Báo cáo tồn kho giảm sâu, giá cà phê Robusta quay trở lại xu hướng tích cực

10/01/2023 17:12 GMT+7
Giá cà phê Robusta quay trở lại xu hướng tích cực sau báo cáo tồn kho tại London tiếp tục giảm sâu. Trong nước, giá cà phê hôm nay (10/1) đồng loạt tăng 500 đồng/kg so với hôm qua. Hiện, mức giá cao nhất theo ghi nhận là 40.100 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay 10/1: Cà phê khu vực Tây Nguyên tăng 500 đồng/kg

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng 35 USD, lên 1.860 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng 32 USD, lên 1.829 USD/tấn, các mức tăng khá. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.

Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp tục sụt giảm phiên thứ bảy. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm thêm 0,25 cent, xuống 158,05 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 0,05 cent, còn 158,45 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.

Báo cáo tồn kho giảm sâu, giá cà phê Robusta quay trở lại xu hướng tích cực - Ảnh 1.

GIÁ CÀ PHÊ TRỰC TUYẾN SÀN LONDON, NEW YORK, BMF Cập nhật: 10/01/2023 lúc 15:36:01

Báo cáo tồn kho giảm sâu, giá cà phê Robusta quay trở lại xu hướng tích cực - Ảnh 2.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 500 – 600 đồng, lên dao động trong khung 39.400 - 40.100 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 500 – 600 đồng, lên dao động trong khung 39.400 - 40.100 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng tăng 500 đồng/kg lên mức 39.400 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk hiện thu mua cà phê với giá 39.900 đồng/kg sau khi điều chỉnh tăng 500 đồng/kg. Tương tự, hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông cũng nâng giá cà phê thêm 500 đồng/kg lên mức 40.100 đồng/kg.

USDX quay đầu sụt giảm đã hỗ trợ các thị trường hàng hóa phái sinh đảo chiều tăng mạnh. Tỷ giá đồng Reais tăng 0,38% lên ở mức 1 USD = 5,2570 R$ đã ngăn cản người Brazil bán hàng hóa nông sản, trong khi nhu cầu nhiều hàng hóa nguyên liệu tăng cao trước việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Nhà đầu tư Phố Wall thể hiện sự lạc quan lạm phát sẽ chậm lại và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ.

Giá cà phê Arabica tiếp tục suy yếu sau dữ liệu báo cáo tồn kho ICE – New York gia tăng đều, lên ở mức cao 6 tháng sau khi đã giảm xuống mức thấp gần 24 năm vào đầu tháng 11/2022. Trong khi đó, báo cáo tồn kho ICE – Europe tiếp tục giảm thêm 0,06% so với tuần trước xuống đứng ở mức thấp 4,5 năm, bất chấp Hải quan Việt Nam vừa báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 12 tăng tới 53% so với tháng trước, đưa xuất khẩu cà phê cả năm 2022 ở Việt Nam đạt tổng cộng 1.777.512 tấn, tăng 13,8% so với năm trước. 

Theo giới thương nhân xuất khẩu, hàng cà phê Robusta từ Việt Nam được giao thẳng cho nhà kinh doanh mà không đưa về sàn London tham gia bán đấu giá nhằm giảm bớt những chi phí gián tiếp. Cho nên báo cáo tồn kho tại London sụt giảm cũng không ảnh hưởng gì nhiều tới thị trường nội địa của nhà sản xuất và xuất khẩu Robusta hàng đầu là Việt Nam.

Trong báo cáo mới đây của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), giá cà phê thế giới tăng nhẹ 0,3% vào tháng cuối cùng của năm 2022 trong khi xuất khẩu tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực trong đầu niên vụ 2022-2023.

Giá cà phê tổng hợp toàn cầu được theo dõi bởi ICO (I-CIP) đã tăng nhẹ 0,3% lên mức trung bình 157,7 US cent/pound trong tháng 12/2022. Tương ứng với mức giá dao động trong khoảng 152 - 162,3 US cent/pound.

Nhìn chung giá của tất cả các nhóm cà phê đều tăng nhẹ trong tháng cuối cùng của năm 2022. Trong đó, cà phê Arabica Colombia, Arabica Brazil và robusta tăng lần lượt là 0,4%, 1,5% và 1,3% so với tháng trước, đạt 224,1 US cent/pound, 169 US cent/pound và 93,8 US cent/pound.

Riêng nhóm cà phê Arabica khác giảm 1,7% xuống 210,2 US cent/pound.

Chênh lệch giá giữa hợp đồng kỳ hạn trên sàn New York và London cũng tăng nhẹ 0,2% trong tháng vừa qua, lên mức 82,3 US cent/pound so với 82,13 US cent/pound của tháng 11.

Báo cáo tồn kho giảm sâu, giá cà phê Robusta quay trở lại xu hướng tích cực - Ảnh 3.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu cũng tăng lên. Theo ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 10,2 triệu bao trong tháng 11/2022, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế trong hai tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng 10 và tháng 11/2022), thương mại cà phê toàn cầu đạt 19,6 triệu bao, tăng 1,6% so với cùng kỳ niên vụ 2021-2022.

Cà phê nhân xanh chiếm khoảng 90% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu với khối lượng tăng 10,8% lên 9,2 triệu bao trong tháng 11. Sự tăng trưởng tích cực này được thúc đẩy bởi khối lượng bán ra mạnh mẽ của nhóm cà phê Arabica Brazil và Robusta, đã bù đắp cho sự sụt giảm của nhóm Arabica Colombia và Arabica khác.

Tính chung hai tháng đầu tiên của niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu tăng 3,5% so với cùng kỳ niên vụ trước lên 17,6 triệu bao.

Trong đó, xuất khẩu nhóm cà phê Arabica Brazil tiếp tục sự phục hồi trong tháng 11 với khối lượng tăng vọt 34,5% lên 3,7 triệu bao. Hai tháng đầu niên vụ 2022-2023, xuất khẩu nhóm Arabica Brazil đạt 7,1 triệu bao, tăng 15,6% so với 6,2 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2021-2022.

Đà tăng này chủ yếu đến từ Brazil, nước sản xuất Arabica lớn nhất thế giới đã ghi nhận khối lượng cà phê nhân xanh xuất khẩu tăng 32% trong tháng 11 sau khi tăng 1,9% trong tháng 10.

Xuất khẩu cà phê từ khu vực châu Á và châu Đại Dương tăng mạnh 19% lên 3,8 triệu bao trong tháng 11 và tăng 3,6% lên 6,6 triệu bao trong hai tháng đầu niên vụ 2022-2023.

Mức tăng trưởng mạnh này chủ yếu đến từ Việt Nam (tăng 19,8%) và Indonesia (tăng 48,7%), hai nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất và lớn thứ hai của khu vực châu Á và châu Đại Dương lần lượt xuất khẩu 2,2 triệu bao và 0,9 triệu bao.

Tuy nhiên, nhà xuất khẩu lớn thứ ba của khu vực là Ấn Độ đã chứng kiến xuất khẩu giảm 0,8% trong tháng 11 xuống gần 0,6 triệu bao.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục