Giá nông sản hôm nay 22/9: Tiêu thấp nhất 76.000 đồng/kg, nguồn cung khan hiếm

22/09/2021 07:21 GMT+7
Giá nông sản hôm nay ghi nhận, giá tiêu trong nước giao dịch ở mức từ 76.000 - 80.500 đ/kg; cà phê đi ngang so với phiên trước.

Giá tiêu hôm nay: Ổn định

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương, giao dịch ở mức từ 76.000 - 80.500 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 76.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai (77.000 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (78.500 đồng/kg); Bình Phước (79.000 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 80.500 đồng/kg.

Theo bài viết mới nhất trên Peppertrade, thị trường hồ tiêu Việt Nam tiếp tục giữ được mức giá nguyên liệu đầu vào ổn định ở mức cao nhất 80.000 - 81.000 đồng/kg trong 6 ngày liên tiếp.

Như thường lệ, sự thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu thô đã ảnh hưởng đáng kể đến thị trường hiện tại khi xu hướng tăng giá là chủ đạo với mức trung bình tháng 9 là 80.025 đồng/kg, cao hơn khoảng 2,4% so với giá trung bình tháng trước.

Giá nông sản hôm nay 22/9: Tiêu thấp nhất 76.000đ/kg, nguồn cung khan hiếm  - Ảnh 1.

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương, giao dịch ở mức từ 76.000 - 80.500 đồng/kg.

Indonesia với mùa thu hoạch đang diễn ra sôi nổi, người bán chào giá FOB hiện nay ở mức 4.225 USD/tấn. Mặc dù ghi nhận mức giảm giá tối thiểu khoảng 1,17% trong ngày 20/9, giá tiêu hiện tại ở Indonesia vẫn còn khá cao so với sản phẩm của các nước khác.

Tại Brazil, cập nhật quy định MAPA Brasilia (cấm xuất khẩu hồ tiêu), cho đến nay, sắc lệnh mới vẫn chưa được công bố.

Đúng như dự đoán, Hiệp hội Sản xuất hồ tiêu Brazil và một số tổ chức lớn đã đề nghị tạm hoãn thời điểm quy định có hiệu lực trong ít nhất một năm để họ có đủ thời gian điều chỉnh cho các nhà xuất khẩu Brazil.

Hơn nữa, họ cũng lo ngại việc áp dụng quy định đột ngột có thể ảnh hưởng lớn đến các hợp đồng đã ký mà chưa kịp giao hàng. Chi phí vận chuyển tăng trong khi nguồn cung khan hiếm gây ra những mối lo lắng về sự tăng giá hồ tiêu trên toàn thế giới.

Tại thị trường trong nước, có thể nói, quãng thời gian dịch bệnh kéo dài tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), các biện pháp mạnh được thực hiện để ngăn ngừa Covid-19 thời gian qua đã chồng chất thêm khó khăn cho doanh nghiệp, bởi các thủ tục để thực hiện “3 tại chỗ” và xin giấy đi đường.

Thêm vào đó, doanh nghiệp phải gồng gánh thêm khoản chi phí về xét nghiệm và thiết bị cho nhân viên sản xuất thực hiện “3 tại chỗ”.

Tình trạng kẹt cảng và thiếu container rỗng trong một thời gian dài đã tạo cơ hội cho các hãng tàu thao túng phụ phí và cước phí vận tải. Giá vận tải các tuyến tăng gấp 10 lần từ cuối năm 2020 đến thời điểm hiện tại và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản.

Tuy nhiên, để giữ thị trường và uy tín, các doanh nghiệp buộc phải thực hiện hợp đồng với mức lỗ không hề nhỏ.

Trước tình hình trên, VPA đã đưa ra 5 kiến nghị, trong đó đề nghị Chính phủ sớm có cơ chế mở cửa dần cho các tỉnh thành đã tiêm cho người dân 1 mũi, 2 mũi vaccine Covid-19 để các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường; Chính phủ cần có chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách cần giảm lãi vay cho các doanh nghiệp...

VPA kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; Bộ NN-PTNT cần sớm chỉ đạo Cục Trồng trọt thống kê diện tích và sản lượng hồ tiêu trên cả nước, để các doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh phù hợp và các khuyến cáo đưa ra kịp thời, trước tình hình diện tích có thể tăng và nguy cơ khủng hoảng ngành hồ tiêu có khả năng tái diễn khi giá hồ tiêu tăng cao.

Cuối cùng, VPA đề nghị Chính phủ và bộ, ngành sớm có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 của Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, theo tờ Kinh tế và Đô thị.

Giá cà phê hôm nay: Không biến động

 Giá cà phê hôm nay 22/9 trong khoảng 40.000 - 40.900 đồng/kg. Cả 2 sàn cà phê giao dịch dè dặt, nghe ngóng thông tin.

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.000 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.900 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.800 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.800 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.700 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.800 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.700 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 40.700 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giữ ổn định so với cùng thời điểm hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2021 tăng 8 USD/tấn ở mức 2.160 USD/tấn, giao tháng 1/2022 giảm 1 USD/tấn ở mức 2.122 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 tăng 0,75 cent/lb ở mức 183,35 cent/lb, giao tháng 3/2022 tăng 0,75 cent/lb ở mức 186,15 cent/lb.


PV
Cùng chuyên mục