Đường sắt "đau đầu" vì gần 200 toa tàu hết niên hạn
Ngành đường sắt Việt Nam đang đối diện với hàng loạt những khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, Đường sắt còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa khi công nghệ, hạ tầng lạc hậu, toa tàu hết niên hạn nhưng vẫn chưa có cơ chế để chuyển đổi.
Hiện, đường sắt đang có gần 200 toa tàu đã hết niên hạn nhưng trên thực tế khai thác lại có năng suất vận dụng thấp, trong khi đó nhu cầu phục vụ vận chuyển vật tư, thiết bị để thi công hạ tầng đường sắt, phục vụ an ninh quốc phòng và chạy tàu an sinh vẫn rất cấp thiết. Việc dừng vận dụng số toa xe này thời gian qua dẫn đến thiếu phương tiện vận tải chuyên dùng.
Để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép chuyển đổi gần 180 toa xe hết niên hạn theo Nghị định 65/2018 thành toa xe chuyên dùng.
Theo Đường sắt Việt Nam, năm 2021, đường sắt thiếu 86 toa xe phục vụ sửa chữa các công trình thi công trên đường sắt, đặc biệt phục vụ các công trình thuộc dự án 7.000 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và khoảng 90 toa xe vận chuyển xăng dầu, phục vụ cấp dầu cho đầu máy kéo tàu và phương tiện máy móc thiết bị, ôtô tải...
Trong bối cảnh vận tải đường sắt giảm sút nghiêm trọng như hiện nay, thì việc đầu tư số lượng lớn toa xe thay thế như vậy là áp lực lớn về tài chính đối với các doanh nghiệp vận tải đường sắt. Do đó, về căn cứ pháp lý, có thể cho phép chuyển đổi các toa xe thành toa xe chuyên dùng.
Tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định 65/2018 quy định: "Không áp dụng quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt đối với các phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt.
Về kiến nghị này của VNR, phía Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khai thác vận tải trong điều kiện khó khăn hiện nay nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật.
Đến nay, Công ty CP vận tải đường sắt sẽ phải thanh lý dần khoảng 60 đầu máy, gần 1.000 toa xe hàng và 500 toa xe khách (tính đến 31/12/2022). Điều này sẽ gây ra khó khăn rất lớn cho Tổng công ty đường sắt và các đơn vị khi phải huy động khoảng 6.822,8 tỷ đồng để đầu tư mới bù đắp các phương tiện phải loại bỏ theo quy định mà không được hưởng các ưu đãi về lãi suất vay.
Người đứng đầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đánh giá niên hạn chỉ là một yếu tố và là thước đo về an toàn, xác định khả năng an toàn phương tiện thiết bị. Nhiều quốc gia không áp dụng niên hạn kỹ thuật mà dùng hàng rào kỹ thuật đó là đăng kiểm thường kỳ.
"Những đầu máy, toa xe nếu quá niên hạn nhưng được bảo dưỡng định kỳ thường xuyên và chứng minh vẫn đảm bảo chạy tàu an toàn thì cần giữ khai thác để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội," người đứng đầu VNR bày tỏ ý kiến.