Giá nông sản hôm nay 3/9: Thị trường tiêu ảm đạm, thấp nhất 73.500 đồng/kg; cà phê giảm nhẹ

03/09/2021 08:41 GMT+7
Giá nông sản hôm nay 3/9 ghi nhận, cà phê giảm nhẹ 100 - 200 đồng/kg tại một số vùng trọng điểm; giá tiêu ổn định, thị trường trầm lắng.

Giá cà phê hôm nay: Giảm 100 - 200 đồng/kg

Giá cà phê hôm nay 3/9 trong khoảng 39.200 - 40.100 đồng/kg. Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 39.200 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.100 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.000 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.000 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 39.900 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.000 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 39.900 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 39.900 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm có chiều hướng giảm nhẹ 100 - 200 đồng/kg so với cùng thời điểm hôm qua.

Giá nông sản hôm nay 3/9: Thị trường tiêu ảm đạm, thấp nhất 73.500 đồng/kg; cà phê giảm nhẹ - Ảnh 1.

Giá cà phê hôm nay 3/9 trong khoảng 39.200 - 40.100 đồng/kg.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 11/2021 giảm 10 USD/tấn ở mức 2.056 USD/tấn, giao tháng 1/2022 giảm 7 USD/tấn ở mức 2.021 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 giảm 1,35 cent/lb ở mức 194,35 cent/lb, giao tháng 3/2022 giảm 1,2 cent/lb ở mức 197,05 cent/lb.

Trong phiên vừa qua, 2 sàn đều giảm. London chủ động giảm ngay từ đầu phiên khi có dấu hiệu bước vào vùng mua quá mức. Giá cà phê ở New York tiếp tục điều chỉnh giảm sau nhưng cơn mưa giải hạn đầu mùa ở Minas Gerais, bang sản xuất Arabica lớn nhất Brazil.

Thị trường cà phê châu Á đang trong không khí giao dịch trầm lắng do Việt Nam bị ảnh hưởng bởi thiếu nguồn cung, trong khi cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Indonesia cản trở hoạt động giao dịch ở nước này.

Tình trạng phong tỏa ở Việt Nam đang làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung cà phê toàn cầu, khi một loạt tỉnh thành phía Nam vẫn đang thực hiện Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19. Việt Nam là quốc gia sản xuất Robusta chính, loại cà phê có vị đắng được sử dụng trong cà phê hòa tan và một số loại cà phê espresso. Theo ghi nhận, giá cà phê Robusta bán buôn đã tăng khoảng 50% trong năm nay.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) dự báo phân khúc cà phê hòa tan chất lượng cao toàn cầu có xu hướng tăng lên, do nhu cầu làm việc tại nhà gia tăng đáng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Tuy nhiên, hiện nay việc xuất khẩu cà phê sang thị trường EU và Hoa Kỳ còn gặp khó khăn do tình trạng thiếu container vận chuyển dù đã đỡ căng thẳng hơn trước nhưng giá cước vẫn cao. Các chuyên gia trong ngành dự báo, thời gian tới, xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Bên cạnh đó, Việt Nam phải đối mặt với sự gia tăng sản lượng Robusta từ các quốc gia khác như Brazil, Uganda...

Giá tiêu hôm nay: Ổn định

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước ổn định, giao dịch ở mức từ 73.500 - 77.000 đ/kg tại các địa phương.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 73.500 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Gia Lai (74.000 đ/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (75.000 đ/kg); Bình Phước (76.000 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 77.000 đ/kg.

Theo KT&ĐT, tình hình giao dịch trong nước vẫn trầm lắng do sản xuất và xuất khẩu đình trệ. Các đại lý và công ty xuất khẩu cũng nhân dịp này ghìm giá thu mua.

Tuy vậy, theo ghi nhận, với đà giảm như hiện nay thì cũng không có hộ nào muốn bán ra. Bởi lượng tiêu trong dân còn tương đối ít so với mọi năm, lượng tiêu giá rẻ cũng cạn.

Thời điểm này, những hộ nào cần tiền chi tiêu thì bán 1 ít lấy tiền trang trải, chứ đã giữ tiêu đến thời điểm này rồi thì ít người chọn bán khi giá đang xuống.

Hiện chưa có con số cụ thể xuất khẩu hồ tiêu tháng 8/2021, nhưng có thể thấy bức tranh kém khả quan khi nhìn trên thống kê nửa tháng 8/2021, xuất khẩu chỉ bằng 1/3 tháng 7/2021. Các tháng trước đó đều đã giảm so với cùng kỳ.

Hiện nay, Việt Nam, Brazil và Indonesia đang là 3 nước xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất thế giới. Trong đó, Việt Nam đứng đầu với 180,2 nghìn tấn trong 7 tháng đầu năm, vượt trội so với 51,7 nghìn tấn của Brazil. Còn lượng tiêu xuất khẩu của Indonesia trong 6 tháng đầu năm đạt 20,8 nghìn tấn.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái xuất khẩu hạt tiêu của cả 3 nhà cung cấp trên đều giảm lần lượt là Việt Nam giảm 2,3%, Brazil giảm 9,6% và Indonesia giảm 1,9%.

Dịch Covid-19 bùng phát tại các nước xuất khẩu, nguồn cung sụt giảm do thời tiết và tình trạng thiếu container rỗng, giá cước vận tải biển tăng cao hiện là những vấn đề chung ảnh hưởng đến xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam, Indonesia và Brazil từ đầu năm 2021 đến nay.

Với tình hình như hiện tại thì xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam khó mà đạt được mục tiêu trong năm nay.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong năm 2020 cả nước xuất khẩu 285.292 tấn hạt tiêu, trị giá 660,57 triệu USD, giá trung bình 2.315,4 USD/tấn, tăng 0,4% về lượng nhưng giảm 7,5% về kim ngạch và giảm 7,8% về giá so với năm 2019.


PV
Cùng chuyên mục