G20 "bật đèn xanh" cho thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu

11/07/2021 09:09 GMT+7
Các nhà lãnh đạo nhóm G20 - 20 nền kinh tế tiên tiến nhất hành tinh mới đây đã đạt được thỏa thuận trải thảm cho việc áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.

G20 là diễn đàn dành cho các chính phủ và thống đốc Ngân hàng Trung ương đến từ 20 nền kinh tế tiên tiến trên toàn cầu.

Trong cuộc họp giữa các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 diễn ra hôm 10/7, nhóm này đã tán thành kế hoạch cải cách thuế toàn cầu bao gồm việc tái phân bổ lợi nhuận các doanh nghiệp đa quốc gia và mức thuế tối thiểu toàn cầu “sau nhiều năm thảo luận và xây dựng”.

Tới đây, nhóm sẽ tiếp tục làm việc với các nhà lãnh đạo quốc gia trong kế hoạch thuế toàn cầu chi tiết hơn tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào tháng 10/2021.

G20 "bật đèn xanh" cho thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu - Ảnh 1.

Các quan chức tài chính G20 "bật đèn xanh" cho thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu trong cuộc họp vừa diễn ra tại Venice, Ý (Ảnh: AFP)

Theo nguồn tin từ Reuters, một khi được thông qua, thỏa thuận thuế toàn cầu sẽ thiết lập mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ở mức ít nhất 15% nhằm ngăn chặn cuộc đua giảm thuế để thu hút dòng vốn FDI của các quốc gia. Thỏa thuận này cũng sẽ thay đổi cách thức đánh thuế toàn cầu với những tập đoàn đa quốc gia khổng lồ như Amazon hay công ty mẹ Google - Alphabet. Cụ thể, các tập đoàn này có khả năng buộc phải trả mức thuế tối thiểu 15% ở bất kỳ nơi nào họ có hoạt động, thay vì chỉ đóng thuế tại quốc gia đặt trụ sở chính như trước đây. Luật thuế không thống nhất trước đây đã tạo điều kiện cho các công ty này chuyển trụ sở chính sang những thiên đường thuế trên thế giới để chỉ phải đóng mức thuế doanh nghiệp rất thấp.

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz xác nhận rằng tất cả các nền kinh tế G20 đều đồng thuận tham gia thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thì tiết lộ một số quốc gia nhỏ, bao gồm các quốc gia đang duy trì mức thuế doanh nghiệp rất thấp như Hungary hay Ireland vẫn đang phản đối một số điều khoản trong thỏa thuận. Hai quốc gia này từ lâu đã duy trì mức thuế doanh nghiệp tương đối thấp. Cụ thể, Ireland hiện chỉ áp dụng mức thuế doanh nghiệp 12,5% và Hungary là 9%.

Cũng theo bà Yellen, sáng kiến thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đã được 130 quốc gia và vùng lãnh thổ ủng hộ trong thỏa thuận thuế sơ bộ gần đây. Mức thuế tối thiểu 15% được đề xuất áp dụng với những tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trên 20 tỷ Euro (23,7 tỷ USD) với tỷ suất lợi nhuận cao nhất 10%. Các ngân hàng, nhà cung cấp bảo hiểm và các công ty tài nguyên sẽ được miễn trừ. Phạm vi áp thuế có thể thay đổi hoặc bổ sung cho đến khi thỏa thuận thuế cuối cùng được thông qua vào tháng 10 tại Hội nghị thượng đỉnh G20.

“Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã tham gia vào một cuộc cạnh tranh thuế toàn cầu các bên cùng thất bại. Chúng tôi phải hạ mức thuế doanh nghiệp khi các quốc gia khác hạ thuế. Kết quả là một cuộc đua thuế toàn cầu cùng đi xuống đáy. Rồi trong tương lai, quốc gia nào có thể tiếp tục giảm thuế doanh nghiệp? Không một quốc gia nào là người chiến thắng trong cuộc đua này” - bà Janet Yellen nhấn mạnh trong tuyên bố hôm 1/7.

Kế hoạch thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu được Mỹ đề xuất nhằm mục đích khắc phục lỗ hổng thuế khi các nhà chức trách không thể đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ với mức thuế tương xứng với lợi nhuận mà các tập đoàn này tạo ra. Phân tích của Nikkei cho thấy các gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Alphabet - công ty mẹ Google, Apple, Facebook và Amazon chỉ phải chịu mức thuế trung bình là 15,4% từ năm 2018 đến năm 2020. Mức thuế này thấp hơn gần 10% so với mức thuế doanh nghiệp trung bình toàn cầu là 25,1%.


NTTD
Cùng chuyên mục