FED sắp họp, Tổng thống Trump tỏ ý sẵn sàng can thiệp chính sách tiền tệ

29/07/2019 08:09 GMT+7
Lần gần đây nhất Mỹ can thiệp vào thị trường ngoại hối là năm 2011, sau khi đồng JPY tăng vọt vì trận động đất kinh hoàng tại Nhật Bản.

Trump sẽ can thiệp chính sách tiền tệ?

Chính sách tiền tệ của Donald Trump giờ đây đang hỗn loạn như chính cuộc chiến thương mại mà ông đưa Mỹ dấn thân vào. Chỉ vài giờ sau khi Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow bác bỏ triển vọng can thiệp làm suy yếu đồng USD, Trump đã lên tiếng. “Tôi không nói rằng tôi sẽ không làm gì” - ông chủ Nhà Trắng cho hay.

Phát biểu này là một trong những động thái hiếm hoi tiết lộ khả năng ông Trump can thiệp chính sách tiền tệ. Nó còn cho thấy sự chia rẽ trong đội ngũ quan chức dưới quyền Tổng thống về việc nên hay không thực hiện một bước đi bất thường để phá giá đồng USD. Sự chia rẽ này tương tự với phản ứng hồi ông Trump quyết định sử dụng thuế quan làm vũ khí của chiến tranh thương mại.

Chỉ vài ngày tới, Cục Dự trữ Liên bang FED sẽ tiến hành cuộc họp quyết định chính sách tiền tệ, dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25%. Trump đã nhiều lần gây áp lực lên FED và Chủ tịch Jerome Powell để đạt được hiệu quả cắt giảm lãi suất này, nhằm góp phần suy yếu sức mạnh đồng USD.

Bất chấp việc đơn phương can thiệp vào tỷ giá hối đoái đơn sẽ mâu thuẫn với một cam kết lâu dài của Mỹ với các thành viên G20, ông Trump nhiều khả năng sẽ không ngồi yên mặc cho Trung Quốc phá giá đồng NDT và tận hưởng lợi thế cạnh tranh. Lần gần đây nhất Mỹ can thiệp vào thị trường ngoại hối là năm 2011, sau khi đồng JPY tăng vọt vì trận động đất kinh hoàng tại Nhật Bản.

Hành động của FED có là lối thoát?

Bình luận của cố vấn Nhà Trắng Kudlow hôm 26.7 đã làm dấy lên những tranh cãi và cáo buộc ông này ép Tổng thống Trump vào một vị thế nhạy cảm trong bối cảnh vấn đề chưa được quyết định triệt để.

Nhiều nhà kinh tế nhận định đồng USD mạnh đang gây áp lực lên nền kinh tế Mỹ, ngay cả Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF cũng chỉ ra đồng USD đang được định giá quá cao so với các trọng số thương mại. Quan trọng hơn, điều này làm suy yếu những nỗ lực trừng phạt thương mại chống lại Trung Quốc của ông Trump.

Nhưng vào lúc này, một động thái phá giá đồng USD nhiều khả năng sẽ dẫn tới chiến tranh tiền tệ tương tự như cuộc chiến thuế quan vừa xảy ra, khi các quốc gia khác nỗ lực bảo vệ đồng tiền của họ. Trong trường hợp tiêu cực, đồng USD suy yếu có thể thúc đẩy sự bán tháo cổ phiếu kho bạc Nhà nước Mỹ trong tay các nhà đầu tư nước ngoài.

Một trường hợp khả quan hơn, khi FED cắt giảm lãi suất đủ lớn làm đồng USD mất giá, ông Trump sẽ không cần hành động thêm để làm suy yếu đồng bạc xanh. “Đồng USD mạnh, nước Mỹ cũng mạnh” - ông Trump phát biểu trước giới truyền thông tại Nhà Trắng. "Đó là điều tốt đẹp, nhưng đồng thời cũng làm giảm lợi thế cạnh tranh của đất nước."

Ông Steve Hanke, một nhà kinh tế tại Đại học Johns Hopkins cho biết,  nhiều khả năng ông Trump sẽ không đơn phương can thiệp vào thị trường tiền tệ, trừ khi có được kế hoạch và sự hợp tác cùng Cục Dự trữ Liên Bang. “Các can thiệp đơn phương là vô ích, trừ khi chính quyền Trump có sự phối hợp cụ thể. Nếu không, họ chỉ đốt ngoại tệ mà thôi”.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục