"Gói hỗ trợ nếu dùng không đúng, không trúng sẽ có lỗi với người dân"
Đó là ý kiến của đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) khi đề cập về việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Gói hỗ trợ nếu dùng không đúng không trúng sẽ có lỗi với người dân
Đại biểu nêu: Việc ban hành các nghị quyết đã rất kịp thời, nhằm ứng phó với hoàn cảnh bất thường, chưa từng có tiền lệ. Tại Kỳ họp bất thường Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, sau đó 19 ngày, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP với 5 nhóm giải pháp trọng tâm và bố trí nguồn lực cụ thể. Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ được ví như cú hích hay là phao cứu sinh phục hồi và vực dậy nền kinh tế, tạo niềm tin phấn khởi trong cộng đồng doanh nghiệp và người lao động.
Tuy nhiên, từ khi được ban hành đến nay đã hơn 4 tháng, còn không ít nội dung còn đang trong quá trình tham vấn, trao đổi giữa các cơ quan chức năng. Thủ tướng Chính phủ đã phải có các công điện để đôn đốc, chỉ đạo các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phải triển khai nhanh, đúng, đủ để người dân và doanh nghiệp sớm được thụ hưởng chính sách.
Đến nay dòng tiền thông qua các gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP phần lớn vẫn chưa đến được các đối tượng thụ hưởng hoặc một số chính sách đã có đến nhưng chưa đáng kể, theo đại biểu Tạ Minh Tâm.
Đại biểu cho biết thêm, trên thực tế còn có những vướng mắc, lúng túng, chậm hướng dẫn trong thực thi các chính sách như giảm thuế VAT, việc hỗ trợ lãi suất hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gia hạn thuế và tiền thuê đất…Trong khi đó, mục tiêu đặt ra của các gói hỗ trợ là phải giải ngân trong năm nay, đồng thời các thủ tục triển khai phải bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, không xảy ra tình trạng xin cho, không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Nêu rõ dòng tiền của các gói hỗ trợ, kể cả đầu tư phát triển phải được hấp thu ngay vào nền kinh tế trong năm nay mới mới có thể phát huy hiệu quả tối ưu theo đúng mục tiêu đề ra, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát, cân nhắc các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, cần điều chỉnh các nội dung không còn mang tính cấp thiết, tập trung cho các lĩnh vực trọng tâm, then chốt, có tác động lan tỏa; củng cố và phát huy vai trò bệ đỡ của ngành nông nghiệp.
Đồng thời, rà soát lại các dự án trong danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm đưa vào danh mục các dự án đáp ứng các nguyên tắc tiêu chí theo đúng Nghị quyết số 43/2022/QH15 đề ra, có điều chỉnh, thay thế bổ sung vào danh mục các dự án có đủ điều kiện có khả năng giải ngân nhanh và hấp thu ngay vào nền kinh tế.
Tập trung triển khai nhanh nhất gói hỗ trợ phục hồi, tránh lỡ nhịp tăng trưởng
Dù nhất trí cao với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới mà trong Báo cáo của Chính phủ đã đề ra, nhưng trong đề xuất của mình đại biểu Phạm Hùng Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cũng cho rằng Chính phủ cần tập trung chỉ đạo để hoàn thành một cách nhanh nhất triển khai gói phục hồi phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội để tránh lỡ nhịp tăng trưởng phục hồi và đúng với tính chất Kỳ họp bất thường của Quốc hội.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. "Việc giải ngân vốn đầu tư công đang là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế xã hội bên cạnh điểm nghẽn về cơ chế chính sách. Hiện nay nhu cầu vốn cho nền kinh tế khá lớn, nhu cầu phục hồi rất cấp bách, xong việc giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2022 còn rất thấp. Đây là vấn đề tồn tại bấy lâu nay mà cử tri và doanh nghiệp chưa thực sự yên tâm", đại biểu thông tin.
Đại biểu cùng đề nghị, Chính phủ cần quan tâm, khẩn trương hơn nữa trong tiến hành ba Chương trình mục tiêu quốc gia đều được Quốc hội xem xét thông qua nhằm hỗ trợ không chỉ cho từng hộ gia đình mà còn giúp địa phương phát triển kinh tế xã hội đồng bộ.