Nhu cầu tăng vọt cuối năm khi lễ Tết đến, mặt hàng lớn này của Việt Nam có tận dụng được cơ hội?

09/11/2021 13:46 GMT+7
Triển vọng xuất khẩu chè trong quý IV/2021 sẽ khả quan hơn, bởi hiện tại dịch bệnh đang dần được kiểm soát, hoạt động sản xuất đã bắt đầu phục hồi trở lại và nhu cầu thị trường tăng vào dịp cuối năm khi mùa lễ Tết đến gần.

Xuất khẩu chè giảm mạnh do ảnh hưởng dịch Covid-19

Có thể nói chưa có ngành nông sản nào bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 như ngành xuất khẩu chè của Việt Nam. Xuất khẩu chè của Việt Nam trong quý III/2021 giảm mạnh về lượng và trị giá do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong quý III/2021 chỉ đạt 33,5 nghìn tấn, trị giá 58,43 triệu USD, giảm 16,5% về lượng và giảm 11,9% về trị giá so với quý III/2020. 

Giá chè xuất khẩu bình quân trong quý III/2021 đạt 1.744 USD/ tấn, tăng 5,5% so với quý III/2020. Luỹ kế từ đầu năm đến hết tháng 9/2021, chè xuất khẩu đạt 91,6 nghìn tấn, trị giá 153,3 triệu USD, giảm 6,6% về lượng và giảm 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Xuất khẩu chè trong quý III/2021 giảm mạnh do hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, siêu thị phải tạm thời đóng cửa khiến việc tiêu thụ sản phẩm chè gặp nhiều khó khăn. Nhiều công ty chè đã phải chấp nhận bán hàng không lợi nhuận để thu hồi vốn tái sản xuất.

Xuất khẩu chè ra nước ngoài cũng gặp khó. Các doanh nghiệp xuất khẩu chè phải đối mặt với tình trạng cước phí vận chuyển tăng; nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên phụ liệu bị gián đoạn; nhu cầu của nhiều thị trường chưa phục hồi; nguyên vật liệu nhập khẩu tăng...

Triển vọng xuất khẩu chè trong quý IV/2021 sẽ khả quan hơn

Bộ Công Thương dự báo, triển vọng xuất khẩu chè trong quý IV/2021 sẽ khả quan hơn, bởi hiện tại dịch bệnh đang dần được kiểm soát, hoạt động sản xuất đã bắt đầu phục hồi trở lại và nhu cầu thị trường thường tăng vọt vào dịp cuối năm khi mùa lễ tết đến gần.

Nhu cầu tăng vọt cuối năm khi lễ tết đến, mặt hàng lớn này của Việt Nam có tận dụng được cơ hội? - Ảnh 1.

Nguồn: Tính toán từ số liệu từ Tổng cục Hải quan

Châu Á sẽ là khu vực thị trường tốt nhất để chè Việt đẩy mạnh xuất khẩu dịp cuối năm. Thực tế, 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu chè sang khu vực này với trị giá chiếm 80,6% tổng xuất khẩu chè trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. 

Tỷ trọng xuất khẩu chè tới các khu vực khác như châu Âu, châu Phi, châu Đại Dương trong 9 tháng đầu năm 2021 đều giảm so với cùng kỳ năm 2020, chỉ có châu Mỹ là có tỷ trọng tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. 

Châu Âu là khu vực có tỷ trọng giảm mạnh nhất do tác động tiêu cực bởi tình hình dịch bệnh, các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chè (MRL) tại các thị trường thuộc khu vực châu Âu, cụ thể là các thị trường như EU, Nga càng ngày càng nghiêm ngặt hơn, do đó xuất khẩu chè sang các thị trường này gặp nhiều khó khăn. Nhưng cuối năm là dịp lễ tết, nhu cầu thị trường khu vực này sẽ tăng lên, nếu đáp ứng được yêu cầu, chè của ta sẽ tăng mạnh được thị phần ở các thị trường này. 

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực về canh tác sản xuất chè, nhưng hiện nay ngành chè vẫn còn đối mặt với khó khăn như quy mô sản xuất chè còn nhỏ lẻ, nguyên liệu chè cung cấp cho chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp. Sản xuất chè nhỏ lẻ nên khó tiếp cận với các kỹ thuật mới, hiện đại và chứng nhận chè an toàn. 

Do đó, để ngành chè phát triển mạnh trong thời gian tới cần nâng cao năng suất, chất lượng chè bằng cách thay đổi các giống chè cũ sang các giống chè mới. Đầu tư công nghệ để chế biến sâu tạo ra các sản phẩm chè tiêu chuẩn quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, mang lại giá trị kinh tế lớn. 

