Gánh 4,3 tỷ lãi vay mỗi ngày, thu nhập của phi công Vietnam Airlines thấp hơn đối thủ
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) mới đây đã công bố bản cáo bạch niêm yết chuẩn bị cho việc niêm yết cổ phiếu HVN trên HoSE trong tháng 4.2019.
Trước đó, HVN đã có kế hoạch chuyển sàn giao dịch cổ phiếu từ UpCOM sang niêm yết trên sàn HOSE trong năm 2018 nhưng đã phải lui kế hoạch này sang tháng 4.2019.
Trên sàn UPCoM, từ đầu năm 2019 đến nay, cổ phiếu HVN đã có đợt phục hồi mạnh tăng từ 32.000 lên 40.900 đồng sau đợt sụt giảm mạnh hồi tháng 10-11.2018.
Gánh 4 tỷ đồng lãi vay mỗi ngày
Theo thông tin trong bản cáo bạch niêm yết của Vietnam Airlines, năm 2018, HVN đạt 96.810 tỷ doanh thu thuần, tăng 16,7% năm trước. Lợi nhuận trước thuế của HVN đạt gần 3.312 tỷ đồng, tăng nhẹ từ con số 3.155 tỷ đồng ghi nhận vào năm 2017.
Với kết quả này, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2018 của Vietnam Airlines đã tăng 5% so với năm 2017 và vượt xa so với kế hoạch 2.421 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp gần 700 tỷ, lợi nhuận sau thuế của HVN chỉ còn 2.598 tỷ đồng, thấp hơn con số 2.659 tỷ của cùng kỳ năm liền trước.
Góp mặt trong sự tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của Vietnam Airlines trong năm 2018 phải kể đến sự đóng góp của khoản lãi trên 34 tỷ đồng của Jetstar Pacific. Jetstar Pacific là hãng hàng không do Vietnam Airlines nắm giữ 68,85% vốn.
Cụ thể, theo thông tin đưa ra trong bản cáo bạch do Vietnam Airlines công bố, doanh thu của Jetstar Pacific tăng khoảng 30% so với năm trước lên gần 9.000 tỷ đồng. Kết quả, Jetstar Pacific đã có lãi hơn 34 tỷ đồng trong năm 2018 sau khi lỗ lần lượt 900 tỷ và 350 tỷ trong 2 năm liền trước.
Trong năm 2018, Jetstar Pacific đã chuyên chở tổng cộng 6,2 triệu lượt khách, tăng 14,3% so với năm trước với tổng số chuyến bay cũng tăng 10,8% lên tổng cộng 40.000 chuyến. Hiện đội tàu bay của Jetstar Pacific gồm 15 chiếc.
Việc Jetstar Pacific không còn lỗ cũng tác động đáng kể lên kết quả kinh doanh hợp nhất của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, với mức lợi nhuận khiêm tốn trong năm 2018, lỗ lũy kế của Jetstar Pacific vẫn còn rất lớn, khoảng 4.250 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, Cambodia Angkor Air - hãng hàng không có trụ sở tại Campuchia do Vietnam Airlines sở hữu 49% vốn - đạt doanh thu 94 triệu USD và lỗ hơn 6 triệu USD trong năm vừa qua.
Xét về chi phí hoạt động của Vietnam Airlines (hợp nhất), cùng với sự tăng trưởng về doanh thu thì HVN cũng có sự tăng trưởng tương ứng về tổng chi phí hoạt động. Trong giai đoạn 2015 – 2018, chi phí hoạt động của Vietnam Airlines tăng từ 67.928 tỷ lên gần 95.600 tỷ (chiếm tới 98,75% doanh thu của năm).
Trong đó, chi phí lãi vay của Vietnam Airlines trên tổng doanh thu có giảm dần trong 3 năm gần đây song vẫn ở mức cao. Riêng năm 2018, lãi vay của HVN trên 1.561 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 1.558 tỷ của năm 2017. Bình quân, Vietnam Airlines phải gánh trên 4,3 tỷ đồng chi phí lãi vay mỗi ngày.
Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của HVN giảm từ mức 88.550 tỷ xuống còn 82.390 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh 8.924 tỷ, bằng ½ con số ghi nhận trong năm 2017.
Về mục tiêu lợi nhuận HVN đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2019 vào khoảng 2.680 tỷ đồng, tăng 3,1% so với thực hiện năm 2018. Tuy nhiên, năm 2020 HVN dự kiến giảm tới 15,5% mục tiêu lợi nhuận, quay về mức 2.265 tỷ đồng.
Phi công nhận lương bình quân 132,5 triệu đồng/tháng, vẫn thấp hơn đối thủ
Theo Vietnam Airlines, trong năm 2018 thu nhập bình quân của phi công tại hãng hàng không này đạt 132,5 triệu đồng/tháng năm 2018, tương đương khoảng 5.650 USD/tháng và cao gấp gần 4,6 lần lương bình quân của tiếp viên là 28,9 triệu đồng.
Lương bình quân của toàn thể cán bộ, công nhân, nhân viên (không bao gồm Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc) trong năm 2018 là 28,8 triệu đồng.
Nếu xét trong giai đoạn 2015 – 2018, lương bình quân của đội ngũ phi công tăng từ 112,9 triệu đồng lên 132,5 triệu đồng/tháng, tăng 17%.
Lương của đội ngũ tiếp viên tăng từ 23,4 triệu đồng lên 28,9 triệu đồng/tháng, tương ứng với mức tăng trưởng 23%.
Lương của toàn thể cán bộ, công nhân, nhân viên (không bao gồm Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc) tăng từ 17,8 triệu đồng lên 28,8 triệu đồng/tháng, tăng trưởng 61% tương ứng với mức tăng 17,40% mỗi năm.
Cuối năm 2018, Vietnam Airlines có 1.118 phi công/6.605 nhân viên (trong đó phi công người Việt chiếm 75,67%). Hãng đặt kế hoạch phát triển nguồn lực trong nước, từng bước giảm số lao động phải thuê nước ngoài. Lực lượng lao động tại Vietnam Airlines có độ tuổi trung bình là 37, dưới 40 tuổi chiếm 65,3% lược lượng. Tỷ lệ nam/nữ đạt 52,7%/47,3%. Tỷ trọng lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm 58,8%. Theo loại hợp đồng lao động, 88,5% lao động không có thời hạn, chỉ có 11,5% tương đương 758 lao động có thời hạn.
Về phần đối thủ cạnh tranh của Vietnam Airlines là CTCP Hàng không Vietjet (Mã: VJC) của tỷ phủ Nguyễn Thị Phương Thảo, tính đến thời điểm cuối tháng 12.2017, Vietjet có 3.162 nhân viên và 50 chuyên gia nước ngoài đến từ hơn 35 quốc gia trên thế giới, trong đó có 499 phi công, 1.046 tiếp viên và 592 kĩ sư.
Thu nhập bình quân của nhân viên năm 2017 là gần 15 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn 9 triệu đồng/tháng so với bình quân của Vietnam Airlines cùng năm. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của phi công Vietjet Air là 180 triệu đồng/người/tháng trong năm 2017, cao hơn 48% so với Vietnam Airlines. Trong đó, mức lương cơ phó của Vietjet đang dao động trong khoảng 120 -140 triệu đồng, còn cơ trưởng 180 - 240 triệu (tùy vào hiệu quả làm việc, thâm niên).