Hà Nội: Giá xăng dầu đã giảm, cước vận tải vẫn ở mức cao

17/08/2022 13:03 GMT+7
Hiện nay, giá xăng dầu đã giảm, nhưng giá cước vận tải tại TP.Hà Nội như Taxi Group hay một số hãng taxi khác vẫn đang niêm yết giá vé cao.

Theo mức giá điều chỉnh vào 15h chiều 11/8, giá xăng RON95-III tiếp tục giảm 940 đồng/lít, xuống mức 24.660 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel 0.05S giảm 1.000 đồng/lít, về 22.900 đồng/lít. Đây là lần thứ 5 liên tiếp giá xăng dầu "hạ nhiệt", tương ứng với mức giảm khoảng 22% so với đỉnh vào tháng 6/2022.

Trong khi đó, các hãng taxi vẫn chưa giảm cước, đơn cử như Taxi Group có giá cước cao nhất so với các hãng xe còn lại, cụ thể, giá mở cửa là 20.000 đồng, từ Km Tiếp theo đến Km thứ 25 có giá 19.600 đồng/km và từ Km 26 trở đi có giá 16.200 đồng/km.

Tương tự, hãng taxi Mai Linh tình từ Km Tiếp theo - Km30 là 16.500 đồng/km, từ Km31 trở đi là 13.200 đồng/km. Đối với taxi G7, từ Km tiếp theo - Km thứ 30 là 15.000 đồng/km, từ Km 31 trở đi giá cước là 12.500 đồng/km.

Hà Nội: Giá xăng dầu đã giảm, cước vận tải vẫn ở mức cao - Ảnh 1.

Giá cước taxi vẫn ở mức cao. Ảnh: ML

Khảo sát taxi Sao Thủ đô, giá cước từ Km iếp theo - Km 25 là 15.000 đồng/km, từ Km 26 trở đi giá cước là 13.000 đồng/km.

Theo các doanh nghiệp vận tải, khi giá nhiên liệu tăng cao liên tục cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm gián đoạn nguồn cung khiến giá thành của các nguyên, vật tư khác của phương tiện cũng tăng theo.

Đến nay, những mặt hàng này chưa có sự hạ nhiệt. Do đó, không phải chỉ dựa trên sự giảm giá trong một vài phiên của xăng, dầu mà doanh nghiệp có thể điều chỉnh được giá cước vận tải ngay, nhất là khi đã phải gồng lỗ trong thời gian dài vừa qua.

Đánh giá về việc giá cước vận tải vẫn còn ở mức cao, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, giá cước vận tải hàng hóa hoạt động theo cơ chế thị trường. Do đó, việc tăng giảm giá cước vẫn còn phụ thuộc vào giá xăng dầu.

Ông Quyền cho rằng, đã hoạt động theo thị trường, các doanh nghiệp cũng cần có điều chỉnh theo thị trường cho hợp lý, vừa thể hiện sự sòng phẳng vừa tôn trọng khách hàng.

"Mỗi doanh nghiệp xây dựng giá cước trên cơ sở các chi phí đầu vào của giá thành vận tải. Những yếu tố cấu thành nên chi phí vận tải là một trong các căn cứ để doanh nghiệp quyết định giá cước", ông Quyền cho hay.

Hà Nội: Giá xăng dầu đã giảm, cước vận tải vẫn ở mức cao - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp hoạt động tại bến xe Nước Ngầm. Ảnh: CTV

Theo ông Quyền, chi phí về nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải. Giá đó được doanh nghiệp dự báo trong một chu kỳ để tính toán giá cước. Giá cước này cũng được tính trên cung cầu của thị trường, độ tín nhiệm của chủ hàng hay hành khách, chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.

"Như vậy, giá cước phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ phụ thuộc vào chi phí xăng dầu", ông Quyền nói.

Trước đó, Sở GTVT Hà Nội vừa đề nghị các doanh nghiệp vận tải kê khai và giảm giá cước khi giá xăng đã giảm sâu 6 đợt, tỷ lệ giảm lên đến hơn 20% so với cách đây hơn một tháng.

Thông tin về tình hình giá cước vận tải có giảm theo giá xăng dầu, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, qua theo dõi giá nhiên liệu xăng, dầu từ thời điểm ngày 1/1 đến 21/7 đã giảm giá 6 lần.

Do vậy, để thực hiện tốt công tác điều hành giá năm 2022 theo văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, Bộ GTVT đề nghị các đơn vị tăng cường công tác quản lý giá cước vận tải hành khách tuyến cố định.

Cùng với đó là giám sát vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố và đảm bảo quyền lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Sở GTVT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, chỉ đạo bộ phận tiếp nhận hồ sơ kê khai giá cước, kiểm soát chặt các nội dung kê khai của các đơn vị khi đến nộp hồ sơ kê khai giá, kiên quyết không cho kê khai tăng giá cước khi không có đủ cơ sở.


Thế anh
Cùng chuyên mục