Áp lực nguồn cung tiếp tục "điều khiển" giá cà phê

08/04/2023 13:13 GMT+7
Giá cà phê thế giới biến động không đồng nhất trong phiên kết thúc sớm của tuần này. Giá cà phê hôm nay (8/4) tại thị trường trong nước ổn định. Trong đó, 48.600 đồng/kg là mức giao dịch cao nhất.

Giá cà phê hôm nay 8/4: Biến động không đồng nhất

Đóng cửa phiên cuối tuần này, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe London quay đầu giảm, kỳ hạn giao hàng tháng 5/2023 giảm 15 USD (0,65%), giao dịch tại 2.299 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2023 giảm 18 USD (0,79%), giao dịch tại 2.256 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình cao.

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US New York tiếp tục tăng. Kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 3,45 Cent/lb (1,92%), giao dịch tại 183,6 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 7/2023 tăng 2,7 Cent/lb (1,51%), giao dịch tại 181,7 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng cao.

Áp lực nguồn cung tiếp tục điều khiển giá cà phê - Ảnh 1.

Ghi nhận cho thấy, các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 48.200 - 48.600 đồng/kg.

Trong nước, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay (8/4) ổn định. Trong đó, 48.600 đồng/kg là mức giao dịch cao nhất trong các địa phương được khảo sát, được ghi nhận tại tỉnh Đắk Lắk. Ghi nhận cho thấy, các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 48.200 - 48.600 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 48.200 đồng/kg. Kế đến là Đắk Nông với 48.400 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê tại tỉnh Gia Lai là 48.500 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk giao dịch ở mức 48.600 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được ghi nhận.

Giá cà phê thế giới biến động không đồng nhất trong phiên kết thúc sớm của tuần này. Thứ sáu (7/4), các thị trường giao dịch quốc tế đóng cửa nghỉ Lễ “Good Friday”.

Thị trường thế giới đang chờ dữ liệu báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 3 của Brazil, trong khi ước tính ban đầu giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, những lo ngại lạm phát ở châu Âu và lãi suất ở Mỹ sẽ ảnh hưởng đến ngân sách của người tiêu dùng khiến mức tiêu thụ cà phê sẽ không còn chắc chắn. Trong khi đó, áp lực từ nguồn cung Việt Nam tiếp tục đè nặng thị trường cà phê Robusta – London, sau khi Tổng cục Thống kê Việt Nam ước báo xuất khẩu cà phê tháng 3 tăng tới 9,2%.

Ngoài ra, Hiệp hội Các nhà xuất khẩu và công nghiệp cà phê Indonesia cho biết, Indonesia, quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn thứ ba thế giới, sẽ chứng kiến sản lượng năm 2023 giảm 20% so với cùng kỳ còn 9,6 triệu bao do thiệt hại do mưa nhiều trên các khu vực trồng trọt của nước này.

Báo cáo Thương mại tháng 3 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết, trong niên vụ cà phê 2022/2023, ước tính tiêu thụ cà phê toàn cầu khoảng 178,50 triệu bao, trong khi ước tính nguồn cung cà phê toàn cầu chỉ khoảng 171,30 triệu bao, do đó thị trường cà phê toàn cầu sẽ thâm hụt 7,27 triệu bao.

Điều này sẽ được bù đắp từ sản lượng tăng của các quốc gia sản xuất trong vụ thu hoạch mới, nhất là nhà sản xuất lớn nhất thế giới Brazil sẽ có vụ thu hoạch được mùa theo chu kỳ “hai năm một”.

Kho dự trữ cà phê Arabica của ICE thắt chặt hơn đã hỗ trợ giá sau khi ICE theo dõi hàng tồn kho cà phê Arabica hôm thứ ba (4/4) giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng rưỡi là 732.533 bao.

Trong khi đó, tồn kho đạt chuẩn sàn ICE Lodon ghi nhận giảm 190 tấn xuống còn 75.310 tấn, tính đến ngày 3/4. Thông tin trên đã hỗ trợ cho nhịp tăng giá của cà phê Robusta.

Có thể nói, nhìn lại tuần này cho thấy, giá cà phê Arabica tăng mạnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày đầu tiên trong tuần, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Cà phê Arabica tạo bất ngờ khi dẫn đầu đà tăng của nhóm trong khi sự bùng nổ của giá dầu hỗ trợ giá đường thô xác lập kỷ lục giá cao mới.

Bất chấp việc thị trường đang kỳ vọng sản lượng cà phê niên vụ 2023/24 sắp thu hoạch sẽ nới lỏng hơn 2 kỳ trước đó, Arabica bất ngờ bật tăng mạnh 3,37% sau khi chạm mức thấp nhất trong 2 tháng. Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE London giảm về mức thấp nhất trong 3 tháng rưỡi tại mức 742.609 bao loại 60kg, đã phần nào hỗ trợ giá loại cà phê này.

Nhờ lực kéo từ Arabica cũng như lo ngại về khan hiếm nguồn cung giúp giá Robusta tiếp tục khởi sắc với mức tăng 1,04%. Mặc dù Brazil đã bắt đầu thu hoạch, sản lượng được Conab dự báo có sự suy yếu nhẹ so với năm 2022. Cùng với đó, cảnh báo về sự khan hiếm nguồn cung tại Việt Nam và Indonesia khiến cho thị trường chứng kiến bức tranh chung về sự thu hẹp nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ đà tăng của giá.

Sang ngày 5/4, giá cà phê Arabica bật tăng hơn 3% nhờ hỗ trợ từ tồn kho tiếp tục giảm. Theo báo cáo hàng ngày của ICE, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE London đã giảm về 731.959 bao loại 60kg, mức thấp nhất kể từ 13/12/2022, dấy lên lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ giá tăng. Bên cạnh đó, những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung càng được gia tăng sau báo cáo xuất khẩu hàng tháng của ICO với sự sụt giảm mạnh của Arabica. Cụ thể Brazilian Naturals giảm 33% và Colombian Milds giảm 6,8% trong tháng 2, góp phần hỗ trợ đà tăng của giá trong phiên này.

Nhờ lực kéo của Arabica cũng như những lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, giá Robusta ghi nhận mức tăng 2,66% trong phiên gần cuối tuần. Xuất khẩu Robusta trong tháng 2 trên phạm vi toàn cầu cũng ghi nhận mức giảm mạnh từ 3,35 triệu bao vào 03/2022 về mức 2,89 triệu bao trong 02/2023. Điều này làm gia tăng lo ngại khan hiếm nguồn cung tại các nước cung ứng chính ở thời điểm hiện tại, từ đó hỗ trợ giá Robusta nối tiếp đà tăng vài phiên trong tuần.

Phiên cuối tuần, Arabica ghi nhận phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp, đóng cửa giá tăng gần 2% so với mức tham chiếu. Thị trường tiếp tục bị chi phối bởi ước tính thâm hụt cán cân cung - cầu cà phê niên vụ 2022/23 của Tổ chức Cà phê Thế giới ở khoảng 7.200 bao loại 60kg, khiến lực mua trở nên áp đảo. Bên cạnh đó, sự suy yếu của Dollar Index trong phiên tối qua cũng phần nào thúc đẩy nhu cầu về cà phê, từ đó hỗ trợ giá Arabica đóng cửa ở mức 183,60 cents/pound.

Trong khi đó, sau khi chạm mức cao nhất trong 7 tháng, giá Robusta đã có sự điều chỉnh với mức giảm 0,65% dù những lo ngại về khan hiếm nguồn cung tại các nước cung ứng chính vẫn tiếp diễn cũng như tồn kho Robusta trên Sở ICE London tiếp tục giảm về 74.660 tấn, mức thấp nhất trong gần 1 tháng.

Theo Tổng cục Thống kê, ước tính tháng 3/2023, Việt Nam xuất khẩu 230 nghìn tấn cà phê, trị giá 522 triệu USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 10,2% về trị giá so với tháng 3/2022. Tính đến hết quý I/2023, xuất khẩu cà phê của nước ta ước đạt 572 nghìn tấn, thu về gần 1,27 tỷ USD, giảm 1,6% về lượng và giảm 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Quý I/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.214 USD/tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục