Hé lộ bức tranh tài chính của Cấp nước Nghệ An, DN vừa bị thanh tra vì bán nước sạch nhiễm bẩn bất thường

18/03/2023 07:44 GMT+7
Công ty CP Cấp nước Nghệ An bị thanh tra vì sự cố nước sinh hoạt trên TP.Vinh và phụ cận nhiễm bẩn bất thường. Trong năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu kỷ lục với 282 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 5 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần so với năm trước đó.

Công ty Cấp nước Nghệ An bị thanh tra vì chất lượng nguồn nước

Trước đó Etime đã đưa tin, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định thanh tra tại Công ty CP Cấp nước Nghệ An, xác định nguyên nhân sự cố nước sinh hoạt trên địa bàn TP.Vinh và vùng phụ cận nhiễm bẩn, đục bất thường.

Quyết định số 3037/QĐ-UBND ngày 5/10/2022 nêu rõ, tiến hành thanh tra tại Công ty CP Cấp nước Nghệ An, xác định nguyên nhân sự cố nước sinh hoạt trên địa bàn TP.Vinh và vùng phụ cận nhiễm bẩn, đục bất thường; việc sử dụng nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước; việc tuân thủ quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng các tuyến ống và nhà máy nước. Thời kỳ thanh tra từ 2019 đến nay.

Hé lộ bức tranh tài chính của Cấp nước Nghệ An, DN vừa bị thanh tra vì bán nước sạch nhiễm bẩn bất thường - Ảnh 1.

Công trường thi công lắp đặt đường ống nước của Công ty CP Cấp nước Nghệ An vào năm 2020. Ảnh: M.H

Được biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã phối hợp cùng các sở: Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, cùng các địa phương tiến hành kiểm tra vấn đề nước sạch trên địa bàn TP.Vinh và các vùng phụ cận. Trên cơ sở kiểm tra thực tế tại hiện trường và báo cáo của các đơn vị liên quan, Sở Xây dựng đã có văn bản số 2401/SXD-HTKT báo cáo UBND tỉnh Nghệ An.

Đoàn kiểm tra kết luận về nước thô đầu vào, mẫu nước thô sông Lam có 1 thông số giám sát không đạt (COD) vượt quy chuẩn 1,24 lần. Mẫu nước thô sông Đào có 4 thông số giám sát vượt quy chuẩn cho phép, gồm: BOD5 vượt 1,17 lần, COD vượt 1,007 lần, TSS vượt 1,26 lần, Nitrit vượt 1,34 lần; trong đó chỉ số TSS thể hiện chất gây ô nhiễm nước. Vì vậy, nếu quá trình sản xuất không đảm bảo lắng, lọc các chất không hòa tan sẽ dẫn đến xuất hiện vật thể lạ trong nước sinh hoạt như vừa qua.

Theo đó, để xảy ra sự việc nước sạch bị nhiễm bẩn thời gian qua trách nhiệm thuộc về Công ty CP Cấp nước Nghệ An.

Cụ thể, Công ty này không kịp thời báo cáo cho chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan khi người dân phản ánh hiện tượng nước sinh hoạt nhiễm bẩn, đục bất thường.

Việc xử lý sự cố và khôi phục việc cấp nước sạch không triệt để, kịp thời dẫn đến cung cấp dịch vụ cấp nước cho người dân không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định.

Tại thời điểm kiểm tra, nhà máy nước Hưng Nguyên sử dụng nước thô từ sông Đào để sản xuất nước sạch với công suất trung bình khoảng 2.500m3/giờ tương đương công suất 60.000m3/ngày đêm cấp nước về khu vực TP.Vinh. Nhà máy nước Hưng Vĩnh và Cầu Bạch trong 6 tháng đầu năm 2022 sử dụng nguồn nước thô sông Lam để sản xuất nước sạch giảm khối lượng nhiều so với cùng kỳ năm 2021.

Được biết, vào năm 2019,  Nawasco đã bơm nước sông Đào thay thế nước sông Lam để sản xuất nước sạch bán cho người dân khiến cho dư luận xôn xao về chất lượng nước.

Theo đơn giá phê duyệt của UBND tỉnh Nghệ An, đơn nước thô được phê duyệt từ sông Lam có giá 1.950 đồng/m3, nước thô từ sông Đào là 900 đồng/m3, chênh lệch giá nước sạch thành phẩm khi sản xuất từ 2 nguồn nước thô này được quy định là 2.000 đồng/m3.

Năm 2022, Cấp nước Nghệ An báo lãi tăng kỷ lục

Dữ liệu cho thấy, trong quý IV/2022, Công ty CP cấp nước Nghệ An (Nawasco; UPCoM: NAW) ghi nhận doanh thu thuần đạt 72,1 tỷ đồng, tăng 7,6% so cùng kỳ năm trước, giá vốn bán hàng giảm từ hơn 55 tỷ đồng xuống hơn 53 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp tăng 61,1% lên gần 19 tỷ đồng. Kết quả quý 4, Nawasco báo lãi sau thuế quý IV/2022 1,5 tỷ đồng.

Về cơ cấu doanh thu, doanh thu từ kinh doanh nước sạch ghi nhận gần 70 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động xây lắp gần 2 tỷ đồng, còn lại từ các khoản khác.

Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của Nawasco đạt 282 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước, lãi sau thuế gần 5 tỷ đồng, tăng mạnh so với hơn 812 triệu đồng năm 2021.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản Nawasco ở mức 863,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm trong đó, tài sản ngắn hạn hơn 287,1 tỷ đồng; tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận hơn 67 tỷ đồng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn gần 110 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 45% lên 71,6 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Nawasco hơn 483,3 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 380 tỷ đồng, gồm vốn góp của chủ sở hữu 373,8 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển hơn 1,1 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 4,98 tỷ đồng…

Tại ngày 31/12/2022, Nawasco có vốn điều lệ hơn 373,8 tỷ đồng, trong đó, UBND tỉnh Nghệ An nắm 38,05% cổ phần (tương đương 142,2 tỷ đồng), cổ đông lớn còn lại là Công ty CP mía đường Sông Con (27,66% cổ phần) và các cổ đông khác (34,29% cổ phần).

Trước đó, cổ phiếu của Nawasco đã bị đưa vào diện bị hạn chế giao dịch do không công bố thông tin BCTC bán niên 2022, tuy nhiên đến ngày 28/10/2022, Sở GDCK Hà Nội đã thông báo đưa cổ phiếu của Nawasco ra khỏi diện bị hạn chế giao dịch từ ngày 1/11/2022. Lý do Nawasco đã đăng ký giao dịch và công bố thông tin BCTC bán niên 2022 đã soát xét.

Trong giai đoạn 2019-2021, doanh thu thuần của Nawasco dao động không đáng kể, khi năm 2019 ở mức 253,9 tỷ đồng, năm 2020 với 254 tỷ đồng, tăng lên 271,9 tỷ đồng vào năm 2021. Và đến năm 2022 đạt đỉnh ở mức 282 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần của Nawasco cũng tỷ lệ thuận với doanh thu khi công ty này bão lãi 0,76 tỷ đồng năm 2019 và đạt 0,7 tỷ đồng năm 2020, 0,82 tỷ đồng năm 2021 và đạt đỉnh 4,9 tỷ đồng năm 2022.


An Vũ
Cùng chuyên mục