Doanh nghiệp chế biến chè và người trồng chè cần có sự liên kết từ xây dựng vùng nguyên liệu đến bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo sự ổn định, đủ nguyên liệu chè tươi cho chế biến. Đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu chè sang các thị trường chủ lực.

Nhu cầu tăng vọt cuối năm khi lễ tết đến, mặt hàng lớn này của Việt Nam có tận dụng được cơ hội? - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán theo số liệu từ Tổng cục Hải quan

5 thị trường lớn nhất thế giới, chè Việt sẽ chiếm lĩnh thế nào?

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), hiện thế giới có 5 thị trường tiêu thụ chè lớn nhất, nhập khẩu chè từ 5 thị trường này chiếm 42,4% tổng trị giá nhập khẩu chè toàn cầu. Trong đó, dẫn đầu là EU, tiếp theo là Pakistan, Hoa Kỳ, Nga và Anh. 

6 tháng đầu năm 2021, 5 thị trường này tiếp tục dẫn đầu về trị giá nhập khẩu chè trên toàn cầu. Trong 6 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu chè của EU đạt 585,1 triệu USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu chè từ Việt Nam chiếm 0,33% tổng trị giá nhập khẩu của EU, tăng 0,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.

Nhu cầu tăng vọt cuối năm khi lễ tết đến, mặt hàng lớn này của Việt Nam có tận dụng được cơ hội? - Ảnh 4.

Nguồn: ITC (Ghi chú: Số liệu chè Pa-ki-xtan theo nguồn Cơ quan thống kê Pa-ki-xtan, tỷ trọng chè nhập khẩu từ Việt Nam tính theo năm tài chính 2020 -2021 (từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2021).

Theo Cơ quan thống kê Pakistan, nhập khẩu chè nước này trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 263,2 triệu USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu chè từ Việt Nam trong năm tài chính 2020 – 2021 (tính từ tháng 7/2020 đến hết tháng 6/2021) chiếm 3,4% tổng trị giá nhập khẩu chè của Pakistan, tăng 0,31 điểm phần trăm với cùng kỳ trong năm tài chính 2019 – 2020. 

Nhập khẩu chè của Hoa Kỳ nửa đầu năm 2021 đạt 252,6 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng chè Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu chè của Hoa Kỳ chiếm 1,62%, giảm 0,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. 

Tỷ trọng nhập khẩu chè của Nga từ Việt Nam giảm mạnh trong nửa đầu năm 2021, mặc dù nhu cầu nhập khẩu chè của Nga đạt 217,9 triệu USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020. 

Anh giảm nhập khẩu chè trong nửa đầu năm 2021, đạt 147,6 triệu USD, giảm 13,6% so cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu chè từ Việt Nam giảm 0,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. 

Trị giá xuất khẩu chè của Việt Nam hàng năm trung bình đạt 173,2 triệu USD trong giai đoạn năm 2016-2020. Trong khi đó trị giá nhập khẩu chè trên toàn cầu hàng năm trung bình đạt 7,2 tỷ USD. Như vậy, trị giá xuất khẩu chè của Việt Nam mới chỉ chiếm 2,4% tổng trị giá nhập khẩu chè trên toàn cầu, cơ hội còn rất lớn.

Nhu cầu tăng vọt cuối năm khi lễ tết đến, mặt hàng lớn này của Việt Nam có tận dụng được cơ hội? - Ảnh 5.

Chè của Việt Nam mới chỉ chiếm 2,4% tổng trị giá nhập khẩu chè trên toàn cầu. Ảnh CT

Cho đến nay, chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam chưa đa dạng, chất lượng chè chưa được đánh giá cao, mẫu mã và quy chuẩn vẫn chưa đáp ứng được thị trường đối tác, dẫn đến tình trạng chè Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm chè của các quốc gia khác.

Có thể khẳng định, nhu cầu thị trường chè thế giới cuối năm sẽ tăng rất mạnh và cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu chè là rất lớn. Để nắm bắt được, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè trên cả nước cần phải năng động, linh hoạt chế biến các sản phẩm chè an toàn, đảm bảo chất lượng cả trong nước cũng như xuất khẩu. Đây cũng chính là điều kiện cần thiết khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các doanh nghiệp, hợp tác xã tận dụng cơ hội, đặc biệt là cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại để mở rộng thị trường xuất khẩu. 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chè, các địa phương cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Hỗ trợ xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm; hỗ trợ gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu...



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục