Giá cà phê hai sàn không đồng nhất, thị trường cà phê nội lặng sóng
Giá cà phê hôm nay 10/4: Lặng sóng, cao nhất 49.600 đồng/kg
Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới hôm nay biến động không đồng nhất. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 5/2023 được ghi nhận tại mức 2.299 USD/tấn sau khi giảm 0,65% (tương đương 15 USD).
Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2023 tại New York đạt mức 183,60 US cent/pound sau khi tăng 1,92% (tương đương 3,45 US cent) tại thời điểm khảo sát sáng nay (giờ Việt Nam).
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua (7/4), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe London quay đầu giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2023 giảm 15 USD (0,65%), giao dịch tại 2.299 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2023 giảm 18 USD (0,79%), giao dịch tại 2.256 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình cao.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US New York tiếp tục tăng. Kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 3,45 Cent/lb (1,92%), giao dịch tại 183,6 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2023 tăng 2,7 Cent/lb (1,51%), giao dịch tại 181,7 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng cao.
Trong nước, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay (10/4) ổn định, dao động trong khoảng 49.200 - 49.600 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 49.200 đồng/kg. Kế đến là Đắk Nông với 49.400 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê tại hai tỉnh Gia Lai là 49.500 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk giao dịch ở cùng mức 49.600 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được ghi nhận.
Các chuyên gia nhận định, giá dầu thô tuần qua tăng hơn 6%, cùng với số liệu bảng lương phi nông nghiệp mới công bố của Mỹ sẽ là những yếu tố giúp đồng USD mạnh trở lại.
Tuần vừa qua, chỉ số DXY đã nỗ lực duy trì trên mốc 102. Dữ liệu việc làm của Mỹ được công bố hôm 7/4 cho thấy Bảng lương phi nông nghiệp Mỹ đã tăng 236.000 trong tháng 3. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm từ mức 3,6% trong tháng 2, xuống mức 3,5% trong tháng 3.
Đồng USD mạnh sẽ là nhân tố ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa nói chung, cà phê nói riêng.
Về diễn biến thị trường cà phê tuần này, giới chuyên gia nhìn nhận, đà tăng của Arabica "sáng cửa" hơn Robusta. Nguyên nhân do sàn New York chưa vào vùng quá mua. Nếu sàn London giằng co được quanh mốc 2.233 USD/tấn trong những phiên đầu tuần thì đà tăng giá sẽ vững. Còn nếu giới đầu cơ xả bán ngay đầu tuần thì thị trường sẽ về dưới 2.200 USD/tấn.
Áp lực từ nguồn cung từ Việt Nam tiếp tục đè nặng thị trường Robusta sau khi Tổng cục Thống kê ước báo xuất khẩu cà phê tháng 3 tăng tới 9,2%.
Theo ước tính, tháng 3/2023, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 230 nghìn tấn, trị giá 522 triệu USD, tăng 15% về lượng và tăng 20,1% về trị giá so với tháng 2/2023, so với tháng 3/2022 tăng 9,2% về lượng và tăng 10,2% về trị giá. Tính chung quý I/2023, xuất khẩu cà phê của nước ta ước đạt 572 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 1,27 tỷ USD, giảm 1,6% về lượng và giảm 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Về giá: Tháng 3/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước tính đạt mức 2.270 USD/tấn, tăng 4,4% so với tháng 2/2023 và tăng 0,9% so với tháng 3/2022. Tính chung quý I/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta ước đạt mức 2.214 USD/tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Cơ cấu chủng loại: Tháng 2/2023, xuất khẩu cà phê Robusta và cà phê chế biến tăng mạnh so với tháng 2/2022, trong khi xuất khẩu cà phê Arabica giảm. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê Robusta giảm 7,8% về lượng và giảm 12% về trị giá, đạt xấp xỉ 312 nghìn tấn, trị giá 595,29 triệu USD; xuất khẩu cà phê Arabica đạt 12,2 nghìn tấn, trị giá 46,95 triệu USD, giảm 2,8% về lượng và giảm 16,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê chế biến tăng 12,9% trong 2 tháng đầu năm 2023, đạt trên 103 triệu USD.
Theo số liệu của ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm tới 18% trong tháng 2 xuống còn 8,9 triệu bao (loại 60 kg/bao). Lũy kế trong 5 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10/2022 đến tháng 2/2023) xuất khẩu cà phê toàn cầu chỉ đạt 48,6 triệu bao, giảm 8,7% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt 7,9 triệu bao trong tháng 2, giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu niên vụ hiện tại, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu đã giảm 8,5% (tương ứng hơn 4 triệu bao) xuống mức 43,8 triệu bao.
Sự sụt giảm được ghi nhận ở hầu hết nhóm cà phê nhân, với Arabica Brazil giảm 33% trong tháng 2 xuống 2,3 triệu bao. Từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 2 năm nay, xuất khẩu cà phê Arabica Brazil đã giảm 7% so với niên vụ trước, chỉ đạt 15,4 triệu bao.
Xuất khẩu nhóm cà phê Arabica Colombia cũng giảm 6,8% trong tháng 2 và giảm 14,1% trong 5 tháng đầu niên vụ hiện tại, xuống còn 4,7 triệu bao.
Xuất khẩu các lô hàng Arabica khác giảm 16% trong tháng 2 và đánh dấu sự sụt giảm trong tháng thứ 5 liên tiếp kể từ đầu niên vụ mới. Do đó, khối lượng xuất khẩu lũy kế của nhóm cà phê này trong 5 tháng đầu niên vụ hiện tại đã giảm 18,5% xuống 6,7 triệu bao.
Không nằm ngoài xu hướng chung, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 2, 9 triệu bao trong tháng 2, giảm 13,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu vụ 2022-2023, xuất khẩu Robusta đạt 16,9 triệu bao, giảm 13,6% so với cùng kỳ niên vụ trước.