Giá cao su lại đang biến động mạnh, dự báo mới nhất

13/02/2022 15:55 GMT+7
Giá cao su chốt tuần này tăng mạnh tại thị trường Nhật Bản. Trong khi đó, giá cao su Trung Quốc tiếp tục giảm nhẹ.
Giá cao su lại đang biến động mạnh, dự báo mới nhất - Ảnh 1.

Giá cao su lại đang biến động mạnh.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su chốt tuần này, ngày 12/2/2022, kỳ hạn tháng 6/2022, tăng mạnh lên mức 250,4 JPY/kg, tăng mạnh 2,6 yên, tương đương 1,04%.

Giá cao su lại đang biến động mạnh, dự báo mới nhất - Ảnh 2.

Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn Thượng Hải giảm nhẹ 20 CNY, xuống mức 14.455 CNY/tấn, tương đương 0,14%.

Giá cao su lại đang biến động mạnh, dự báo mới nhất - Ảnh 3.

Giá cao su tại Nhật Bản đã tăng phiên thứ 5 liên tiếp lên mức cao nhất 2,5 tháng, do được thúc đẩy bởi giá cao su tại Thượng Hải trước đó và giá nguyên liệu tăng cao.

Trong tháng 1/2022, giá cao su tự nhiên tại các sàn giao châu Á có nhiều biến động. Tại sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su đã tăng lên mức cao nhất tháng vào ngày 19/1 (ở mức 14.925 nhân dân tệ/tấn), sau đó giảm mạnh. Các nhà đầu tư tại Thượng Hải đang lo ngại nhu cầu cao su Trung Quốc sẽ chậm lại vì Covid-19 đang bùng phát mạnh tại nước này.

Thị trường cao su thế giới cũng gặp khó khăn do thị trường ôtô toàn cầu gặp khủng hoảng chip bán dẫn, nhập khẩu cao su từ Trung Quốc chậm lại bởi chính sách “Zero Covid” của nước này, sự mạnh lên của đồng USD trong thời gian qua,...

Giá cao su lại đang biến động mạnh, dự báo mới nhất - Ảnh 4.

Thu hoạch mủ cao su ở Bình Phước. Ảnh: TL

Năm 2022, thị trường kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, sau khi các ngân hàng trung ương lớn tung ra các gói cứu trợ.

Trước dự báo tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su có thể tiếp diễn trong năm 2022, cũng như cao su thế giới bước vào chu kỳ tăng giá mới do nguồn cung giảm dần đang mở ra bức tranh lạc quan cho các doanh nghiệp cao su trong nước nhờ hưởng lợi kép cả về sản lượng xuất đi và giá trị kim ngạch thu về.

Riêng năm 2021, theo thống kê của Bộ Công Thương, nhờ giá cao su liên tục tăng cao nên dù lượng xuất khẩu chỉ tăng 11,7%, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng lên 36,2% so với năm 2020.

Trung Quốc vẫn duy trì là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, với 1,2 triệu tấn cao su, trị giá 1,96 tỷ USD trong 11 tháng của năm 2021, tương đương tăng 1,71% về lượng và 26,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, một số thị trường xuất khẩu cao su tăng mạnh trong năm qua như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ…

Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) dự báo, nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu có thể thiếu hụt do ảnh hưởng bởi mùa mưa kéo dài ở một số nước châu Á cuối năm 2021. Vậy nên, đà tăng xuất khẩu cao su chưa có dấu hiệu giảm. Chưa kể, khi tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su có thể tiếp diễn sẽ khiến giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao, cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Giá cao su lại đang biến động mạnh, dự báo mới nhất - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Ở góc độ phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect mới đây cho biết, sự đi lên của ngành cao su, nhất là những doanh nghiệp thiên về hoạt động xuất khẩu trong ngành này trong năm 2022 được hỗ trợ thêm bởi sự tăng mạnh của giá dầu, cũng như kỳ vọng phục hồi kinh tế.

Nguyên nhân là do giá dầu tăng mạnh khiến gia cao su nhân tạo, cao su tổng hợp cao, đây cũng là động lực để giá cao su tự nhiên trong nước và xuất khẩu giữ ở mức cao. Cùng với đó, nhu cầu sản xuất công nghiệp và phục hồi ở săm lốp ôtô, gỗ cao su làm nội thất tại các thị trường xuất khẩu cũng sẽ làm tăng giá cao su và thúc đẩy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cũng duy trì dự báo sẽ có tình trạng thiếu hụt cao su tự nhiên trung bình trong trung hạn. Bởi, năm 2021, sản lượng cao su tự nhiên thế giới chỉ đạt khoảng 13,8 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020, thấp hơn so với khảo sát nhu cầu 9% trước đó.

Trên cơ sở này, ANPRC cho rằng, việc mở rộng diện tích cao su trưởng thành dự kiến sẽ được hấp thụ phần lớn bởi nhu cầu mạnh mẽ trong giai đoạn này, góp phần tăng trưởng cho doanh nghiệp trong dài hạn.

Về phía Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP đã triển khai dự án thí điểm áp dụng chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC cho các rừng cây cao su.

Tính đến nay, 55.000 ha diện tích rừng cao su đã đạt chứng chỉ VFCS/PEFC, và dự kiến đạt 100.000 ha vào Quý I/2022. Với diện tích đạt chứng chỉ hiện có này, 85.000 tấn cao su thiên nhiên và 300.000 tấn gỗ cao su có chứng nhận bền vững sẽ được khai thác, đưa vào sản xuất và thương mại. Từ đó, giúp gia tăng giá trị chuỗi khai thác cao su, hướng đến phát triển bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu và nội địa về sản phẩm bền vững.

Giá cao su lại đang biến động mạnh, dự báo mới nhất - Ảnh 6.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho rằng trong giai đoạn 2022 - 2024, cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần.

Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong ngắn hạn, giá cao su sẽ tiếp tục tăng do cây cao su bước vào thời kỳ nghỉ khai thác, nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng trở lại sau kỳ nghỉ Đông.

Tuy nhiên, đà tăng vẫn bị hạn chế bởi sự lan rộng của biến thể Covic-19 mới trên toàn cầu, cùng với sự chậm lại trong sản xuất ô tô đã làm tăng lên mối lo ngại về nhu cầu tiêu thụ trên thị trường yếu đi.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho biết trong 10 ngày giữa tháng 1, giá cao su trên các thị trường châu Á tiếp tục tăng do các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào. Với sự tăng giảm trái chiều của giá cao su hiện nay chưa cho thấy giá cao su sẽ đi xuống trong ngắn hạn của đầu năm 2022.

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1,95 triệu tấn, trị giá 3,27 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 37,5% về trị giá so với năm 2020. Xuất khẩu cao su trong năm 2021 đã lập một kỷ lục mới về trị giá trong lịch sử ngành cao su Việt Nam.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục