Giá dầu sụp đổ và đại dịch Covid-19 đang đẩy Dubai đến nguy cơ vỡ nợ

27/04/2020 06:20 GMT+7
Các nhà kinh tế đang cảnh báo Dubai - hòn ngọc xa hoa của vùng Vịnh - có khả năng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ bi đát không kém Đại suy thoái 2008 - 2009 đã xóa sổ hơn một nửa giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán của tiểu vương quốc này.

Áp lực kép đè nặng lên nền kinh tế Dubai

Nền kinh tế Dubai hiện đang chịu tác động kép từ hệ lụy đại dịch Covid-19 và cú sốc trên thị trường dầu mỏ những ngày qua.

Các chuyên gia Capital Economics nhận định khu vực Trung Đông và Bắc Phi là những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất từ các biện pháp phong tỏa, hạn chế kiểm dịch khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Cho đến nay, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập thống nhất đã báo cáo hơn 8.200 ca nhiễm Covid-19. Riêng với nền kinh tế Dubai, Capital Economics dự báo GDP giảm ít nhất 5-6% trong năm nay nếu các biện pháp hạn chế kiểm dịch kéo dài đến mùa hè.

Giá dầu sụp đổ và đại dịch Covid-19 đang đẩy Dubai đến nguy cơ vỡ nợ - Ảnh 1.

Nền kinh tế Dubai đối diện rủi ro vỡ nợ do đại dịch Covid-19 và khủng hoảng giá dầu

Dubai đã thực hiện phong tỏa vương quốc trong 2 tuần kể từ ngày 4/4 trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan đại dịch Covid-19. Các hoạt động mua sắm, du lịch tại thành phố được mệnh danh là trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới gần như đã chững lại kể từ đó. Những doanh nghiệp dịch vụ, tài chính, bất động sản… cũng buộc phải đóng cửa khiến nền kinh tế gần như đóng băng, gia tăng nguy cơ suy thoái và khủng hoảng nợ cho nền kinh tế Dubai.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Dubai chỉ chứng kiến tốc độ tăng trưởng GDP 1,94% trong năm 2019, chậm nhất kể từ sau Đại suy thoái 2008-2009 đến nay. Doanh thu hàng loạt lĩnh vực kinh doanh bất động sản và khách sạn, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong quy mô GDP tiểu Vương quốc đã giảm mạnh do nhu cầu suy yếu. Ước tính, giá bất động sản dân cư giảm hơn 30% so với hồi cao điểm năm 2014 trong khi doanh thu trên mỗi phòng khách sạn giảm 25% so với năm 2015.

Thêm vào đó, thị trường dầu mỏ - vốn là một trong những động lực tạo nên sự giàu có của tiểu vương quốc này - đang đối diện với cú sốc lớn từ cả hai phía cung và cầu, khiến giá dầu rớt thảm hại. Hôm 20/4, lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu xuống mức âm khi hợp đồng tương lai dầu WTI tháng 5 giao dịch ở mức -37,63 USD/ thùng, kéo theo giá dầu Brent lao dốc. Kể từ đầu năm đến nay, ước tính giá dầu đã giảm 70% do nhu cầu dầu toàn cầu bị đè bẹp bởi đại dịch Covid-19 và cuộc chiến tranh giá cả Nga - Saudi Arabia làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung. Các chuyên gia phân tích cảnh báo khoảng 4-6 tuần nữa, kho dự trữ dầu trên toàn cầu có khả năng tràn do sản lượng quá lớn.

Nguy cơ khủng hoảng nợ

Hơn một thập kỷ trước, trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, Dubai đã phải tìm kiếm khoản cứu trợ 20 tỷ USD từ láng giềng giàu có Abu Dhabi của UAE. Các GREs (doanh nghiệp liên kết với chính phủ Dubai) thời điểm đó liên tiếp tuyên bố vỡ nợ với quy mô khoản nợ lên tới con số khổng lồ 88,9 tỷ USD, tương đương 80% tổng GDP Dubai.

Charles Robertson, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Renaissance Capital nhận định: “Đây không phải lần đầu tiên thị trường băn khoăn về nguy cơ vỡ nợ của Dubai. Tuy nhiên lần này, rủi ro trở nên nghiêm trọng hơn nhiều, do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 dẫn tới sự sụt giảm mạnh mẽ trên thị trường vận tải và du lịch, song song với cú sốc dư cung trên thị trường bất động sản và giá dầu lao dốc chưa từng có”. 

Capital Economics thậm chí dự báo nếu khủng hoảng nợ trở thành hiện thực, chính quyền Dubai thậm chí không có khả năng trả nợ do nợ quốc gia của chính phủ đã lên tới 110% GDP trong năm 2019, theo số liệu từ IMF. Thêm vào đó, hơn một nửa các khoản nợ của các GRE sẽ đáo hạn từ nay đến năm 2021, trong đó có khoản nợ 20 tỷ USD của Abu Dhabi.

 Jason Tuvey, chuyên gia phân tích các thị trường mới nổi tại Capital Economics nhấn mạnh: “Hành động tái cấu trúc nợ hồi năm 2014 đã tạm che giấu mặt tối của cuộc khủng hoảng nợ những năm gần đây. Nhưng một nửa số nợ của các GRE sẽ đạo hạn từ nay đến năm 2021”, đồng nghĩa với việc nguy cơ vỡ nợ ngày càng lớn hơn, nhất là trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu ngày một rõ rệt.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục