Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cần nghiên cứu thấu đáo

16/10/2023 14:49 GMT+7
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục mời các chuyên gia kỹ thuật, kinh tế trong nước và quốc tế để nghiên cứu thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu thấu đáo, giải trình đầy đủ, thuyết phục đối với những vấn đề đặt ra; kế thừa và tiếp thu nghiêm túc những điểm mới, phù hợp thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước cũng như xu thế trên thế giới.

Đề án cần tập trung làm rõ những căn cứ, luận điểm khoa học và thực tiễn về vai trò, vị trí của đường sắt tốc độ cao đối với sự phát triển của đất nước; chứng minh tính hiệu quả để giải bài toán nguồn lực huy động; đề xuất "gói cơ chế, chính sách pháp luật" về đầu tư, tài chính, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực…

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cần nghiên cứu thấu đáo - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt của nước bạn Lào đang khai thác. Ảnh: TA

Đồng thời, tính toán nguồn nhân lực để làm chủ công nghệ, kỹ thuật, ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số; Hình thành ngành công nghiệp để làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao…

Đề án phải khẳng định được vai trò của tuyến đường sắt tốc độ cao là "trục xương sống" trên hành lang đường sắt Bắc - Nam, động lực phát triển kinh tế với việc mở ra và kết nối không gian phát triển mới; đưa ra các mục tiêu rõ ràng dựa trên cơ sở phân tích kỹ thuật, công nghệ, tài chính; đề xuất công việc, nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành, địa phương; góp phần hình thành hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ;…

"Việc lựa chọn kịch bản phát triển đường sắt tốc độ cao phải do thị trường quyết định, trong đó khâu dự báo nhu cầu là rất quan trọng để tính toán hiệu quả đầu tư", Phó Thủ tướng nói.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đường sắt Việt Nam đã từng đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 1980 - 2005, hiện đang mất dần vai trò, thị phần giảm sút, không cạnh tranh được với các phương thức vận tải khác.

Bộ GTVT cho biết, hạ tầng đường sắt quốc gia lạc hậu. Tiêu chuẩn kỹ thuật thấp. Chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu. Tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông. Nguồn nhân lực ngày càng mai một.

Thực trạng trên đặt ra yêu cầu phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nhằm mở ra không gian mới để phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.

Bộ GTVT đã tổ chức các đoàn công tác, khảo sát ở một số quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển, như: Thời điểm quyết định đầu tư; công tác chuẩn bị đầu tư; lựa chọn công nghệ, kỹ thuật; phương án khai thác; mô hình đầu tư; tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực; mô hình quản lý…

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Danh Huy nhấn mạnh Đề án đã được nghiên cứu nghiêm túc, công phu, kỹ lưỡng trong thời gian dài, nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, Hội đồng thẩm định Nhà nước, cũng như thông tin phản hồi của xã hội và người dân.


Thế Anh
Cùng chuyên mục