duy nhất mỏ đất Nước Rạc là được cấp phép cho khai thác, trong khi nếu chở đất từ đồng bằng và vùng lân cận về sử dụng thì quá xa (30-50km). Vì vậy đơn vị thi công phải tìm chọn, làm thủ tục xin phép để lấy đất ở các vị trí gần hơn, nên tốn rất nhiều thời gian dẫn đến tiến độ thi công đường dẫn bị chậm.
"Việc thiếu đất đắp làm đường dẫn là nguyên nhân khách quan, ngoài ý muốn chứ không phải chủ đầu tư không, thiếu sự tính toán trước khi thực hiện và cho triển khai dự án", đại diện BQL dự án công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi giải thích.
"Tổng số lượng đất cần sử dụng để đắp làm đường dẫn cho toàn bộ dự án cầu Sông Rin là bao nhiêu m3, hiện đã tìm được vị trí lấy chưa?", PV Etime đặt câu hỏi.
Đại diện chủ đầu tư cho biết theo tính toán thì số lượng đất cần sử dụng ước khoảng 30.000m3. Đến thời điểm này sau khi tận dụng đất dư thừa tại 1 số công trình và dự án đang thi công, hiện còn thiếu khoảng 15.000m3 nữa.
Qua quan sát của PV Etime đối với cầu Sông Rin, trừ 2 mố thì phần nền đường dẫn cơ bản đã hoàn thành, chờ thảm nhựa; còn cầu Rạc đường dẫn 2 bên vẫn trơ trọi, chưa có.
Được biết đây là dự án cầu, có tổng vốn đầu tư "nhiều trăm tỷ" thứ 2 ở Quảng Ngãi hoàn thành nhưng đợi đường dẫn. Trước đó cầu Cổ Luỹ, TP.Quảng Ngãi cũng phải phơi mình trong một thời gian dài vì lý do trên. Tuy nhiên khác với dự án cầu Sông Rin (thiếu đất đắp), cầu Cổ Luỹ chờ đường dẫn là do vướng đền bù giải toả để giải phóng mặt bằng.
Như PV Etime đã phản ánh, dự án cầu Sông Rin do BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, với tổng vốn 245 tỷ đồng (hơn 10 triệu USD); trúng thầu thi công là Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Hợp Nghĩa và Công ty TNHH xây dựng thương mại Trường Thành.
Dự án cầu Sông Rin có tổng chiều dài 3.561m, gồm 2 cầu Sông Rin và Nước Rạc. Trong đó cầu sông Rin dài 319m, với bề rộng nền đường từ 13,5 – 15m và bề rộng mặt đường từ 7 – 12m; cầu Nước Rạc dài 43m, có bề rộng nền đường từ 15m – 18m và bề rộng mặt đường là 12m, với đường dẫn nối 2 cầu vào quốc lộ 24B.
Dù đã hoàn thành từ hàng chục tháng qua, nhưng cầu Sông Rin và Nước Rạc, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, có tổng vốn đầu tư 245 tỷ đồng, vẫn đang trong tình cảnh phơi mình cùng "tuế nguyệt" vì đường dẫn chưa có.