Giá vàng sẽ bứt tốc gần gấp đôi lên 3.500 USD trong hai năm tiếp theo?
Giá vàng đã đạt đỉnh kỷ lục trong phiên giao dịch hôm 27/7 (giờ Mỹ) trong bối cảnh thị trường quan ngại về sự leo thang căng thẳng Mỹ - Trung và làn sóng đại dịch Covid-19 tiếp theo. Có thời điểm, vàng tăng vọt lên 1.946 USD/oz, vượt xa mức kỷ lục 1.920 USD/ oz hồi năm 2011, thời điểm thế giới bất ổn chưa từng có.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua 28/7 (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, giá vàng được giao dịch quanh ngưỡng 1.930,1 USD/oz, giảm 47,1 USD/oz so với chốt phiên giao dịch ngày 27/7. Đến đêm 28/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.943 USD/oz.
Barry Dawes, chủ tịch điều hành tại Martin Place Securities nhận định: “Điều quan trọng trong bức tranh toàn cảnh là giá vàng đã vượt các mốc quan trọng 1.800 USD, 1.900 USD/oz hết sức dễ dàng. Về cơ bản, tôi thấy rằng thị trường vàng hiện đang quá mạnh”. “Tôi tin rằng giá vàng sẽ lên 3.500 USD/oz trong vòng 2 năm tiếp theo” - ông Barry Dawnes nói thêm.
Chuyên gia Garth Bregman từ BNP Paribas Wealth Management thì nhận định: “Chúng tôi không thấy yếu tố nào ngăn chặn sự tăng giá của vàng trong ngắn hạn. Trên thực tế, các động lực đưa vàng lên mức đỉnh thời đại vừa qua vẫn còn rất mạnh mẽ”.
Juerg Kiener, giám đốc điều hành Swiss Asia Capital cũng tỏ ra lạc quan về sự tăng giá của vàng trong ngắn hạn. “Nếu nhìn vào bức tranh kỹ thuật, bạn sẽ nhận ra rằng vàng có thể đạt mức 2.834 USD/oz khá nhanh, và đó chỉ là mức ban đầu. Tôi nghĩ sau đó, trong dài hạn, giá vàng có thể cao hơn đáng kể”.
“Nguyên nhân chính là lãi suất đang giữ ở mức thấp không chỉ trong ngắn hạn, mà còn trong trung hạn và dài hạn” - ông Kiener lý giải. “Vàng đang mang lại lợi nhuận cao đáng kể so với lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ”.
“Về cơ bản, chúng ta hiện không có đường cong lãi suất. Đường cong lãi suất đã được làm phẳng đến mức cực đoan” do lãi suất thực tế đang dần rơi xuống mức âm ở nhiều quốc gia. Theo Kiener, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm thực tế hiện chỉ ở mức khoảng 0,61%. “Kết quả là vàng trở nên rất hấp dẫn. Nó không chỉ có sức hút với những nhà đầu tư muốn phòng ngừa rủi ro, mà còn với cả những thương nhân đang muốn kiếm về lợi nhuận”.
David Gaud, giám đốc đầu tư khu vực châu Á tại Pictet Wealth Management cũng đồng ý rằng vàng đang rất mạnh. “Lý do chính là lãi suất hiện ở mức rất thấp, và mức này được thiết lập không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung hạn và dài hạn”.
Chuyên gia Dawes của Martin Place Securities thì nhận định một số lượng lớn vàng đã được Châu Âu và Trung Đông hấp thụ. Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố khác cũng thúc đẩy giá kim loại quý này tăng lên như các gói kích thích tiền tệ của chính phủ trong đợt khủng hoảng đại dịch Covid-19.