Gay gắt cuộc chiến chống hạn: Cần giải pháp căn cơ

31/07/2019 13:14 GMT+7
Vào mỗi mùa vụ, việc đầu tư giống, cây trồng và đất đai luôn là những vấn đề đau đầu của người nông dân. Thêm vào đó là hiện nay, chi phí đầu tư cho nông nghiệp tăng cao do ảnh hưởng của thời tiết đã gộp lại thành một bài toán lớn chưa có lời giải đáp.

Ảnh hưởng xấu của thời tiết luôn là thách thức lớn đối với các nước nông nghiệp

Từ đầu năm 2019, thời tiết diễn biến bất thường, tình trạng nắng nóng diện rộng xảy ra liên tiếp, kéo dài trong nhiều ngày, nhất là ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đang khiến hạn hán xảy ra và có xu hướng lan rộng trên quy mô lớn.

Để ứng phó, nhiều nông dân đã phải tưới tiêu liên tục dẫn đến tình trạng gia tăng chi phí đầu tư. Bởi số lần tưới càng nhiều, đồng nghĩa với việc chỉ số điện tăng cao. Tại một địa phương trồng dưa hấu, bình quân 1ha dưa/ 1 tháng sử dụng khoảng 250 ngàn tiền điện cho việc tưới tiêu, thêm vào đó là tiền thuê nhân công chăm sóc rau màu, thu hoạch.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), từ đầu vụ sản xuất hè thu 2019 đến nay, do nhiều đợt nắng nóng liên tiếp và thiếu hụt lượng mưa, khu vực Trung Bộ đã xảy ra tình trạng hạn hán với hơn 50 ngàn ha bị ảnh hưởng.

Đó là chưa kể đến việc thời tiết tác động xấu đến chất lượng và năng suất sản phẩm. Nông sản vừa không được được bao tiêu ổn định, vừa có giá thành thấp, lại phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với nông sản từ các nơi khác đổ về khiến nông dân “như ngồi trên đống lửa”.

Nguyên nhân lớn nhất của việc thiếu nước trong canh tác là do việc tổ chức sản xuất manh mún, mang tính chất cá nhân đã khiến cho việc quy hoạch không được đồng bộ và rất khó để áp dụng các biện pháp kĩ thuật. Thêm vào đó là các đợt nắng nóng diễn ra liên tiếp trong một thời gian dài, lượng nước thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khá lớn, dung tích trữ ở nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện chỉ còn khoảng 20 - 60% dung tích thiết kế đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Khẩn trương chống hạn

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, trước mắt cần tiếp tục lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm nước ở hệ thống sông suối, ao kể cả các hồ chứa nước; tiếp tục nạo vét hệ thống kênh mương, đào ao, giếng để tăng thêm nguồn nước, thực hiện tưới luân phiên, tưới tiết kiệm ở những vùng khó khăn…

Tại Phú Yên, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam, ông Nguyễn Văn Chiến cho biết: “Hiện kênh bắc 800 ha, kênh nam khoảng 200 ha và hơn 70 ha phía đông tây xã An Phú, TP Tuy Hòa chưa có nước gieo sạ... Chúng tôi đang cho vận hành các trạm bơm hết công suất để bơm nước chống hạn cho các xứ đồng khô kiệt”.

Bên cạnh đó là tranh thủ tích trữ nước khi có mưa hay những đợt xả nước của các hồ lớn và quan trọng là xây dựng lịch canh tác đảm bảo thời vụ, phù hợp và tranh thủ bám sát lịch xả nước tưới của các hồ thuỷ điện hàng năm.

Tại Bình Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Hồ Thành Phi cho hay: Theo đề nghị của huyện, Công ty Thủy điện An Khê - Kanak vừa xả hai đợt nước từ hồ chứa thủy điện với tổng lượng nước hơn 500 nghìn m3 để cứu 97,4 ha lúa ở hai thôn Trung Sơn và Thượng Sơn (xã Tây Thuận).

UBND huyện tiếp tục đề nghị Công ty Thủy điện An Khê - Kanak xả thêm hai đợt nước để cứu lúa và yêu cầu xã Tây Thuận chỉ đạo cán bộ thủy nông hướng dẫn nông dân sử dụng nước tiết kiệm, tưới luân phiên. Huyện cũng đã huy động máy bơm để tận dụng nguồn nước từ các sông, hồ để chống hạn cho 237 ha lúa ở các xã Tây Thuận, Bình Nghi, Vĩnh An.

Đối với Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, trong tháng qua, tỉnh đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp để cứu lúa. Theo đó, ngoài việc đắp đập tạm ngăn mặn, tổ chức bơm lách triều và thực hiện tưới nước một cách khoa học nhằm tiết kiệm nước, tỉnh còn chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp các địa phương trong vùng thường xuyên bị nắng hạn nghiên cứu chuyển đổi cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Giải pháp bền vững và lâu dài 

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, cần phải điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng và các giải pháp kỹ thuật, trong đó lưu ý đến kỹ thuật của Israel. Ở Ninh Thuận phải chú trọng các cây trồng khác ngoài lúa nước, vì lúa nước mỗi ha cần hơn chục nghìn m3 nước, trong khi những cây trồng khác chỉ cần 2.000-3.000m3 khối nước/ha. Đồng thời, phải dùng những kỹ thuật tưới tiên tiến, tiến bộ, tiết kiệm như tưới nhỏ giọt, tưới phun sương...

Tuy nhiên để có thể đầu tư trang thiết bị hiện đại thì cần một sự quy hoạch, tổ chức sản xuất tập trung trên quy mô lớn. Điển hình như tại các tỉnh Nam Trung Bộ nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng đã triển khai mô hình sử dụng nguồn nước tiết kiệm thông qua thực hiện các mô hình tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, coi đó là một hướng đi cụ thể, lâu dài. Nhờ đó mà tiết kiệm được khoảng 30% nước tưới, năng suất cây trồng tăng thêm 10%.

Ngoài ra có thể kể đến các tập đoàn nông nghiệp lớn nhất nhì cả nước như Hoàng Anh Gia Lai cũng sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt từ khâu ươm trồng cây trồng đến chăm sóc đến khi thu hoạch thành quả. Các nhà vườn, nhà kính trồng rau, trồng hoa ở Đà Lạt và nhiều nơi khác đang áp dụng công nghệ phun nước này cho hiệu quả cả về kinh tế và chất lượng đầu ra.

Hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm được khoảng 30% nước tưới, năng suất cây trồng tăng thêm 10%.

Bên cạnh đó cũng cần chú trọng cải tạo nâng cấp hệ thống hồ chứa nhằm tăng dung tích đảm bảo việc điều tiết nước tưới cho toàn bộ diện tích canh tác các huyện; huy động các nguồn lực để tiếp tục đầu tư xây dựng công trình mới cũng như nâng cấp các công trình thủy lợi, đặc biệt các hồ chứa nước.

Có sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến từng địa phương trong việc theo dõi, rà soát điều tra đề tìm kiếm những nguồn nước mới; đánh giá và thống kê nước còn có thể sử dụng để có kế hoạch cân đối, sử dụng hợp lí; điều chỉnh quy hoạch tổng thể, lựa chọn cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện khô hạn và môi trường nước mặn, lợ.

Tập trung cho công tác tuyên truyền sâu rộng cho người dân chủ động phòng chống hạn, mặn, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, các bộ, ngành liên quan về việc tập trung ứng phó với nắng nóng kéo dài, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn theo chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp tích nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, chống thất thoát, lãng phí nước. Chủ động bố trí ngân sách địa phương thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá nguồn nước trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi, tính toán cân bằng nước để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước, phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, trong đó ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, các vùng đã sản xuất và tưới cây công nghiệp lâu năm; điều chỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch vận hành cụ thể từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa nước.

Chủ động thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng sức khỏe, đời sống nhân dân, nhất là đối với vùng núi cao, vùng ven biển thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt. Căn cứ tình hình cụ thể về nguồn nước và khả năng cấp nước, tiếp tục rà soát, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp... 

Mai Trang
Cùng chuyên mục