Dự án Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng lại gặp khó khăn, vướng mắc

19/03/2022 13:37 GMT+7
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa làm việc với tỉnh Đồng Nai về tình hình triển khai thực hiện Dự án Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng. Hiện dự án này đang gặp một số khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Dự án Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng có tổng mức đầu tư trên 3.900 tỷ đồng, do EVN làm chủ đầu tư, quy mô công suất lắp đặt 2 tổ máy (mỗi tổ 100MW). Địa điểm xây dựng tại xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu.

Mục tiêu của dự án là tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện, đặc biệt trong giờ cao điểm, qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống điện quốc gia. Dự án thuộc loại công trình công nghiệp, nhóm A; tổng diện tích đất sử dụng 94,6 ha.

Dự án Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng lại gặp khó khăn, vướng mắc - Ảnh 1.

Thủy điện Trị An vào mùa xả lũ hàng năm. Ảnh: TP

Hiện nay, dự án gặp một số khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Năm 2021, EVN đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị điều chỉnh khoản 20 Điều 3 của Quyết định chủ trương đầu tư số 1354/QĐ-UBND ngày 04/5/2020. Đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đang tổ chức kiểm tra để ban hành quyết định điều chỉnh làm cơ sở thực hiện công tác thu hồi đất và bồi thường - GPMB đối với phần diện tích đất tạm thời.

Một khó khăn khác liên quan đến phương án trồng rừng thay thế được EVN nêu ra cụ thể: Thực hiện ý kiến kết luận tại buổi họp thẩm định hồ sơ kiểm kê, đánh giá hiện trạng rừng ngày 14/3/2022, Ban QLDA Điện 3 (thuộc EVN) đã có văn bản và làm việc với Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai để hỗ trợ bố trí quỹ đất trồng rừng thay thế và xây dựng phương án trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, việc chủ đầu tư tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế sẽ dẫn tới Ban QLDA điện 3 phải thuê đơn vị khác thực hiện trồng rừng; sau đó, khi cây đủ lớn (kéo dài 5 năm) Sở NN&PTNT tổ chức nghiệm thu bàn giao cho địa phương quản lý, do đó sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ quyết toán dự án sau khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng theo quy định.

Để đảm bảo tiến độ dự án, EVN đưa ra những kiến nghị với UBND tỉnh Đồng Nai như: Ban hành Quyết định điều chỉnh Chủ trương đầu tư của dự án; sớm trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét thông qua để phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án; chấp nhận cho EVN được nộp tiền trồng rừng thay thế được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt,...

EVN cũng kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai và các sở ban ngành hỗ trợ EVN trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kịp thời bàn giao vào cuối năm 2022 để khởi công công trình.

Liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị EVN hợp đồng trực tiếp với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh để trồng lại diện tích rừng thay thế. Về diện tích đất thu hồi, EVN lên phương án thu hồi, bồi thường cho toàn bộ hơn 94ha. Sau khi hoàn thành công trình, Tập đoàn tính toán giữ lại diện tích đất cần sử dụng theo nhu cầu, phần còn lại giao địa phương quản lý. Đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư cho người dân, EVN phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Cửu để được hỗ trợ. Quá trình triển khai thực hiện phải tạo được sự đồng thuận của người dân.

P.V
Cùng chuyên mục