Robusta quay đầu tăng, cà phê trong nước vượt mốc 54.000 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay 13/5: Quay đầu tăng mạnh, vượt mốc 54.000 đồng/kg
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/5, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe London quay đầu tăng. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao hàng tháng 7/2023 tăng 39 USD, giao dịch tại 2.432 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 9 tăng 37 USD, giao dịch tại 2.409 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình cao.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US New York tiếp tục giảm. Kỳ hạn giao tháng 7/2023 giảm nhẹ 0,15 Cent, giao dịch tại 182,85 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2023 giảm 0,2 Cent, còn 180,65 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.
Giá cà phê thế giới biến động trái chiều trong phiên chốt tuần này. Giá cà phê Robusta tiếp tục xu hướng tăng tốt, trong khi Arabica có phiên điều chỉnh giảm nhẹ.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng 500 - 600 đồng/kg lên dao động trong khung 53.900 - 54.400 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 53.900 đồng/kg sau khi tăng 600 đồng/kg. Kế đến là hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk với giá 54.300 đồng/kg, cùng tăng 500 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 54.400 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát, tăng 600 đồng/kg.
Cà phê Robusta chịu áp lực giảm mạnh trước đó sau một thời gian dài nằm trong vùng quá mua. Tồn kho đạt chuẩn sàn ICE London ghi nhận tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng cũng góp phần gây áp lực giảm lên giá cà phê Robusta thời gian qua. Tuy nhiên, nguồn cung "hụt" đã kìm hãm đà giảm, chẳng hạn xuất khẩu tháng 4 của Việt Nam đạt 163.607 tấn (khoảng 2,736 triệu bao), đã giảm tới 22,23% so với tháng trước, đưa xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm lên đạt tổng cộng 716.580 tấn (khoảng 11,94 triệu bao), giảm 5,53% so với cùng kỳ năm trước.
Hai quốc gia xuất xứ chính của khu vực là Brazil và Colombia có lượng xuất khẩu cà phê tương ứng giảm 14,3% và 19,2% trong tháng 3/2023, xuống còn 3,1 triệu và 0,92 triệu bao, tức là tháng thứ 4 và thứ 9 liên tiếp tăng trưởng âm.
Cà phê Arabica điều chỉnh giảm do thông tin các vùng trồng chính ở Brazil khô hạn góp phần thúc đẩy tốc độ thu hoạch vụ mùa mới hiện đã bắt đầu. Tồn kho đạt chuẩn sàn ICE NewYork ghi nhận giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng là 649,830 bao. Thông tin trên đã góp phần kìm hãm đà giảm giá của cà phê Arabica.
Đầu cơ tiếp tục coi Robusta làm nơi trú ẩn. Đồng USD tăng vào phiên giao dịch vừa qua, khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn sau một loạt dữ liệu kinh tế khiến họ phải đánh giá lại triển vọng chính sách tiền tệ toàn cầu. Thông tin trên khiến dầu thô và vàng cùng giảm, dòng vốn chảy vào sàn London để đầu cơ cà phê.
Nhận định về giá Robusta trong ngắn hạn, các chuyên gia cho hay sẽ giằng co tích lũy trong biên độ 2.385 - 2.445. Giá Robusta cần vượt mức 2.405 để lấy đà tăng phục hồi trở lại và tiến đến mức 2.445, sau đó chinh phục những rào cản tiếp theo. Ngược lại, nếu để thủng mức 2.385, giá Robusta có thể thiết lập xu hướng giảm.
Còn dự kiến trong ngắn hạn giá Arabica giằng co tích lũy trong biên độ 180 – 185,5. Cà phê Arabica cần vượt mức cản 185,5 thì mới có động lực tăng trở lại. Ngược lại, nếu để mất mức 182,5 sẽ thu hút lực bán mạnh hơn và có thể thiết lập xu hướng giảm.
Số liệu của ICO cho thấy xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 3 tiếp tục giảm 9,3% so cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 12 triệu bao. Với kết quả này, xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 6 tháng đầu niên vụ 2022-2023 ( 20/10/2022 đến 20/3/2023) đã giảm 6,4%, tương đương 4,2 triệu bao so với cùng kỳ niên vụ trước xuống còn 62,3 triệu bao.
Hiện cà phê nhân xanh vẫn chiếm hơn 90% thương mại cà phê toàn cầu, với 10,9 triệu bao được xuất khẩu trong tháng 3, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cộng 6 tháng đầu niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê nhân xanh đạt 56,3 triệu bao, giảm 6,1% so với cùng kỳ niên vụ 2021-2022.
Theo các nhóm cà phê nhân, các lô hàng Arabica khác đã giảm 17,1% trong tháng 3 xuống 2,1 triệu bao. Qua đó đánh dấu tháng thứ 6 liên tiếp tăng trưởng âm kể từ đầu niên vụ cà phê mới. Do đó, khối lượng xuất khẩu lũy kế của nhóm cà phê này đã giảm 18,2% trong 6 tháng đầu niên vụ 2022-2023 xuống còn gần 8,9 triệu bao.
Xuất khẩu nhóm Arabica Brazil cũng giảm 13,5% trong tháng 3 và giảm 7,8% trong 6 tháng đầu niên vụ 2022-2023, đạt 18,6 triệu bao so với 20,2 triệu bao cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, xuất khẩu cà phê Arabica Colombia giảm 17,4% trong tháng 3 và giảm 14,7% xuống 5,6 triệu bao trong 6 tháng đầu niên vụ 2022-2023.
Riêng Robusta xuất khẩu chỉ giảm nhẹ 0,8% trong tháng 3 xuống còn 4,7 triệu bao. Tuy nhiên, lũy kế trong 6 tháng đầu niên vụ cà phê 2022-2023, xuất khẩu Robusta đã tăng lên 23,2 triệu bao so với 22,3 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2021-2022.
Điều này đã giúp tỷ trọng cà phê Robusta trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng lên mức 41,2% từ 37,3% của cùng kỳ niên vụ trước. Trái lại, tỷ trọng Arabica thu hẹp từ 62,7% xuống 58,8%.
Về xuất khẩu cà phê, khu vực châu Á và châu Đại Dương là khu vực duy nhất ghi nhận tăng trưởng dương từ đầu niên vụ đến nay. Cụ thể, xuất khẩu của khu vực này đã tăng 0,2% lên 5 triệu bao trong tháng 3 và tăng 2,5% lên hơn 24 triệu bao trong 6 tháng đầu niên vụ 2022-2023.
Indonesia là động lực tăng trưởng chính của khu vực với xuất khẩu tháng 3 tăng 16% lên gần 0,6 triệu bao, bù đắp cho sự suy giảm lần lượt là 1,6% và 1,1% của Ấn Độ và Việt Nam.
Sự gia tăng xuất khẩu của Indonesia trái ngược với dự báo mới nhất của ICO về triển vọng cà phê niên vụ 2022-2023 của nước này. Theo đó, ICO dự kiến sản xuất của Indonesia sẽ tăng với tốc độ chậm hơn mức tiêu thụ, 1,1% so với 5,1%, do đó làm giảm nguồn cung có sẵn cho xuất khẩu.
Vào đầu năm nay, Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Indonesia cũng đưa ra dự báo sản lượng cà phê của nước này sẽ giảm 20% trong niên vụ hiện tại do mưa kéo dài tại các vùng trồng cà phê.
Do đó, sự mở rộng xuất khẩu ở mức hai con số trong tháng 3 của Indonesia chủ yếu phản ánh tính chất thời vụ và mức nền so sánh ở mức thấp của cùng kỳ.