Giá điện mặt trời sẽ được xác định thông qua đấu thầu
Mới đây, trong kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định thực hiện phương án đầu thầu để xác định giá bán điện mặt trời áp dụng từ ngày 1/7/2019, tiếp sau Quyết định 11.
Theo đó, các nguyên tắc cần tuân thủ trong việc ban hành giá điện mặt trời được Thủ tướng yêu cầu thực hiện gồm: Chỉ áp dụng biểu giá khuyến khích cố định đối với các dự án đã ký được hợp đồng mua bán điện và đang thi công, đưa vào vận hành trong năm sau.
Ngoài ra, các dự án còn lại và dự án mới sau này sẽ chuyển hẳn sang hình thức đấu thầu công khai, cạnh tranh để giảm giá mua điện. Đối với các dự án tại tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục áp dụng giá bán điện Mặt trời theo Nghị quyết đã được Chính phủ ban hành, cho đến khi tỉnh này đạt đủ quy mô công suất 2.000 MW hoặc đến hết năm 2020.
Như vậy, sau ngày 30/6/2019 giá điện mặt trời (thời điểm Quyết định 11/2017 hết hiệu lực) sẽ không áp dụng phương án một giá điện cho tất cả vùng hoặc chia theo vùng như phương án trình trước đây.
Đối với phương án này, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thống nhất cơ chế đấu thầu phát triển điện mặt trời.
Báo cáo về cơ chế đấu thầu điện mặt trời phải trình Thủ tướng xem xét trước ngày 15/12.
Bên cạnh đó, các dự án điện mặt trời đã áp dụng biểu giá FIT theo Quyết định 11 sẽ không hồi tố, ngược lại Chính phủ khẳng định chủ trương tạo điều kiện phát triển hợp lý, đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư.
Về giá điện mặt trời áp mái, theo tờ trình trước đây của Bộ Công Thương, mức giá chung điện mặt trời áp mái là 9,35 cent (tương đương 2.156 đồng) trên một kWh đến hết năm 2021.
Tuy nhiên, Chính phủ nhấn mạnh quan điểm "tránh trục lợi chính sách" và giao Bộ Công Thương rà soát, đưa ra biểu giá phù hợp.
Đối với các dự án đã có hợp đồng mua bán điện, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan rà soát, báo cáo cụ thể danh mục dự án và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tính chính xác của danh mục này.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối với hợp Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, EVN và các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng lưới điện truyền tải, không để xảy ra tình trạng giảm phát gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, trong khi nhu cầu về điện lại đang thiếu hụt.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng cần khẩn trương lập Quy hoạch điện VIII, báo cáo Thủ tướng phê duyệt trong năm sau.