Fed nâng lãi suất, giá cà phê bị đẩy vào thế khó

04/05/2023 13:44 GMT+7
Fed nâng lãi suất USD lên thêm 0,25% đã đẩy hầu hết các thị trường hàng hóa vào thế khó, trong đó có giá cà phê...

Giá cà phê ngày 04/05/2023: Robusta vẫn ổn định

Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London có xu hướng ổn định. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 vẫn đứng ở  2.424 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 vẫn đứng ở 2.401 USD/tấn, các mức giá không thay đổi. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York trở lại xu hướng giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 1,25 cent, xuống 185,50 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm 1,10 cent, còn 182,85 cent/lb, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch rất thấp dưới mức trung bình.

Fed nâng lãi suất, giá cà phê bị đẩy vào thế khó - Ảnh 1.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 04/05/2023 lúc 12:06:01 (delay 10 phút)

Fed nâng lãi suất, giá cà phê bị đẩy vào thế khó - Ảnh 2.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 04/05/2023 lúc 12:06:01 (delay 10 phút)

Fed nâng lãi suất, giá cà phê bị đẩy vào thế khó - Ảnh 3.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên không thay đổi, vẫn dao động trong khung 51.800 - 52.600 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên không thay đổi, vẫn dao động trong khung 51.800 - 52.600 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá cà phê thấp nhất là 51.800 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai với 52.400 đồng/kg cà phê. Tỉnh Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch cà phê là 52.500 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk giao dịch cà phê ở mức 52.600 đồng/kg. Đây là mức cao nhất trong các địa phương được ghi nhận.

Giá cà phê Robusta bị áp lực giảm ngay từ đầu phiên do Tổng cục Thống kê Việt Nam ước báo xuất khẩu cà phê tháng 4 tăng tới 27,02% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, việc Fed quyết định nâng lãi suất USD kỳ này lên thêm 0,25% để ngăn chặn lạm phát Mỹ khiến nhà đầu tư trên sàn London quay lại mua vào do nhu cầu cà phê giá rẻ vẫn còn cao.

Trong khi áp lực thu hoạch vụ mùa Arabica mới tại các vùng trồng chính của Brazil tiếp tục đè nặng thị trường và đầu cơ ở sàn New York tiếp tục thanh lý vị thế ròng do đã “quá mua” trước đó.

Theo ước tính đầu tiên của Công ty Cung ứng Quốc gia (Conab), Brazil sẽ thu hoạch khoảng 55 triệu bao cà phê, tăng 8% so với năm trước.

Trong 4 tháng qua giá cà phê Việt Nam tăng 32%. Tính đến ngày 29/4, giá cà phê thiết lập kỷ lục mới khi vượt ngưỡng 51.000 đồng/kg. Trước đó, kỷ lục cũ là 50.800 được ghi nhận hồi tháng 8/2022.

Báo cáo mới đây của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo thị trường cà phê toàn cầu niên vụ 2022-2023 sẽ tiếp tục thâm hụt trong năm thứ hai liên tiếp, với mức thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Trong đó, sản lượng Robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao. Điều này kéo theo sản lượng của khu vực châu Á và châu Đại Dương giảm 4,6% so với vụ trước, ở mức 49,7 triệu bao.

Sản lượng niên vụ cà phê năm nay của Việt Nam cũng được dự báo giảm. Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022 xuống khoảng 1,47 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn.

VICOFA cho biết thêm nguyên nhân của việc giá cà phê trong nước ở mức cao trong khi xuất khẩu giảm là do doanh nghiệp khó khăn trong mua hàng. Hiện tại, việc thu hoạch đã hoàn tất tuy nhiên người dân vẫn giữ hàng không bán ra, chờ giá lên cao khiến doanh nghiệp không thể mua. Cùng lúc, năm nay sức mua của đa số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê yếu do nguồn vốn eo hẹp trong bối cảnh lãi suất khá cao và biến động tỷ thất thường.

Được biết, giá cà phê nội địa trong quý I tăng khoảng 25% so với thời điểm cuối năm 2022 và tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm ngoái lên khoảng 48.600 - 49.000 đồng/kg.

Giới chuyên gia dự báo rằng, giá cà phê trong thời gian tới sẽ còn biến động mạnh và chịu ảnh hưởng bởi giá cà phê thế giới. Tuy nhiên, đà tăng giá cà phê có thể chững lại do giá cà phê thế giới có thể chạm ở ngưỡng cản. Bên cạnh đó, có thể thấy nhu cầu cà phê trong ngắn hạn đang khá yếu. Điều này khó tạo động lực tăng giá bền vững.

Đối với việc xuất khẩu, tình trạng găm hàng vẫn diễn ra trong khi giá nội địa ở mức cao, nhu cầu ở thị trường nước ngoài thấp. Điều này tạo rủi ro cho các công ty xuất khẩu. Do đó, các đơn hàng ký kết cho những tháng tới cũng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tâm lý dè dặt của doanh nghiệp vẫn còn.

Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong tháng 3 đạt 15,3 nghìn tấn, trị giá 34,52 triệu USD, tăng 15,8% về lượng và tăng 18,4% về trị giá so với tháng 2, so với tháng 3/2022 tăng 40,5% về lượng và tăng 34,7% về trị giá.

Như vậy, tính chung quý I, xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ đạt xấp xỉ 39,4 nghìn tấn, trị giá 86,19 triệu USD, tăng 44,5% về lượng và tăng 26,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu cà phê Robusta sang thị trường Mỹ, nhưng giảm xuất khẩu cà phê Arabica và cà phê chế biến.

Bộ Công Thương khuyến cáo, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành cà phê Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ngang tầm yêu cầu phát triển, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường các thị trường nhập khẩu trong đó có thị trường Mỹ.




Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục