Giá cà phê tiếp tục tăng "nóng"
Giá cà phê hôm nay 14/1: Tiếp đà tăng 600 đồng/kg
Đóng cửa phiên giao dịch liền trước (13/1), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 3/2023 tăng 37 USD (1,97%), giao dịch tại 1.918 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 33 USD (1,79%), giao dịch tại 1.880 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US New York cũng tăng mạnh. Kỳ hạn giao tháng 3/2023 tăng 2,25 Cent/lb (1,51%), giao dịch tại 151,65 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2023 tăng 2,35 Cent/lb (1,57%), giao dịch tại 152,5 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 600 đồng/kg so với hôm qua. Ghi nhận cho thấy, thị trường trong nước đang ghi nhận khoảng giá 40.400 - 41.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 40.400 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng. Kế đó là tỉnh Gia Lai với mức 40.900 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cũng cùng tăng lên mức 41.000 đồng/kg trong hôm nay.
Giá cà phê chốt phiên cuối tuần bằng hai phiên tăng giá mạnh liên tiếp. Giá hai sàn cà phê đều chuyển sang sắc xanh tăng phục hồi nhờ hưởng lợi từ đồng USD suy yếu.
Các thị trường hàng hóa đồng loạt bật tăng mạnh mẽ sau khi Bộ Lao động Mỹ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm 0,1% so với tháng trước, tuy kết quả chỉ xấp xỉ như thị trường kỳ vọng nhưng cũng đã cho thấy mức lạm phát Mỹ tiếp tục giảm đều trong vài tháng qua, hứa hẹn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ sớm hơn dự kiến, cũng là động lực để đầu cơ quay lại các thị trường hàng hóa để tăng mua, kích thích hầu hết hàng hóa đảo chiều tăng trở lại…
Chỉ số USDX tiếp tục sụt giảm, nhà đầu tư quay lại rót vốn vào các thị trường hàng hóa trong bối cảnh thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại và các tiền tệ mới nổi tăng thêm giá trị. Chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng, kết thúc chuỗi giảm liên tiếp kể từ đầu tháng, tỷ giá đồng Real tăng thêm sẽ khiến người Brazil giảm bán.
Vùng cà phê Tây nguyên Việt Nam tiếp tục có những cơn mưa thất thường khiến nhà nông lo ngại cho chất lượng hạt cà phê vụ mới do đang khó phơi sấy.
Theo phân tích kỹ thuật, nhịp tăng đảo chiều ấn tượng hai phiên liên tục đã chấm dứt chuỗi ngày giảm liên tiếp của giá của cà phê Arabica, nhưng khác với Robusta, tín hiệu đảo chiều tăng vẫn chưa xuất hiện. Các chỉ số kỹ thuật cho tín hiệu trung tính xu hướng giá chưa rõ nét. Trong khi đó, đối với cà phê Robusta, nhờ thông tin CPI Mỹ hỗ trợ, nhịp tăng phục hồi ấn tượng của cà phê đã giúp các tín hiệu kỹ thuật đảo chiều tích cực hơn.
Cụ thể, tổng quan thị trường cà phê Robusta tuần này cho thấy: Cà phê Robusta kỳ hạn T03/2023 (LRCH23) đảo chiều tăng giá nhờ yếu tố tiền tệ hỗ trợ, tăng 70 USD (+3.87%), giá đóng cửa ở mức 1.881 USD/tấn.
Dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 12 được công bố đã khiến thị trường tiền tệ và hàng hóa đã có những chuyển biến mạnh. Cụ thể chỉ số CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tăng 0,3% trong tháng trước và tăng 5,7% so với 1 năm trước. Trong khi đó CPI cơ bản giảm 0,1% so với tháng trước. Như vậy có thể thấy tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng đã giảm, cho thấy áp lực giá cả tại Mỹ đang hạ nhiệt nên thị trường kỳ vọng Fed sẽ có động thái giảm bớt tốc độ tăng lãi suất trong tháng 2 (dự đoán là tăng 0,25%). Điều này đã tác động khiến lợi suất trái phiếu của Mỹ và chỉ số DXY đều giảm. Giá hai sàn cà phê đều chuyển sang sắc xanh tăng phục hồi nhờ hưởng lợi từ đồng USD suy yếu.
Theo báo cáo của tổng cục Thống kê Việt Nam xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 12/2022 tăng 53,5% so với tháng trước đó lên 197.077 tấn. Tính chung trong năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,78 triệu tấn cà phê, tăng 13,8% so với năm trước đó. Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt 4,1 tỷ USD. Yếu tố này đã tác động tiêu cực đến giá cà phê Robusta.
Theo phân tích kỹ thuật, nhờ thông tin CPI Mỹ hỗ trợ, nhịp tăng phục hồi ấn tượng phiên hôm qua đã giúp các tín hiệu kỹ thuật đảo chiều tích cực hơn. Giá Robusta tạm thời trong ngắn hạn có xu hướng tăng lại chiếm ưu thế. Dự kiến giá có thể tiếp tục lực tăng dò kháng cự về vùng 1.900, đây là điểm sáng tích cực cho giá cà phê Robusta sắp tới.
Trong khi đó, tổng quan thị trường cà phê Arabica tuần này cho thấy: Cà phê Arabica kỳ hạn T03/2023 (KCEH23) chấm dứt chuỗi ngày giảm điểm liên tiếp, đảo chiều tăng giá, tăng 5,50 cents (+3.82%), giá đóng cửa ở mức 149,40 cents/lbs.
Đồng Real Brazil tiếp tục ghi nhận giảm ở mức 1 USD = 5,1087 BRL. Giá trị đồng nội tệ giảm đã kiềm hãm đà tăng giá phục hồi của cà phê Arabica.
Tồn kho đạt chuẩn của sàn ICE New York ghi nhận tiếp tục tăng ở mức 842.771 bao tính đến ngày 11/01/2023. Bên cạnh đó, báo cáo thời tiết tại các vùng trồng cà phê chính ở Brazil hiện mưa rất thuận lợi để phát triển mùa vụ mới. Những thông tin trên đã gây áp lực giảm lên giá cà phê Arabica.
Theo phân tích kỹ thuật, nhịp tăng đảo chiều ấn tượng phiên hôm qua đã chấm dứt chuỗi ngày giảm liên tiếp của giá của Arabica nhưng khác với Robusta, tín hiệu đảo chiều tăng vẫn chưa xuất hiện. Các chỉ số kỹ thuật cho tín hiệu trung tính xu hướng giá chưa rõ nét. Dự kiến trong ngắn hạn giá Arabica có thể giằng co tích lũy trong biên độ 145 – 160. Bất kỳ nhịp tăng phục hồi nào cũng là cơ hội để giới đầu tư thoát bớt trạng thái mua ở vùng giá thấp bất lợi.
Trong báo cáo mới đây của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), giá cà phê thế giới tăng nhẹ 0,3% vào tháng cuối cùng của năm 2022 trong khi xuất khẩu tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực trong đầu niên vụ 2022-2023.
Giá cà phê tổng hợp toàn cầu được theo dõi bởi ICO (I-CIP) đã tăng nhẹ 0,3% lên mức trung bình 157,7 US cent/pound trong tháng 12/2022. Tương ứng với mức giá dao động trong khoảng 152 - 162,3 US cent/pound.
Nhìn chung giá của tất cả các nhóm cà phê đều tăng nhẹ trong tháng cuối cùng của năm 2022. Trong đó, cà phê arabica Colombia, arabica Brazil và robusta tăng lần lượt là 0,4%, 1,5% và 1,3% so với tháng trước, đạt 224,1 US cent/pound, 169 US cent/pound và 93,8 US cent/pound.
Riêng nhóm cà phê arabica khác giảm 1,7% xuống 210,2 US cent/pound.
Chênh lệch giá giữa hợp đồng kỳ hạn trên sàn New York và London cũng tăng nhẹ 0,2% trong tháng vừa qua, lên mức 82,3 US cent/pound so với 82,13 US cent/pound của tháng 11.
Vào tháng trước, tồn kho cà phê arabica được chứng nhận trên sàn New York đã tăng 46,6% và đạt 0,87 triệu bao (loại 60 kg). Trong khi tồn kho cà phê robusta được chứng nhận giảm 25,5% xuống còn 1,08 triệu bao.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 12 vừa qua, cả nước ta đã xuất khẩu hơn 197 nghìn tấn cà phê, trị giá 425,1 triệu USD; tăng mạnh 53,5% về lượng và 39,7% về giá trị so với tháng 11/2022. Như vậy, luỹ kế trong cả năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 1,77 triệu tấn cà phê các loại với tổng kim ngạch đạt trên 4 tỷ USD, vượt kế hoạch mục tiêu đề ra. So với cả năm 2021, xuất khẩu cà phê cũng đã tăng ấn tượng 13,8% về lượng và 32% về kim ngạch.