Hàng không đang phục hồi, khả năng cắt lỗ của hãng bay vẫn mong manh

03/03/2023 08:03 GMT+7
Chiều 2/3, tại cuộc họp giao ban của Bộ GTVT, bà Nguyễn Thị Kiều Nguyệt, Phó Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, theo thống kê trong tháng 2/2023, vận tải hàng hóa ước đạt gần 191 triệu tấn, tăng 27,8%.

Trong đó, hàng không dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng với mức tăng 50%, đường bộ tăng 24,6%, đường thủy tăng hơn 43%, đường biển tăng 17,6%. Riêng vận tải hàng hóa đường sắt giảm 7,5%.

Theo bà Nguyệt, vận chuyển hành khách, sản lượng vận tải ước đạt 363,6 triệu lượt, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận chuyển hành khách lĩnh vực đường biển đứng đầu với tỷ lệ tăng trưởng 61%, tiếp đến là hàng không tăng gần 60,7%, đường sắt tăng gần 59%, đường thủy tăng 57,5% và đường bộ tăng 20,6%.

Hàng không đang phục hồi, khả năng cắt lỗ của hãng hàng không mong manh - Ảnh 1.

Hãng hàng không Vietnam Airlines đang phục hồi lại các chuyến bay quốc tế. Ảnh: VNA

Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, năm 2022, thị trường vận tải hàng không đạt khoảng 55 triệu khách. Con số này tăng 3,7 lần so năm 2021 và bằng 69,6% so năm 2019.

Trong đó, vận chuyển hành khách nội địa đạt khoảng 43,2 triệu khách (tăng 3,5 lần so năm 2021 và tăng 15,6% so năm 2019) và vận chuyển hành khách quốc tế đạt 11 triệu khách (tăng 22 lần so năm 2021 song vẫn chỉ bằng 27% so năm 2019).

Đối với thị trường quốc tế, cơ quan chức năng đã chủ động và tích cực trao đổi với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và các nhà chức trách hàng không các quốc gia đối tác trong việc mở lại các đường bay quốc tế và hỗ trợ các hãng hàng không tháo gỡ khó khăn trong quá trình khôi phục các đường bay quốc tế.

Tuy nhiên, tốc độ hồi phục diễn ra chậm, mặc dù Việt Nam đã dỡ bỏ các hạn chế đối với hành khách nhập cảnh từ 15/3/2022, khôi phục lại chính sách miễn thị thực cho 25 quốc gia từ tháng 5/2022.

Mặc dù, hàng không đang phục hồi trở lại, nhưng các chuyên gia dự báo khả năng cắt lỗ của các doanh nghiệp hàng không trong năm 2023 còn mong manh.

TS. Cấn Văn Lực (Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV) cho rằng, rất cần sự quan tâm và tiếp tục hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh tình hình tài chính hết sức khó khăn của các doanh nghiệp hàng không cộng với những rủi ro bất định (dịch bệnh, địa chính trị, du lịch quốc tế phục hồi chậm, giá nhiên liệu, lãi suất còn cao…).

Hiện nay, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/1/2023 (giữ mức thuế 2.000 đồng/lít đối với xăng và 1.000 đồng/lít đối với nhiên liệu bay, giảm so với mức 4.000 đồng/lít và 3.000 đồng/lít thông thường).

Tuy nhiên, việc duy trì chính sách giảm tiền thuê đất, mặt nước; giãn,hoãn tiền thuế; giảm một số loại phí dịch vụ tại các cảng hàng không… như năm 2022 là cần thiết. Chính phủ có thể cho phép mức độ giảm phù hợp, chia sẻ khó khăn để doanh nghiệp vượt qua thách thức, nuôi dưỡng nguồn thu…


Thế Anh
Cùng chuyên mục