Đường sắt cần 19.000 tỷ đồng nâng cấp các hầm và di dời ga Đà Nẵng
Hiện nay, trên đèo Hải Vân có 6 hầm, trong đó, hầm ở trên đèo nên nếu có sự cố xảy ra sẽ không có phương tiện đường bộ để tiếp cận, xử lý nhanh được.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, khu vực đèo Hải Vân dài hơn 25km, địa hình hiểm trở, núi cao. Trong 6 hầm trên đèo, có 3 hầm được sửa chữa năm 2006 theo một dự án do Chính phủ Pháp tài trợ. Tuy nhiên, thời điểm đó chủ yếu là thay thế vỏ hầm cũ bị phong hóa kết hợp mở rộng kích thước hầm.
Hiện nay, ba hầm còn lại chưa được sửa chữa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Các hầm này cũng đã được đưa vào danh sách hầm cần gia cố, cải tạo hầm yếu trên tuyến Bắc - Nam.
Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất xây dựng mới hầm Hải Vân và di dời toàn bộ đường sắt khu vực Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố theo quy hoạch.
Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, việc nghiên cứu làm hầm đường sắt mới, cải tuyến đường sắt qua đèo Hải Vân đã được triển khai từ những năm 2000.
Thực tế, đây là một trong bốn điểm nghẽn về hạ tầng trên tuyến Bắc - Nam, cần được cải thiện để nâng năng lực thông qua, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải.
Bộ GTVT đã giao Ban QLDA Đường sắt lập nghiên cứu tiền khả thi dự án cải tạo đường sắt đèo Hải Vân và triển khai công tác chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Việc nghiên cứu này sau đó cũng tạm dừng để chờ đồng bộ với dự án đường sắt tốc độ cao, làm rõ phương án đi chung hay đi riêng giữa đường sắt hiện có và đường sắt tốc độ cao.
Theo quy hoạch, đường sắt tốc độ cao đã xác định được hướng tuyến, đi về phía Tây, song song với đường bộ cao tốc, không trùng vị trí hay chung hầm với tuyến đường sắt hiện có.
Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất nghiên cứu, đầu tư tiếp dự án cải tạo đường sắt qua đèo, bao gồm làm hầm mới vì trên hành lang Bắc - Nam.
Cùng đó, Bộ GTVT đã xác định vẫn tiếp tục khai thác tuyến đường sắt hiện có, bên cạnh đầu tư, khai thác đường sắt tốc độ cao. Nghiên cứu ban đầu, hầm mới sẽ nằm sát với hầm đường bộ Hải Vân hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc thay vì đường sắt ở lưng chừng đèo với nhiều hầm như hiện nay, chỉ cần một hầm ở chân đèo và khoan xuyên núi từ bờ Bắc qua bờ Nam với chiều dài hầm khoảng 6km.
Trong hầm làm đường sắt đơn, không làm đường đôi vì chi phí quá lớn. Để phòng ngừa các yếu tố rủi ro khi khai thác chạy tàu sẽ có hầm lánh nạn.