Giá cà phê hai sàn bất ngờ đảo chiều tăng vọt, cà phê nội tăng tới 1.000 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay 13/1: Bất ngờ tăng mạnh
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 70 USD, lên 1.881 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 67 USD, lên 1.847 USD/tấn, các mức tăng cực mạnh, hiếm thấy. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 5,50 cent, lên 149,40 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 5,45 cent, lên 150,15 cent/lb, các mức tăng rất mạnh. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng tới 1.000 đồng/kg, lên dao động trong khung 39.500 - 40.100 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 39.500 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Đắk Lắk với mức 40.000 đồng/kg. Tương tự, hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông cũng điều chỉnh tăng giá lên mức 40.100 đồng/kg trong hôm nay.
Giá cà phê giao dịch trên cả sàn London và New York bất ngờ quay đầu tăng rất mạnh, khi mọi dự báo đều không cho một xu hướng rõ nét nào. Bởi vậy, giá cà phê nhiều khả năng còn dao động mạnh trong ngắn hạn.
Rõ ràng các thị trường hàng hóa đồng loạt bật tăng mạnh mẽ sau khi Bộ Lao động Mỹ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm 0,1% so với tháng trước, tuy kết quả chỉ xấp xỉ như thị trường kỳ vọng nhưng cũng đã cho thấy mức lạm phát Mỹ tiếp tục giảm đều trong vài tháng qua, hứa hẹn Fed sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ sớm hơn dự kiến, cũng là động lực để giới đầu cơ quay lại các thị trường hàng hóa để tăng mua.
USDX tiếp tục sụt giảm, nhà đầu tư trở lại rót vốn vào các thị trường hàng hóa trong bối cảnh thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại và các tiền tệ mới nổi tăng thêm giá trị. Chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng, kết thúc chuỗi giảm liên tiếp kể từ đầu tháng, tỷ giá đồng Reais tăng thêm 1,58% lên ở mức 1 USD = 5,0990 R$ sẽ khuyến khích người Brazil giảm bán cà phê ra.
Vùng cà phê Tây nguyên Việt Nam tiếp tục có những cơn mưa thất thường khiến nhà nông lo ngại cho chất lượng hạt cà phê vụ mới hiện đang phơi sấy.
Như vậy, diễn biến giá cà phê khá bất ngờ, khi thị trường vẫn đang chịu nhiều tác động tiêu cực, gây áp lực giảm lên giá cà phê Arabica. Lực bán ròng của các Quỹ hàng hóa và đầu cơ ngắn hạn, khi Việt Nam - nhà sản xuất Robusta hàng đầu chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ dài để đón mừng Tết cổ truyền từ cuối tuần sau.
Báo cáo dữ liệu sơ bộ của Tổng Cục Hải quan Việt Nam công bố, xuất khẩu cà phê cả năm 2022 đạt tổng cộng 1,777 triệu tấn, tăng 13,8% so với năm trước, góp phần hỗ trợ thị trường giảm bớt mối lo thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Theo phân tích kỹ thuật trước đó thì xu hướng giảm vẫn đang chiếm ưu thế.
Trong khi đó, ngay trước phiên tăng giá, giá cà phê Arabica giảm sâu liên tiếp, xuống đứng ở mức thấp hơn 20 tháng, sau khi nhà nhập khẩu cà phê Wolthers Douque dự báo, niên vụ cà phê 2022/2023 của Brazil sẽ tăng 16% lên 65 triệu bao so với cùng kỳ năm trước do điều kiện thời tiết cải thiện. Theo phân tích kỹ thuật trước đó thì chuỗi ngày giảm giá của Arbica vẫn chưa có điểm dừng.
Tồn kho cà phê đạt chuẩn của sàn ICE New York ghi nhận tiếp tục tăng ở mức 842.771 bao tính đến ngày 11/01/2023. Bên cạnh đó, báo cáo thời tiết tại các vùng trồng cà phê chính ở Brazil hiện mưa rất thuận lợi để phát triển mùa vụ mới.
Năm 2022, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 ghi nhận mức cao nhất trong nhiều năm qua với bình quân 2.282 USD/tấn, tăng 16% so với năm 2021.
Trong đó, giá đặc biệt biến động mạnh trong giai đoạn nửa sau của năm khi tăng 12,7% từ 2.299 USD/tấn của tháng 7 lên 2.591 USD/tấn vào tháng 10. Nhưng sau đó giá nhanh chóng giảm 14% xuống chỉ còn 2.234 USD/tấn trong tháng cuối cùng của năm.
Nguồn cung cà phê được bổ sung từ vụ thu hoạch 2022-2023 và triển vọng kém khả quan của nền kinh tế toàn cầu được cho là những yếu tố chính gây áp lực giảm giá lên thị trường cà phê trong thời gian gần đây.
Theo báo cáo mới đây Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu dự báo tăng 6,6 triệu bao so với niên vụ trước lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Tiêu thụ cà phê toàn cầu dự báo chỉ tăng hơn 800.000 bao lên 167,9 triệu bao. Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 được dự báo giảm 1,5 triệu bao, xuống còn 24,5 triệu bao do nguồn cung thấp hơn. Trong khi, hàng tồn kho từ vụ 2021 - 2022 sang ước tính không đánh kể.
Trong khi đó, sản lượng niên vụ cà phê năm nay cũng được dự báo giảm. Theo VICOFA, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 dự kiến giảm khoảng 10 - 15% so với niên vụ 2021 - 2022 xuống khoảng 1,47 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây trồng khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn.
Bên cạnh đó, cước tàu đi châu Âu và Mỹ cũng đang giảm mạnh và bình ổn so với năm 2020 - 2021.
Trước đó, ngày 12/1, tại cảng TP.HCM, Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% chốt tại 1.841 USD/tấn (FOB), trừ lùi +30 USD/tấn.