Giá cà phê tiếp tục giảm sâu, cà phê nội "tụt" thêm 600 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay 12/1: Tiếp tục giảm 600 đồng/kg
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London tiếp tục giảm sâu. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm thêm 29 USD, xuống 1.811 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 33 USD, còn 1.780 USD/tấn, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York nối tiếp chuỗi giảm phiên thứ 9. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm thêm 7,00 cent, xuống 143,90 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 6,90 cent, còn 144,70 cent/lb, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch ở mức “khủng”, hiếm thấy.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm thêm 500 – 600 đồng, xuống dao động trong khung 38.400 - 39.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 38.400 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng. Tiếp đó là tỉnh Đắk Lắk với mức 38.900 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê tại hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông cũng giảm xuống mức 39.000 đồng/kg trong hôm nay.
Giá cà phê Robusta tiếp tục sụt giảm do lực bán ròng của các Quỹ hàng hóa và đầu cơ ngắn hạn khi nhà sản xuất Robusta hàng đầu sắp bước vào kỳ nghỉ dài để đón mừng Tết cổ truyền năm Quý Mão kể từ cuối tuần sau. Trong khi đó, giá cà phê Arabica tiếp tục giảm sâu, xuống đứng ở mức thấp hơn 20 tháng, sau khi nhà nhập khẩu Wolthers Donque ở Mỹ đưa ra dự báo sản lượng Brazil sẽ đạt kỷ lục 65 triệu bao trong niên vụ 2022/2023, trong lúc thị trường đang chờ báo cáo kết quả khảo sát vụ mùa lần I của Conab – Brazil sắp được công bố.
USDX trở lại đà tăng và triển vọng báo cáo CPI – Mỹ tốt hơn sẽ được công bố hôm nay, đã nhấn chìm giá cà phê kỳ hạn tại New York khi tỷ giá đồng Reais tiếp tục mạnh lên ở mức 1 USD = 5,1810 R$, gây bất lợi cho giá cả nông sản xuất khẩu của Brazil. Lưu ý, báo cáo xuất khẩu cà phê giảm của FNC – Colombia cũng không tác động gì nhiều đến giá kỳ hạn tại New York, do vài năm gần đây phần lớn cà phê Arabica của nhà chế biến ướt chất lượng cao hàng đầu thế giới đã bán trực tiếp cho nhà rang xay với mức giá cao ngất ngưởng so với giá kỳ hạn.
Tiếp sau Tổng Cục Thống kê Việt Nam ước báo xuất khẩu cà phê Robusta cả năm 2022 tăng 10,10% so với năm trước là báo cáo dữ liệu sơ bộ của Tổng Cục Hải quan Việt Nam chính thức công bố xuất khẩu cà phê cả năm 2022 đạt tổng cộng 1,777 triệu tấn, tăng 13,8% so với năm trước, cũng góp phần hỗ trợ thị trường giảm bớt mối lo thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 dự báo tăng 6,6 triệu bao trong khi tiêu thụ chỉ tăng hơn 800.000 bao. Thế giới dự kiến sẽ dư cung khoảng 4,8 triệu bao cà phê trong niên vụ 2022-2023.
Cụ thể: Báo cáo của USDA cho biết, sản lượng cà phê toàn cầu dự báo tăng 6,6 triệu bao so với niên vụ trước lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Chủ yếu là do cây cà phê Arabica của Brazil bước vào năm được mùa theo chu kỳ sản xuất hai năm một lần.
Trong khi đó, tiêu thụ cà phê toàn cầu dự kiến tăng hơn 800.000 bao lên 167,9 triệu bao, với mức tăng chủ yếu ở Liên minh châu Âu, Mỹ và Brazil. Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.
USDA cũng dự báo xuất khẩu cà phê thế giới sẽ giảm 3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, xuống còn 116,1 triệu bao. Sự sụt giảm được ghi nhận tại Brazil, Việt Nam và Ấn Độ nhưng tăng ở Honduras và Colombia. Tồn kho cuối vụ dự kiến tăng hơn 1,5 triệu bao lên 34,1 triệu bao.
Trong bối cảnh nguồn cung cải thiện, giá cà phê toàn cầu được theo dõi bởi Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đã giảm hơn 25% so với thời điểm tháng 2/2022.
Với Việt Nam, USDA dự báo sản lượng của Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới được dự báo đạt 30,2 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, giảm 1,4 triệu bao so với vụ thu hoạch kỷ lục trước đó. Diện tích sản xuất của Việt Nam nhìn chung không thay đổi với hơn 95% sản lượng vẫn là cà phê Robusta.
Mùa mưa bắt đầu sớm hơn so với các năm trước giúp cây cà phê ra hoa và phát triển tốt. Điều kiện thời tiết ẩm ướt hơn bình thường giúp giảm chi phí tưới tiêu. Tuy nhiên, giá phân bón đã tăng tới 70% trong năm ngoái. Điều này khiến cho người trồng cà phê Việt Nam giảm sử dụng phân bón, dẫn đến năng suất và sản lượng dự kiến sẽ thấp hơn so với niên vụ trước.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 cũng được dự báo sẽ giảm 1,5 triệu bao, xuống còn 24,5 triệu bao do nguồn cung thấp hơn và tồn kho cuối vụ dự kiến giảm 200.000 bao xuống còn 3,1 triệu bao.
Ngành cà phê Việt Nam đã trải qua một năm “bùng nổ” với kim ngạch xuất khẩu cà phê cao kỷ lục hơn 4 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2021. Tuy nhiên, bước sang năm 2023 doanh số xuất khẩu cà phê được dự báo sẽ chậm lại do nguồn cung không dồi dào như năm trước, trong khi giá cà phê có xu hướng giảm do cung – cầu thế giới chuyển từ thiếu hụt sang dư thừa.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn cà phê ra thị trường thế giới trong năm 2022 với kim ngạch thu về hơn 4 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 32% về trị giá so với năm 2021.
Đây là khối lượng xuất khẩu cao nhất của ngành cà phê trong 4 năm qua và giá trị kim ngạch cao nhất từ trước tới nay.
Về thị trường xuất khẩu, năm 2022 lượng cà phê xuất khẩu sang một số thị trường chính có xu hướng tăng so với năm 2021 như Nga tăng 26,5%, Anh tăng gần 40%, đặc biệt Ấn Độ tăng 123,5%, Mexico tăng 18 lần.
Mặc dù vậy, sự sụt giảm ghi nhận ở các thị trường như Mỹ (-3,5%), Nhật Bản (-2,5%), Trung Quốc (-19,3%)…
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm khoảng 39% khối lượng xuất khẩu.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2022 đạt 689.049 tấn, trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 25,8% về lượng và tăng 45,4% về trị giá so với năm 2021. Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong khu vực EU gồm Đức (đạt 224.723 tấn, giảm 0,9%); Italy (đạt 139.271 tấn, tăng 8,5%); Bỉ (đạt 121.865 tấn, tăng 101,5%); Tây Ban Nha (đạt 114.024 tấn, tăng 71,7%)...
Nhu cầu của thị trường EU tăng cao là yếu tố quan trọng góp phần đưa ngành cà phê Việt Nam tiến đến kỷ lục xuất khẩu hơn 4 tỷ USD trong năm 2022.
Xuất khẩu đầu niên vụ 2022-2023 vẫn đang khá thuận lợi nhưng một số dự báo cho rằng xuất khẩu cà phê năm 2023 có thể giảm do nguồn cung không dồi dào như năm trước, trong khi giá cà phê có xu hướng giảm do cung – cầu cà phê thế giới chuyển từ thiếu hụt sang dư thừa.