Giá cà phê thế giới đồng loạt tăng vọt, điều gì đang xảy ra?
Giá cà phê hôm nay 6/5: Cà phê nội địa sắp chạm ngưỡng 54.000 đồng/kg
Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới đồng loạt tăng. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 5/2023 được ghi nhận tại mức 2.471 USD/tấn sau khi tăng 2,45% (tương đương 59 USD).
Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2023 tại New York đạt mức 188,05 US cent/pound sau khi tăng 2,79% (tương đương 5,1 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 15h24 (giờ Việt Nam).
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng 1.500 - 1.600 đồng/kg. Các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 53.200 - 53.900 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 53.200 đồng/kg sau khi tăng 1.600 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với 53.700 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg. Tỉnh Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 53.800 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk giao dịch ở mức 53.900 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát, sau khi tăng 1.500 đồng/kg.
Trong phiên vừa qua, giá cà phê bước vào đầu phiên giao dịch giảm, nhưng càng về cuối càng tăng mạnh trong bối cảnh vàng và USD lao dốc. Rạng sáng ngày 6/5, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm nhẹ 0,12%, xuống mốc 101,28 điểm.
Đồng USD tiếp tục giảm nhẹ, sau dữ liệu kinh tế mới công bố cho thấy số việc làm và tăng trưởng tiền lương trong tháng 4 tăng vượt kỳ vọng, tuy nhiên số lượng việc làm trong tháng 3 được điều chỉnh giảm.
Còn sáng nay, giá vàng thế giới quay đầu lao dốc về gần 2.000 USD/ounce sau khi phá kỷ lục vào giữa tuần. Các chuyên gia kinh tế nhận định, dòng vốn đổ về từ vàng giúp cà phê kết phiên gần mức đỉnh của tuần.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 6 tháng đầu niên vụ hiện tại 2022/2023 chỉ đạt 62,30 triệu bao, giảm 6,4% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam đang nhận được hỗ trợ tốt từ việc giá giao dịch nội địa duy trì ở mức cao, từ đó hướng tới mục tiêu duy trì kim ngạch năm 2023 ở mức 4 tỷ USD. Theo dự báo, trong ngắn hạn, nguồn cung không chỉ thiếu hụt mà còn bị thu hẹp trong trung và dài hạn, từ đó kéo giá cà phê tăng mạnh.
Quý I/2023, giá cà phê thế giới biến động theo xu hướng tăng do lo ngại nguồn cung thiếu hụt trong ngắn hạn. Xu hướng tăng giá tiếp tục diễn ra trong tháng 4/2023, song đà tăng giá chậm lại trong các phiên từ ngày 26 – 28/4/2023.
Quý I/2023, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng khoảng 25% so với thời điểm cuối năm 2022 và tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, lên khoảng 48.600 - 49.000 đồng/kg. Tháng 4/2023, giá cà phê Robusta nội địa biến động theo xu hướng tăng giá cà phê toàn cầu. Ngày 28/4/2023, giá cà phê Robusta tăng 2.400 – 2.700 đồng/kg so với cuối tháng 3/2023, lên mức 50.800 – 51.500 đồng/kg.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong quý I/2023 đạt 552,61 nghìn tấn, trị giá gần 1,23 tỷ USD, tăng 36,3% về lượng và tăng 31,1% về trị giá so với quý IV/2022, nhưng so với quý I/2022 giảm 5,0% về lượng và giảm 5,4% về trị giá.
Dự báo quý II/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam có khả năng sẽ phục hồi trở lại nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê của khu vực châu Âu tăng. Giá cà phê Robusta duy trì ở mức cao do nguồn cung hạn chế. Theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), niên vụ 2022/2023, sản lượng cà phê Robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao. Trong đó, sản lượng của khu vực châu Á và châu Đại Dương giảm 4,6% so với vụ trước, ở mức 49,7 triệu bao.
Quý I/2023 so với quý IV/2022, trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang tất cả các khu vực trên thế giới tăng. Trong đó, tốc độ xuất khẩu cà phê sang khu vực châu Phi tăng 75%; châu Âu tăng 42,4%; châu Đại Dương tăng 30,2%. So với quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang khu vực châu Á, châu Mỹ, châu Phi tăng, nhưng xuất khẩu sang khu vực châu Âu và châu Đại Dương giảm.
Về cơ cấu thị trường: Quý I/2023 so với quý IV/2022, trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực tăng, ngoại trừ Mỹ. Đáng chú ý, tốc độ xuất khẩu cà phê sang các thị trường Ý và Bỉ ghi nhận mức tăng trưởng cao, lần lượt tăng 86,8% và 60,7%. So với quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường Ý, Hoa Kỳ, Nga… tăng, nhưng xuất khẩu sang các thị trường Đức, Nhật Bản, Bỉ… giảm.
Về cơ cấu chủng loại: Quý I/2023 so với quý IV/2022, trị giá xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica tăng lần lượt 39,7% và 42,2%, trong khi xuất khẩu cà phê chế biến và cà phê Excelsa giảm lần lượt 9,5% và 83,7%. So với quý I/2022, trị giá xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê tăng, nhưng xuất khẩu cà phê Arabica giảm 27,2%.