Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Những nội dung nào được người dân quan tâm nhất?

22/03/2023 07:21 GMT+7
Kết thúc thời hạn lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều nội dung được quan nhất tại dự thảo là chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;…

Sau ngày 15/3 kết thúc thời hạn lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục lấy ý kiến đến khi Quốc hội thông qua luật. Tất cả các ý kiến có trách nhiệm, giá trị đều được cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình một cách đầy đủ để nâng cao chất lượng dự thảo luật trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền.

Trong số gần 8.000 ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thông qua website lấy ý kiến Nhân dân của Bộ TN&MT, tại địa chỉ https://luatdatdai.monre.gov.vn, có 10 nội dung nhận được nhiều ý kiến nhất.

Cụ thể, tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chế độ sử dụng các loại đất (1209 ý kiến, chiếm 15,2%); quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (990 ý kiến, chiếm 12,4%); bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (756 ý kiến, chiếm 9,5%); đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (667 ý kiến, chiếm 8,3%).

Tiếp đó, về nội dung quy hoạch sử dụng đất (645 ý kiến, chiếm 8,1%); thu hồi đất, trưng dụng đất (602 ý kiến, chiếm 7,5%); quy định chung (544 ý kiến, chiếm 6,8%); quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai (541 ý kiến, chiếm 6,78%); giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (437 ý kiến, chiếm 5,5%); tài chính về đất đai, giá đất (392 ý kiến, chiếm 4,9%).

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Những nội dung nào được quan tâm nhất? - Ảnh 1.

Quy định thu hồi đất tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là một trong những nội dung được quan tâm nhất (Ảnh: TN)

Ngoài ra, liên quan đến nội dung cụ thể, một số điều liên quan đến thu hồi đất tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chiếm số lượng lớn. Đó là Điều 79 về căn cứ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng (108 lượt góp ý). Điều 78 quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (86 lượt ý kiến). Điều 89 quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất (64 lượt ý kiến). Điều 77 quy định về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (63 ý kiến).

Trong đó, tại nội dung thu hồi đất để thực hiện các dự án đô thị, các tổ chức, cá nhân cùng cho rằng nếu để Nhà nước thu hồi đất cũng sẽ phát sinh một số vướng mắc mà hiện nay người sử dụng đất chưa đồng thuận cao. Bởi vì khi thu hồi bồi thường là giá đất nông nghiệp. Sau đó đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bao nhiêu thì không có ai kiểm soát và khi thành đất ở giá chênh lệch nhiều lần nên cũng tạo ra vướng mắc, chưa công bằng.

Mặc dù trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân lần này, Điều 78 vẫn quy định là Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng bao gồm rất nhiều điểm, trong đó Ban Soạn thảo đã tiếp thu và không còn quy định thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, tuy nhiên điểm h vẫn quy định về dự án đô thị sử dụng các loại đất không phải là đất ở.

Như vậy trong dự thảo vẫn quy định dự án đô thị do Nhà nước thu hồi đất. Bởi vậy, ban soạn thảo cân nhắc thật kỹ lưỡng điều khoản này để phù hợp với Nghị quyết 18; đồng thời cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Theo kế hoạch dự kiến, Bộ TN&MT sẽ hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân trước ngày 27/3/2023; trình Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến góp ý trước ngày 1/4/2023; báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 5/4/2023.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục