Giá heo hơi 12/7: Miền Bắc vượt 40.000đ/kg, đừng vội tái đàn

12/07/2019 11:16 GMT+7
Theo khảo sát của Dân Việt, giá heo hơi hôm nay 12/7 ở miền Bắc vẫn tiếp tục xác lập vị trí cao nhất cả nước, trong khi giá heo hơi tại một doanh nghiệp lớn đã chạm mốc 44.000 đồng/kg thì giá heo hơi ở nhiều địa phương cũng đạt 40.000 đồng. Trong khi đó, giá heo hơi hôm nay ở miền Nam cũng bớt chao đảo.

Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc: Giá tăng, đừng vội tái đàn

Theo ghi nhận của Dân Việt, sau khi Công ty CP Miền Bắc tăng giá heo hơi chạm mốc 44.000 đồng/kg, nhiều địa phương ở miền Bắc cũng rủ nhau tăng giá.

Đơn cử như tại Hưng Yên, Hà Nội, giá heo hơi hôm nay 12/7 tăng thêm 1.000 đồng/kg, đạt 41.000 đồng/kg; một số nơi ở Bắc Giang, thương lái cũng thu mua heo hơi với giá 43.000 đồng/kg.

Trừ tỉnh Hải Dương, giá heo hơi vẫn ở mức thấp, các tỉnh còn lại như Tuyên Quang, Phú Thọ,  Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Nguyên,... giá heo hơi hôm nay đều đạt mức 38.000 - 40.000 đồng/kg.

Tính bình quân, giá heo hơi hôm nay 12/7 khu vực phía Bắc vẫn đang nằm ở khoảng 38.000 - 39.000 đồng/kg.

Giá heo hơi hôm nay 12/7 ở miền Bắc tiếp tục tăng, nông dân rục rịch tái đàn. Trong ảnh: Nhiều nông hộ ở Hà Nam đã vội tái đàn sau dịch. Ảnh: BHN.

Tuy vậy, theo Bộ NNPTNT, vùng Đồng bằng sông Hồng cũng là nơi bị thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, nhiều địa phương mất tới 30 - 40% tổng đàn, cạn ngân sách dự phòng cho công tác chống dịch. 

Điều đáng nói là, khi thấy giá heo hơi có chiều hướng tăng, nhiều nông dân đã vội tái đàn. Như tại xã Ngọc Lũ, vùng trọng điểm nuôi lợn của tỉnh Hà Nam, dù bà con vừa mất 2.000 con lợn nhưng đầu tháng 6, khi giá lợn hơi xuất chuồng lên cao đã có một số hộ trong xã nhập đàn về nuôi. 

Được biết, lượng lợn nhập về khoảng hơn 2.000 con, đều là lợn trại có đầy đủ giấy tờ về nguồn gốc, giấy kiểm dịch động vật. Trước tình hình đó, UBND xã yêu cầu các hộ đã nhập lợn cam kết nếu xảy ra dịch phải chịu toàn bộ trách nhiệm tiêu hủy theo đúng quy định, không được tổng hợp vào diện được hỗ trợ của Nhà nước. 

Giá heo hơi hôm nay tại miền Trung – Tây Nguyên: Không đột biến

Giá heo hơi hôm nay 12/7 ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên không có nhiều biến động khi giá vẫn duy trì ở mức 32.000 - 34.000 đồng/kg.

Trong khi, giá heo hơi ở Đắk Lắk tăng nhẹ 1.000 đồng/kg, đạt mức 33.000 đồng/kg; Thừa Thiên - Huế cũng tăng thêm 2.000 đồng/kg, đạt 34.000 đồng/kg heo hơi thì giá heo hơi tại Khánh Hòa lại giảm mạnh, từ mức 40.000 đồng/kg xuống còn 35.000 đồng/kg.

Giá heo hơi tại Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn giữ ở mức 31.000 - 32.000 đồng/kg. 

Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn gửi các địa phương đề nghị tạm thời dừng nhập heo từ các tỉnh, thành phố vào địa bàn Quảng Nam để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm hoặc giết mổ, đến khi có thông báo mới.

Trường hợp thật cần thiết phải nhập heo nuôi làm giống hoặc nuôi thương phẩm, Sở NN&PTNT sẽ xem xét tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo.

Nhiều người lo ngại cuối năm có thể sẽ thiếu nguồn thực phẩm thịt heo. Ảnh: I.T

Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam: Tín hiệu khả quan

Khảo sát của Dân Việt cho thấy, giá heo hơi hôm nay 12/7 ở các tỉnh miền Nam có vẻ khả quan hơn khi Đồng Nai nhích nhẹ lên mức giá bình quân khoảng 28.600 đ/kg. Giá heo hơi tại Long An tăng thêm 1.000 đồng/kg, lên 33.000 đồng/kg.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá heo hơi hôm nay đạt bình quân 31.000 - 32.000 đồng/kg; Trong đó, giá heo hơi tại Cà Mau đạt cao nhất 35.000 đồng/kg; giá heo hơi tại Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng đạt 31.000 - 32.000 đồng/kg.

Giá heo hơi tại Trà Vinh đạt 34.000 đồng/kg, trong khi giá heo hơi ở Bến Tre vẫn thấp nhất vùng, đạt 29.000 đồng/kg.

Cuối năm có thiếu thịt lợn?

Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm, chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, nêu không tổ chức chỉ đạo sản xuất tốt, cuối năm nay sẽ xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn.

Vì vậy, phải tập trung phát triển những nhóm thực phẩm khác để bù đắp lại như nuôi gia cầm, đại gia súc, thuỷ sản trên nguyên tắc phát triển theo chuỗi, đảm bảo an toàn sinh học.

"Nơi nào đảm bảo an toàn sinh học cao, những hộ trang trại chăn nuôi quy mô lớn làm chủ được công nghệ thì có thể tăng đàn; những nơi qua 30 ngày không phát sinh dịch, đảm bảo tốt các điều kiện an toàn sinh học cũng có thể phát triển đàn lợn" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục