Hàng hóa kẹt tại cảng, giá cả tăng vọt, khan hiếm công nhân: đà tăng GDP quý III của Mỹ gặp nhiều thách thức

28/10/2021 09:19 GMT+7
Đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ đã chậm lại đáng kể trong quý gần nhất khi chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn, hàng hóa mắc kẹt tại cảng, các nhà tuyển dụng phải vật lộn để tìm nhân công và người tiêu dùng phải đối mặt với giá cả tăng cao.

Theo ước tính của Dow Jones, GDP quý III của Mỹ có thể chỉ đạt 2,8%.

Mặc dù con số hoàn toàn lạc quan so với thời kỳ trước Covid-19, nhưng nó sẽ là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ khi đà phục hồi kinh tế Mỹ bắt đầu. Công cụ theo dõi GDPNow của Fed chi nhánh Atlanta thậm chí hạ dự báo GDP của Mỹ quý III xuống 0,2%, tức gần như không tăng trưởng, do triển vọng ảm đạm của chi tiêu chính phủ và xuất khẩu ròng thực tế.

Hàng hóa kẹt tại cảng, giá cả tăng vọt, khan hiếm công nhân: đà tăng GDP quý III của Mỹ gặp nhiều thách thức - Ảnh 1.

GDP Mỹ tính đến Quý II/2021 (Ảnh:CNBC)

Tuy nhiên, các nhà kinh tế không lo lắng. Phần lớn ý kiến nói rằng sự giảm tốc của đà tăng trưởng là kết quả của các yếu tố ngắn hạn như sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng. Các yếu tố này sẽ được cải thiện trong những tháng tiếp theo.

Nhà kinh tế trưởng của Natixis tại Châu Mỹ Joseph LaVorgna cho biết: “Thách thức ở đây là sự bóp méo của nguồn cung. Nền kinh tế về cơ bản vẫn mạnh mẽ. Tôi không nhìn vào kết quả của riêng quý hiện tại để nhận định tình hình chung toàn nền kinh tế”.

Trên thực tế, Natixis dự báo triển vọng GDP lạc quan hơn, ở mức 3,3% trong quý này. Tuy nhiên, con số này vẫn giảm mạnh so với mức tăng 6,7% trong quý II. Đây cũng sẽ là con số tăng trưởng thấp nhất kể từ sụt giảm 31,2% đáng kinh ngạc trong quý II năm 2020, khi đại dịch lan rộng ra toàn nước Mỹ.

LaVorgna nói: “Trong phạm vi khi đất nước chưa mở cửa trở lại hoàn toàn, ít nhất là về du lịch và các hoạt động giải trí, mọi thứ đều lành mạnh hơn những gì chúng tưởng tượng. Tôi không coi đây là dấu hiệu của những điều sắp diễn ra (trong trung và dài hạn).

CNBC cập nhật kết quả khảo sát nhanh từ các nhà dự báo cho thấy kỳ vọng tăng trưởng GDP bình quân trong quý III khoảng 2,3%.

Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Thách thức lớn nhất chắc chắn là sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Theo ước tính gần đây của Goldman Sachs, hàng chục con tàu đang mắc kẹt tại các cảng ven bờ biển California, với tổng giá trị hàng hóa ước tính 24 tỷ USD. Điều này góp phần làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng quá lớn trong cung - cầu ở một thời điểm mà nhu cầu tăng vọt trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. 4,3 triệu lao động Mỹ đã nghỉ việc tính đến tháng 8, theo Bộ Lao động Mỹ.

Một cuộc khảo sát gần đây của Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh Dallas cho thấy 41,3% số người được hỏi nghĩ rằng sẽ mất ít nhất 10 tháng để chuỗi cung ứng trở lại bình thường và 64,5% các công ty Texas cho biết họ đã chịu tác động từ sự gián đoạn hoặc chậm trễ với nguồn cung cấp, tăng từ con số 35,5% trong cuộc khảo sát vào tháng 2.

Một vấn đề lớn khác là hiện tượng lạm phát lên mức cao nhất trong khoảng 3 thập kỷ khi hàng hóa trở nên khan hiếm hơn và chi phí nguyên vật liệu tiếp tục tăng.

Ông LaVorgna cho biết ông lo lắng về khả năng tăng chi phí năng lượng sẽ cản trở tăng trưởng trong tương lai. “Sản lượng sản xuất vẫn thấp hơn khoảng 15 đến 20% so với trước đại dịch. CChi phí năng lượng cao hơn đang là thực tế hiện hữu. Đó là điều sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế nhiều hơn các vấn đề của chuỗi cung ứng.”

Goldman Sachs đã hạ triển vọng tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý III xuống 2,75%. Ngân hàng này cũng đồng thời giảm triển vọng tăng trưởng GDP nước Mỹ cả năm 2021 và 2022 xuống lần lượt là 5,6% và 4%, từ các ước tính trước đó là 5,7% và 4,4%.

Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang phải đối mặt với các tác động đồng thời của việc tăng trưởng chậm lại và lạm phát gia tăng. Điều này làm dấy lên mối quan ngại về tình trạng lạm phát đình trệ vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. Thị trường lo ngại Fed sẽ sớm tăng lãi suất trở lại để kiềm chế đà lạm phát tăng vọt.


NTTD
Cùng chuyên mục