Giá lợn hơi vẫn tiếp tục giảm, nhiều lo lắng

02/09/2022 09:45 GMT+7
Giá lợn hơi hôm nay 2/9 tiếp tục giảm tại khu vực miền Bắc, miền Nam và đi ngang tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Tháng 7, nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam giảm 5,2% về lượng, nhưng tăng 13,5% về trị giá so với tháng 7/2021.

Giá lợn hơi hôm nay 2/9: Giảm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay tiếp tục giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tại một số tỉnh thành và dao động trong khoảng 65.000 - 69.000 đồng/kg. Trong đó, Tuyên Quang giảm 2.000 đồng/kg xuống còn 65.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Yên Bái, Hà Nam.

Cùng giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi hôm nay tại Vĩnh Phúc và Bắc Giang lần lượt thu ở mốc 66.000 đồng/kg và 67.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá trong hôm nay, trong đó, Lào Cai, Hưng Yên, Phú Thọ và Thái Bình tiếp tục giao dịch tại ngưỡng 69.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay đi ngang và dao động trong khoảng 60.000 - 67.000 đồng/kg. Trong đó, Đắk Lắk và Ninh Thuận hiện ghi nhận mốc thấp nhất khu vực là 60.000 đồng/kg. Cao hơn ba giá, tại Bình Thuận, giá lợn hơi hôm nay được thu mua ở mức 63.000 đồng/kg.

Các tỉnh gồm Lâm Đồng, Quảng Bình, Nghệ An và Bình Định, giá lợn hơi hôm nay dao động trong khoảng 64.000 - 65.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất khu vực được ghi nhận tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Khánh Hòa tiếp tục thu mua lợn hơi ở mốc cao nhất khu vực là 67.000 đồng/kg.

Cùng chung xu hướng thị trường với khu vực miền Bắc, tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay giảm nhẹ giá ở một số địa phương và dao động trong khoảng 60.000 - 67.000 đồng/kg. Cụ thể, Bình Dương giảm 2.000 đồng/kg, đưa giá lợn hơi về mức 63.000 đồng/kg, ngang bằng với Tây Ninh. Cùng giảm 1.000 đồng/kg so với hôm qua, giá lợn hơi tại Vũng Tàu và Cần Thơ đang thu mua với giá 64.000 đồng/kg. Một số tỉnh thành còn lại gồm Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long và Cà Mau đang duy trì giao dịch trong khoảng 66.000 - 67.000 đồng/kg. Mức giá lợn hơi thấp nhất khu vực 60.000 đồng/kg được ghi nhận tại TP.HCM, Hậu Giang, Sóc Trăng.

Giá lợn hơi CP cao nhất tại miền Bắc, đứng ở mức 69.000 đồng/kg; tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP đứng ở mức 65.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi Trung Quốc hôm nay cũng giảm xuống, đứng ở mức 76.200 đồng/kg.

Giá lợn hơi vẫn tiếp tục giảm, nhiều lo lắng - Ảnh 1.

Tháng 7, nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam giảm 5,2% về lượng, nhưng tăng 13,5% về trị giá so với tháng 7/2021.

Trước đó, cuối tháng 8/2022, giá lợn hơi tại các vùng trên cả nước tăng 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2022. Tại miền Bắc giá thịt lợn hơi dao động quanh mức 65.000-70.000 đồng/ kg; tại miền Trung và khu vực Tây Nguyên giá dao động quanh mức 63.000-70.000 đồng/kg; tại miền Nam giá dao động quanh mức 62.000-70.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi vẫn tiếp tục giảm, nhiều lo lắng - Ảnh 2.

Nguồn: Trung tâm Công nghiệp và Thương mại tổng hợp

Thời gian tới, dự báo giá lợn hơi trong nước tiếp tục dao động quanh mức 65.000 - 70.000 đồng/kg và hy vọng có chiều hướng tăng khi các bếp ăn tập thể trường học hoạt động trở lại. 

Mặc dù giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, với các giải pháp không quá phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp, đàn vật nuôi vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2022, dự kiến nhu cầu lợn thịt cả nước khoảng 51 triệu con, với tốc độ tăng đàn khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu giảm như hiện nay, người chăn nuôi đang rất cần hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ từ các tổ chức tín dụng, giúp họ tăng đàn thuận lợi trong thời gian tới. Để cân đối cung cầu, từ nay đến cuối năm 2022, sản lượng thịt các loại của cả nước phải đạt khoảng 7 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi dự kiến phải đạt trên 4,2 triệu tấn; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,9 triệu tấn. 

Nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt tiếp tục giảm, không tính đến phương án tăng nhập khẩu

Từ đầu năm tới nay, nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam liên tục giảm. Các Bộ ngành không tính đến phương án nhập khẩu thịt lợn sống từ các nước trong khu vực, thay vào đó sẽ đẩy mạnh tái đàn trong nước. Từ nay đến cuối năm cố gắng duy trì mức tăng trưởng sản lượng thịt lợn khoảng 6% để đảm bảo cung cầu thị trường.

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2022, Việt Nam nhập khẩu 61,48 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với trị giá 140,56 triệu USD, giảm 5,2% về lượng, nhưng tăng 13,5% về trị giá so với tháng 7/2021. Tháng 7/2022, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 29 thị trường trên thế giới, trong đó, Ấn Độ vẫn là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 350,86 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 789,08 triệu USD, giảm 21,1% về lượng và giảm 9,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thời gian qua, nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt liên tục giảm so với cùng kỳ năm 2021 do nhu cầu phục hồi chậm, tuy nhiên mức giảm đang dần thu hẹp lại trong mấy tháng gần đây nhờ các nhà hàng, quán ăn, các khu du lịch hoạt động trở lại nên tiêu thụ thịt lợn cao hơn. 

Trong tháng 7/2022, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu vẫn là các chủng loại thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt lợn, thịt bò giảm so với cùng kỳ năm 2021; trong khi nhập khẩu thịt trâu tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2021. 

Từ đầu năm 2022 đến nay, nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm do tiêu thụ thịt lợn trong nước vẫn chậm, trong khi sản lượng lợn tiếp tục phục hồi. Trong tháng 7/2022, Việt Nam nhập khẩu 10,02 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 21,58 triệu USD, giảm 31,2% về lượng và giảm 36,8% về trị giá so với tháng 7/2021, giá nhập khẩu trung bình đạt 2.153 USD/ tấn, giảm 8,1% so với tháng 7/2021. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 55,21 nghìn tấn, trị giá 117,5 triệu USD, giảm 42,1% về lượng và giảm 46,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Giá lợn hơi vẫn tiếp tục giảm, nhiều lo lắng - Ảnh 3.

Về xuất khẩu: Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan tháng 7/2022, xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt đạt 1,9 nghìn tấn, trị giá 7,16 triệu USD, tăng 26,1% về lượng và tăng 38,3% về trị giá so với tháng 7/2021. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 10,49 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 41,85 triệu USD, giảm 4,5% về lượng, nhưng tăng 3,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tháng 7/2022, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Thái Lan, Bỉ, Hoa Kỳ, Lào, Tây Ban Nha…

Tháng 7/2022, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (gồm thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh và thịt lợn nguyên con đông lạnh); Đùi ếch đông lạnh… Trong đó, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 1,05 nghìn tấn, trị giá 4,47 triệu USD, tăng 343,7% về lượng và tăng 104,3% về trị giá so với tháng 7/2021, giá xuất khẩu bình quân đạt 4.235 USD/ tấn, giảm 54% so với tháng 7/2021. Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hồng Công, Thái Lan và Lào. Trong đó xuất khẩu sang thị trường Hồng Công chiếm 57,48% tổng lượng thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh xuất khẩu của cả nước trong tháng 7/2022. 

Giá lợn hơi vẫn tiếp tục giảm, nhiều lo lắng - Ảnh 4.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Tại dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi như: Hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi; hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng chợ đầu mối, cơ sở đấu giá, dự trữ sản phẩm chăn nuôi, sàn giao dịch vật tư chăn nuôi; xúc tiến thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi;…

Về đề xuất hỗ trợ xây dựng chợ đầu mối, cơ sở đấu giá, dự trữ sản phẩm chăn nuôi, sàn giao dịch vật tư chăn nuôi; xúc tiến thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, dự thảo nêu rõ, hỗ trợ không quá 40% tổng mức đầu tư dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiết yếu đối với cơ sở chợ đầu mối, cơ sở đấu giá, các sàn giao dịch vật tư chăn nuôi để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi; mức hỗ trợ tối đa 02 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ không quá 30% tổng mức đầu tư dự án về xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nhằm quảng bá sản phẩm; xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất - giết mổ, chế biến - tiêu thụ sản phẩm, mức hỗ trợ tối đa 02 tỷ đồng/dự án. Hỗ trợ không quá 50% giá trị xây dựng kho lạnh dự trữ sản phẩm chăn nuôi; mức hỗ trợ tối đa 03 tỷ đồng/kho lạnh. Điều kiện được hỗ trợ là các dự án đầu tư phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Nguồn cung sẽ ảnh hưởng tới giá cả. Tháng cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán, nhu cầu về lương thực, thực phẩm thường tăng từ 10 -15% so với những tháng trước đó. Cụ thể, số lượng thịt lợn tiêu thụ trung bình mỗi năm là khoảng 4 triệu tấn; tháng Tết, nhu cầu tăng lên, ở mức khoảng 420.000 tấn. Theo Bộ Nông nghiệp, nếu giá lợn hơi ở mức 70.000 đồng/kg sẽ là cơ sở để các địa phương đẩy mạnh tái đàn phục vụ cho nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm.

Hiện 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn ở Việt Nam cũng duy trì tổng đàn khoảng 6,5 triệu con lợn để cung cứng thịt lợn cho thời điểm cuối năm với giá bình ổn. Số liệu của Bộ Nông nghiệp cho thấy, công tác tái đàn của địa phương trên cả nước tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tổng đàn lợn cả nước đạt trên 28 triệu con.


 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục