Giá cà phê trên thị trường thế giới giảm, cà phê nội vẫn bứt tốc

12/06/2023 14:32 GMT+7
Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới hôm nay (12/6) giảm. Trong khi đó, giá cà phê hôm nay tại thị trường trong nước vẫn tăng 100 - 300 đồng/kg. Theo đó, mức giao dịch cao nhất trong các địa phương là 65.100 đồng/kg...

Giá cà phê hôm nay 12/6: Cà phê nội vượt mốc 65.000 đồng/kg

Theo ghi nhận, giá cà phê trên thị trường thế giới giảm. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến Robusta tại London giao tháng 7/2023 được ghi nhận tại mức 2.728 USD/tấn sau khi giảm 1,16% (tương đương 32 USD).

Giá cà phê Arabica giao tháng 7/2023 tại New York ở mức 190,65 US cent/pound sau khi giảm 2,16% (tương đương 4,2 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 14h12 (giờ Việt Nam).

Giá cà phê trên thị trường thế giới giảm, cà phê nội vẫn bứt tốc - Ảnh 1.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 12/06/2023 lúc 14:12:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê trên thị trường thế giới giảm, cà phê nội vẫn bứt tốc - Ảnh 2.

Giá cà phê trực tuyến sàn London, New York, BMF Cập nhật: 12/06/2023 lúc 14:12:01 (delay 10 phút)

Giá cà phê trên thị trường thế giới giảm, cà phê nội vẫn bứt tốc - Ảnh 3.

Theo ghi nhận, các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 64.400 - 65.100 đồng/kg.

Trong khi đó, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng 100 - 300 đồng/kg. Theo ghi nhận, các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 64.400 - 65.100 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 64.400 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg. Kế đến là tỉnh Gia Lai với giá 64.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua là 65.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 65.100 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát, sau khi tăng 200 đồng/kg.

Trước đó, giá cà phê thế giới đảo chiều sụt giảm vào phiên cuối tuần như đã dự kiến sau một đợt thị trường tăng quá nóng. Tuy nhiên, nhu cầu hàng giao ngay và sức mua của các quỹ và đầu cơ vẫn còn khá mạnh nhờ có sự hỗ trợ của đồng USD hiện đang sụt giảm giá trị so với các tiền tệ mới nổi.

Giá cà phê giao dịch trong nước trong 6 ngày của tuần qua tăng cao. Vào cuối tuần qua, các địa phương ghi nhận tăng trong khoảng 3.400 - 3.600 đồng/kg so với đầu tuần.

Hiện tượng thời tiết bất thường trong thời gian này và kéo dài trong nửa cuối năm được dự đoán sẽ có tác động mạnh tới thị trường cà phê. Brazil và các khu vực khác của Nam Mỹ đã bị hạn hán dai dẳng với nhiệt độ cao và lượng mưa thấp, khiến sản lượng nông nghiệp tại quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới sụt giảm nghiêm trọng.

Giờ đây, dự báo El Nino có nguy cơ làm cho vấn đề sản lượng cà phê trở nên tồi tệ hơn, vì nhiệt độ nước tăng lên liên quan đến hiện tượng này có thể gây ra hạn hán và lũ lụt, làm thiệt hại mùa màng ở một trong những vùng trồng cà phê lớn khác của thế giới. Khả năng cao, các nhà sản xuất lớn Indonesia và Việt Nam cũng sẽ phải trải qua El Nino trong năm nay.

Theo CNBC, điều kiện thời tiết khắc nghiệt do El Nino đang đến gần đang làm dấy lên lo ngại rằng sản lượng cà phê Robusta tại các nước sản xuất lớn như Việt Nam và Indonesia có thể bị ảnh hưởng dẫn đến giá tăng vọt.

Trong tháng 5, giá cà phê thế giới được theo dõi và tổng hợp bởi ICO (I-CIP) đã giảm nhẹ 1,7% so với tháng trước xuống mức trung bình 175,5 US cent/pound, tương ứng 170 - 179,2 US cent/pound.

Mặc dù vậy, giá cà phê vẫn ở vị thế vững chắc do được hỗ trợ bởi xuất khẩu suy giảm và sản lượng thấp hơn nhu cầu tiêu thụ trong hai niên vụ liên tiếp (niên vụ 2021-2022 và 2022-2023).

Giá trung bình của tất cả các nhóm cà phê đều giảm trong tháng 5, ngoại trừ Robusta tăng 5,9% lên trung bình 122,5 US cent/pound. Đây là mức giá cao nhất của cà phê Robusta trong 28 năm qua kể từ sau mức giá 130,2 US cent/pound đạt được vào tháng 8/1995. Trong tuần đầu tiên của tháng 6, giá cà phê Robusta thậm chí đã leo lên mức hơn 134 US cent/pound.

Ngược lại, giá của nhóm cà phê Arabica Colombia và Arabica khác giảm lần lượt là 3,4% và 4,1%, xuống còn bình quân 226,9 - 220,1 US cent/pound. Giá cà phê Arabica Brazil cũng giảm 4,3% và chỉ đạt 186,8 US cent/pound.

ICO cho rằng giá cà phê Robusta đã được hưởng lợi từ những yếu tố cơ bản của thị trường, đặc biệt là từ phía cầu. Trong 12 tháng qua (tháng 3/2022 đến tháng 4/2023), xuất khẩu cà phê nhân Robusta chỉ giảm 0,3% trong khi Arabica giảm tới 6,8%.

Sự biến động trái chiều này đã phản ánh sự thay đổi trong cách pha, phối trộn cà phê hòa tan từ Arabica sang Robusta do chi phí sinh hoạt tăng cao.

Lạm phát tại hầu hết nền kinh tế thế giới đã tăng mạnh trong thời gian qua. Chỉ số giá tiêu dùng hài hòa (HICP) của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức trung bình 8,8% trong giai đoạn từ tháng 3/2022 đến tháng 4/2023 so với mức 4,4% của một năm trước (tháng 3/2021 đến tháng 4/2022), khiến giá hàng hóa trở lên đắt đỏ hơn.

Đi cùng với lạm phát là các đợt điều chỉnh tăng lãi suất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất cơ bản lên 5 - 5,25% vào tháng 5/2023 từ mức gần bằng 0 vào tháng 3/2022. Tương tự, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tăng lãi suất cơ bản lên 3,75% vào tháng 5/2023 từ mức 0,5% vào tháng 7/2022, làm tăng chi tiêu của người tiêu dùng cho các khoản vay và thế chấp.

Kể từ giữa tháng 4, giá cà phê Robusta còn được hỗ trợ mạnh từ phía cung, chủ yếu là do lo ngại về nguồn cung tại các quốc gia sản xuất hàng đầu là Việt Nam, Brazil và Indonesia.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2022-2023 sẽ giảm 6% so với niên vụ trước, xuống còn 29,7 triệu bao (60 kg/bao). Nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới sẽ có vụ thu hoạch thấp nhất trong 4 năm do chi phí sản xuất (nhân công, phân bón) cao hơn và người nông dân có xu hướng chuyển sang trồng các loại cây có lợi nhuận cao hơn như bơ, sầu riêng và chanh dây.    

Phải đến niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê Việt Nam mới có thể phục hồi 5% lên 31,3 triệu bao, theo đánh giá của USDA.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục