Hé lộ lý do lợi nhuận quý III của Cao su Phước Hòa (PHR) giảm sâu gần 81%
Lợi nhuận quý III/2022 của Cao su Phước Hòa giảm sâu
Công ty CP Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) vừa công bố BCTC riêng quý III/2022. Doanh thu trong kỳ công ty ghi nhận 322,3 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên giá vốn bán hàng tăng 17,7% lên 286 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp giảm 6,1% xuống 36,4 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính giảm 93,3% xuống 3,18 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 55% lên 6,2 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 19% lên 16,4 tỷ đồng
Công ty cho biết doanh thu tài chính bất ngờ giảm mạnh trong quý III do trong quý III năm 2021, Công ty có ghi nhận được khoản tiền cổ tức 47,31 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên.
Kết thúc quý III/2022, Cao su Phước Hoà báo lãi sau thuế đạt 12,32 tỷ đồng, giảm 80,7% so với cùng kỳ.
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2022, Cao su Phước Hoà ghi nhận doanh thu đạt 863,86 tỷ đồng, giảm 0,9% và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 261,15 tỷ đồng, tăng 114,2% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, công ty mẹ Cao Su Phước Hoà đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 2.253 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 898,84 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ gần 744 tỷ đồng. Như vậy, 9 tháng đầu năm 2022, công ty đã thực hiện được 36% kế hoạch kinh doanh và 35% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Cao su Phước Hoà giảm 3,8% so với đầu năm về 3.213,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu đầu tư tài chính dài hạn đạt 1.478,5 tỷ đồng, chiếm 46% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 584,3 tỷ đồng, chiếm 18,2% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 441,3 tỷ đồng, chiếm 13,7% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 397,9 tỷ đồng, chiếm 12,4% tổng tài sản và các tài sản khác.
Tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn bất ngờ tăng 427,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 120,17 tỷ đồng lên 148,3 tỷ đồng và chiếm 4,6% tổng nguồn vốn.
Cao su Phước Hòa có thể thu hơn 400 tỷ đồng từ đền bù đất trong quý IV
Chứng khoán SSI (SSI) dự báo CTCP Cao Su Phước Hòa (mã chứng khoán: PHR) sẽ ghi nhận thêm khoản thu nhập từ đền bù đất là 401 tỷ đồng trong quý IV, đây sẽ là động lực tăng trưởng chính cho công ty trong năm nay và nâng lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong 6 tháng cuối năm lên 408 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ, giúp công ty hoàn thành kế hoạch cả năm.
Theo SSI, Phước Hòa sẽ ghi nhận thu nhập từ đền bù đất là 691 tỷ đồng vào năm 2022 và 207 tỷ đồng vào năm 2023, chiếm lần lượt 60% và 27% lợi nhuận của Phước Hòa trong năm 2022 và 2023.
SSI ước tính lợi nhuận cả năm nay đạt 917 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ, sau đó có thể giảm xuống 630 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ vào năm 2023 do thu nhập từ đền bù đất một lần giảm.
Từ năm 2024, Phước Hòa sẽ ghi nhận thu nhập liên quan đến KCN thông qua các công ty liên doanh, gồm VSIP III và CTCP KCN Nam Tân Uyên (NTC), giúp công ty ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể từ việc cho thuê KCN VSIP III (1.000 ha) và KCN Nam Tân Uyên III (351 ha).
Về KCN Tân Bình giai đoạn 1, trong 6 tháng đầu năm, Phước Hòa không ghi nhận doanh thu cho thuê mới tại KCN này, doanh thu giảm 6% so với cùng kỳ xuống 29 tỷ đồng. SSI kỳ vọng doanh nghiệp này sẽ ghi nhận doanh thu từ việc cho thuê mới (5 ha với giá thuê 115 USD/m2) trong quý IV. Cùng với khoản phân bổ khấu hao từ các năm trước (89 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% doanh thu mảng khu công nghiệp), SSI ước tính doanh thu từ việc cho thuê KCN đạt 221 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ vào năm nay.
SSI cho rằng, nhu cầu đối với các KCN đang gia tăng nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng, thể hiện qua giá cho thuê liên tục tăng lên. Tuy nhiên, ngành vẫn tiềm ẩn rủi ro như thủ tục phức tạp trong việc chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng cao su sang phát triển KCN, quá trình xin cấp phép thành lập KCN mới từ Chính phủ có thể bị kéo dài.