Habeco: Lợi nhuận "bốc hơi" 6%, vốn hóa chạm ngưỡng tỷ USD

15/08/2019 12:50 GMT+7
Ngày 1/10 tới đây, Habeco sẽ chi trả cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt, tỷ lệ 75,57%. Dự kiến số tiền Habeco chi ra đợt này xấp xỉ 1.752 tỷ đồng. Bộ Công Thương, cổ đông lớn nhất sở hữu 81,79% vốn sẽ thu về 1.433 tỷ đồng trong đợt chi trả này của Habeco. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BHN của Habeco đang giao dịch tại 95.900 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, vốn hóa của Habeco sắp chạm 1 tỷ USD (22.230 tỷ đồng).

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco – mã: BHN) đã công bố báo cáo tài chính quý II/2019.

Lợi nhuận sụt giảm 6%

Tại báo cáo tài chính của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco – mã: BHN) công bố mới đây cho thấy, trong quý II/2019, mặc dù doanh thu thuần đạt 2.432 tỷ đồng, giảm 16,5% so với cùng kỳ 2018, nhưng lợi nhuận sau thuế thu về 240,9 tỷ đồng, tăng trưởng 12,2% so với cùng kỳ. Đây là quý có lợi nhuận tốt nhất của Habeco kể từ quý IV/2017 tới nay. Trong đó, phần lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 237 tỷ đồng, tăng 18,3%. 

Việc lợi nhuận quý II của Habeco tăng trưởng, bất chấp sự sụt giảm doanh thu đến từ sự cải thiện biên lãi gộp. Trong quý II/2019, lãi gộp Habeco đạt 664,2 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp 27,3%, tăng mạnh so với biên lãi gộp 24% cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, chi phí bán hàng giảm 12,2% về giá trị so với cùng kỳ 2018. Tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu giảm xuống 12,5% từ mức 12,8% cùng kỳ.

Chi phí tài chính, chủ yếu là lãi vay cũng ghi nhận mức giảm 34,1% nhờ dư nợ vay ngân hàng được giảm mạnh. Tính đến cuối quý II/2019, nợ vay của BHN là 485,4 tỷ đồng, giảm 116,3 tỷ đồng so với đầu năm. So với cách đây 1 năm, dư nợ vay đã giảm 344 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, doanh thu tài chính Habeco tăng 28% lên 43,38 tỷ đồng, chủ yếu do tăng lãi tiền gửi. Hiện tại, số dư tiền và tương đương (bao gồm tiền gửi ngân hàng) của Habeco lên tới 3.826 tỷ đồng, chiếm 42% tổng tài sản công ty.

Riêng trong nửa đầu năm 2019, dòng tiền hoạt động kinh doanh thu về 281,4 tỷ đồng. Trong năm 2018, dòng tiền kinh doanh của Công ty thặng dư 372 tỷ đồng, năm 2017 đạt 739,5 tỷ đồng. Như vậy, so với dư nợ vay hiện tại, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng mà BHN đang sở hữu lớn hơn gần 8 lần.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Habeco ghi nhận doanh thu 3.996 tỷ đồng, giảm 8%; Lợi nhuận sau thuế 304,6 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 6 tháng đạt 1.447 đồng.

Năm 2019, Habeco dự kiến doanh thu tiêu thụ sản phẩm chính đạt 8.270,8 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thấp kỷ lục trong một thập kỷ qua, ở mức 310,09 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, Habeco đã gần cán đích lợi nhuận của cả năm.

Tiền lương, thù lao và các khoản thu nhập khác của các thành viên hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát và kế toán trưởng bán niên 2019 hơn 2 tỷ đồng, giảm 1 nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, “người anh em” Sabeco đạt doanh thu thuần 18.425 tỷ đồng (tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế 2.820 tỷ đồng (tăng 15,2%), hoàn thành 47,4% kế hoạch về doanh thu và 59,8% kế hoạch về lợi nhuận cho cả năm 2019.

Chia cổ tức khủng, cổ đông Nhà nước thu về hơn 1.400 tỷ

Mới đây, Habeco thông báo chi trả cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt, tỷ lệ 75,57% vào ngày 1/10 tới đây. Thời gian chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức sẽ được chốt vào ngày 9/9/2019.

Nguồn chia cổ tức ngoài được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2017 (201 tỷ đồng), còn lấy từ quỹ đầu tư phát triển và cổ tức được chia từ CTCP Bia Hà Nội Hải Dương theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Trước đó, vào tháng 5/2018, Kiểm toán Nhà nước đã công bố hành kết luận kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 tại Tổng công ty và yêu cầu Habeco nộp bổ sung vào ngân sách hơn 3.100 tỉ đồng, gồm tiền thuế còn thiếu và cổ tức trên vốn nhà nước.

Nguyên nhân, theo Kiểm toán Nhà nước, là vì từ năm 2008 đến nay, Habeco không sử dụng Quỹ đầu tư phát triển để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư phát triển theo chiều sâu. Số dư quỹ chủ yếu được sử dụng để gửi ngân hàng.

Hiện tại, cơ cấu cổ đông lớn gồm Bộ Công Thương với tỷ lệ sở hữu lên tới gần 82%. Tiếp theo là cổ đông chiến lược Carlsberg với trên 17% cổ phần. Như vậy, với 231,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền Habeco chi ra đợt này xấp xỉ 1.752 tỷ đồng. Bộ Công Thương, cổ đông lớn nhất sở hữu 81,79% vốn sẽ thu về 1.433 tỷ đồng. Cổ đông chiến lược Carlsberg nhận về khoảng 300 tỷ cổ tức đợt này.

Được biết, Carlsberg đầu tư từ năm 2008 khi tổng công ty thực hiện cổ phần hóa. Theo điều khoản trước đây, Carlsberg có quyền ưu tiên được mua cổ phiếu của Habeco trong trường hợp Bộ Công Thương thoái vốn. Cổ đông ngoại này nhiều lần cũng cho biết mong muốn mua lại toàn bộ 81,79% cổ phần mà Bộ Công Thương. Đã có 13 cuộc họp bàn giữa Habeco và cổ đông chiến lược Carlsberg được thực hiện trong năm 2018 để tìm tiếng nói chung nhưng đến nay chưa có động thái tiến triển thêm.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BHN đang giao dịch tại 95.900 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, vốn hóa của Habeco sắp chạm 1 tỷ USD (22.230 tỷ đồng).

Lê Thúy
Cùng chuyên mục