Giá vàng hôm nay 21/4: Đà tăng chưa dừng lại?
Giá vàng hôm nay trên thế giới 21/4: Mở đầu tuần tăng mạnh
Giá vàng hôm nay trên thế giới 21/4 tăng ngay khi mở phiên đầu tuần mới, vượt ngưỡng 3.350 USD/ounce trong phiên châu Á, ghi nhận mức tăng khoảng 0,8% so với ngày trước.

Động lực tăng giá vẫn đến từ làn sóng lo ngại xoay quanh chính sách thuế nhập khẩu của Tổng thống Mỹ Donald Trump và những căng thẳng thương mại - địa chính trị ngày càng nghiêm trọng.
Đáng chú ý, đợt tăng giá đầu tuần này đã được các chuyên gia dự báo từ trước, khi vào cuối tuần trước (ngày 19/4), Mỹ công bố kế hoạch áp biểu phí nặng tay đối với các tàu chở hàng do Trung Quốc sản xuất và khai thác. Cụ thể, từ ngày 14/10/2025, mức phí giai đoạn đầu là 50 USD/tấn dung tích thuần, sau đó tăng dần theo từng năm và đạt đỉnh 140 USD/tấn từ ngày 17/4/2028, áp dụng tối đa 5 lần mỗi năm cho mỗi tàu.
Với các đơn vị khác khai thác tàu do Trung Quốc đóng, Mỹ cũng áp mức phí dịch vụ theo container, khởi điểm từ 120 USD/container vào tháng 10/2025, tăng dần lên 250 USD/container vào năm 2028.
Theo đánh giá của giới chức Mỹ, Trung Quốc hiện chiếm tới 75-80% số lượng tàu đang lưu thông trên thị trường quốc tế, gây sức ép lớn lên ngành đóng tàu nội địa của Mỹ. Động thái áp phí lần này được xem là đòn đáp trả sau khi Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp trong nước ngừng mua máy bay và thiết bị từ Mỹ.
Các chuyên gia cảnh báo, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải biển, sẽ gây ra những hệ lụy sâu rộng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Chi phí logistics có thể gia tăng mạnh, từ đó đẩy giá hàng hóa lên cao trở lại, kéo theo rủi ro lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh bất ổn như vậy, dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển mạnh sang vàng – kênh đầu tư trú ẩn an toàn truyền thống.
Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, các ngân hàng trung ương cũng đang gia tăng dự trữ vàng. Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới – vừa công bố đã mua thêm vàng tháng thứ năm liên tiếp, nhấn mạnh vai trò chiến lược của kim loại quý trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Tuy vậy, đà tăng của vàng vẫn chịu sự kìm hãm nhất định từ lập trường cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chủ tịch Jerome Powell và Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco – bà Mary Daly – đều đưa ra quan điểm rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang “ở vị trí tốt”, và chưa cần thiết phải cắt giảm lãi suất trong ngắn hạn. Quan điểm này hỗ trợ cho đồng USD, vốn có mối quan hệ nghịch đảo với giá vàng.
Dù vậy, với hàng loạt yếu tố bất ổn đang diễn ra – từ thương mại, lạm phát cho đến địa chính trị – triển vọng giá vàng trong trung và dài hạn vẫn được đánh giá là tích cực. Nếu vàng phá vỡ thành công mốc kháng cự 3.350 USD/ounce, mục tiêu tiếp theo có thể là vùng 3.400 USD, trước khi hướng tới các mốc cao hơn trong thời gian tới.
Giá vàng trong nước ngày 21/4: Tạm hạ nhiệt sau pha nhảy múa, chờ đợi tín hiệu từ thị trường quốc tế
Sau cú giảm mạnh tới 6 triệu đồng/lượng trong phiên cuối tuần trước (ngày 18/4), giá vàng trong nước mở đầu tuần mới (ngày 21/4) tiếp tục giữ đà ổn định trong biên độ hẹp, khi thị trường trong nước tạm “hạ nhiệt” sau chuỗi 10 phiên tăng nóng liên tiếp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định giá vàng có thể sớm bật tăng trở lại trong tuần này nếu thị trường quốc tế tiếp tục đi lên như diễn biến đầu phiên châu Á sáng nay.
Cụ thể, giá vàng miếng SJC tại Tập đoàn Doji ở thị trường Hà Nội và TP.HCM hiện được niêm yết ở mức 112 triệu đồng/lượng (mua vào) và 114 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 5 – 6 triệu đồng/lượng so với phiên trước đó. Mức chênh lệch mua – bán thu hẹp còn 2 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC cũng giữ ở mức 112 – 114 triệu đồng/lượng, mức giá này tương đương với Doji và giảm mạnh so với phiên giao dịch trước cuối tuần. Tại Phú Quý, giá vàng miếng được giao dịch quanh mức 110,5 – 114 triệu đồng/lượng, với mức chênh lệch lên tới 3,5 triệu đồng/lượng – phản ánh lực bán ra đang chiếm ưu thế.
Đối với các sản phẩm vàng nhẫn 9999, giá cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Vàng rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 111,5 – 114 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm từ 5 đến 5,5 triệu đồng mỗi chiều. Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 đứng ở mức 109,5 – 113,5 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua – bán lên đến 4 triệu đồng – mức cao nhất kể từ đầu tháng 4. Sản phẩm tương tự tại Phú Quý cũng được niêm yết ở mức 109,5 – 113,5 triệu đồng/lượng.
Sự điều chỉnh mạnh của thị trường trong nước chủ yếu đến từ làn sóng chốt lời mạnh của người dân và giới đầu tư sau giai đoạn vàng tăng nóng. Thực tế cho thấy, một bộ phận lớn người nắm giữ vàng đã tranh thủ bán ra khi giá chạm ngưỡng 120 triệu đồng/lượng để bảo toàn lợi nhuận, tạo áp lực giảm lên giá vàng.
Trong bối cảnh vàng quốc tế vẫn tăng mạnh, giá vàng trong nước có thể chưa thiết lập xu hướng rõ ràng trong ngắn hạn, nhưng triển vọng tăng trở lại vẫn hiện hữu nếu thị trường quốc tế tiếp tục phản ứng tiêu cực trước các yếu tố bất ổn vĩ mô. Nhà đầu tư được khuyến cáo theo dõi sát diễn biến quốc tế cũng như các động thái điều hành trong nước để đưa ra quyết định kịp thời.