Hàng triệu người mất việc cản trở kinh tế Trung Quốc hồi sinh

14/05/2020 13:52 GMT+7
Hàng triệu người dân Trung Quốc đang bị sa thải hoặc mất việc khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khôi phục chậm chạp từ cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Những nút giao thông trọng điểm ở Bắc Kinh đang chứng kiến sự ùn tắc quay trở lại, trái ngược với quang cảnh vắng vẻ vài tháng trước. Nhu cầu than và năng lượng gia tăng. Doanh số bán hàng tăng lên, nhiều khoản vay được gia hạn để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình sau dịch bệnh. Hàng loạt dấu hiệu chỉ ra nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi trở lại sau nhiều tuần đóng băng hồi tháng 2, tháng 3, khi đại dịch Covid-19 làm tê liệt nhiều địa phương.

Bất chấp sự phục hồi như vậy, hàng triệu người Trung Quốc vẫn đang mất việc khi nhu cầu toàn cầu về hàng hóa Trung Quốc sụp đổ và nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày càng rõ rệt, ảnh hưởng tiêu cực đến “sức bật” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Hàng triệu người mất việc cản trở kinh tế Trung Quốc hồi sinh - Ảnh 1.

Kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm chạp so sức ép từ cú sốc cầu toàn cầu

Tỷ lệ thất nghiệp tại các đô thị được thống kê bởi Cục Thống kê Quốc gia trong tháng 4 là 5,8%. Nhưng các nhà phân tích từ BNP Paribas SA chỉ ra rằng con số này chỉ phản ánh khoảng một nửa bức tranh tồi tệ của thị trường lao động, do chưa tính đến lượng lớn người lao động nhập cư. Nếu tính cả cư dân ngoài đô thị, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc trong quý I có thể đạt tới 12% với khoảng 130 triệu người chứng kiến công việc gián đoạn vì dịch bệnh.

Liu Peiqian, một nhà kinh tế Trung Quốc tại Natwest Markets, Singapore nhận định: “Triển vọng của thị trường lao động Trung Quốc là không khả quan, do sự phục hồi không đồng đều của các lĩnh vực kinh tế trong nước nói riêng và các nền kinh tế trên thế giới nói chung… Động lực phục hồi hiện tại chủ yếu dựa vào các chính sách kích thích, hỗ trợ từ chính phủ”. 

Ngân hàng Thụy Sĩ UBS dự báo thị trường lao động Trung Quốc đang trải qua thời kỳ tồi tệ nhất trong 2 thập kỷ, với số lượng việc làm dự kiến giảm 10 triệu trong năm nay. Con số này trái ngược hoàn toàn mục tiêu mà chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra hàng năm là mức tăng ròng 10 triệu việc làm trong nền kinh tế.

Wang Tao, chuyên gia kinh tế của UBS nhận định ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi tích cực trong nửa cuối năm 2020, dự kiến chi tiêu tiêu dùng vẫn sẽ giảm trong năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Liu Kun mới đây nhận định nền kinh tế Trung Quốc có thể cần tới chính sách tài khóa tích cực hơn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 mang đến viễn cảnh ảm đạm. Quốc hội Trung Quốc sẽ họp từ 22/5 tới đây, dự kiến xem xét bỏ mục tiêu tăng trưởng con số để tạo cho các nhà hoạch định chính sách dư địa rộng lớn hơn trong việc ban hành các kích thích kinh tế quy mô lớn. 

Hồi đầu tháng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC cũng cam kết tung thêm nhiều biện pháp kích thích tiền tệ nếu cần, có thể thông qua chương trình phát hành trái phiếu hoặc mua lại tài sản quy mô lớn, thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng. Dự kiến, khoảng 600 tỷ USD sẽ được chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng để phục hồi tăng trưởng kinh tế. 

Larry Hu, chuyên gia kinh tế Hồng Kông (Trung Quốc) cho hay sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho đến nay chủ yếu được thúc đẩy bởi nguồn cung. Nhưng những lực cản từ cú sốc cầu, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu và giảm phát sản xuất.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục