Hé lộ mối “quan hệ” của Vimedimex và loạt bệnh viện tuyến đầu điều trị ung thư

10/11/2021 13:46 GMT+7
Báo cáo tài chính quý III/2021 cho thấy, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, CTCP Dược phẩm – Thiết bị Y tế Hà Nội, CTCP Dược phẩm – Thiết bị Y tế Đà Nẵng là những khách hàng lớn của Dược phẩm Vimedimex.

Ngày 9/11/2021, Công an TP Hà Nội đã có quyết định khởi tố bắt tạm giam 8 bị can về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá đất gây thiệt hại lớn tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Bà Nguyễn Thị Loan, chủ tịch HĐQT CTCP Y Dược phẩm Vimedimex  (Vimedimex, HoSE: VMD) là 1 trong 8 đối tượng bị khởi tố bắt tạm giam.

Ngay sau khi có thông tin chính thức về việc bắt giam bà Nguyễn Thị Loan, cổ phiếu VMD đã quay đầu giảm sàn xuống mức 43.050 đồng/cổ phiếu. Giới chuyên môn dự báo chuỗi ngày giảm điểm của cổ phiếu VMD có thể còn kéo dài do bà Nguyễn Thị Loan có vai trò quan trọng trong việc lèo lái Vimedimex phát triển như ngày hôm nay.

Vimedimex làm ăn ra sao khi "nữ tướng" Nguyễn Thị Loan nắm quyền? - Ảnh 1.

Quan hệ mật thiết Vimedimex với loạt bệnh viện tuyến đầu về điều trị ung thư

Dưới thời bà Nguyễn Thị Loan, Vimedimex không chỉ đi đầu trong việc đạt được các thỏa thuận về nhập khẩu Vaccine Covid – 19, duy trì vị thế đứng đầu trong Top 10 công ty phân phối dược phẩm uy tín trên thị trường Việt Nam, duy trì cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20%/năm trong 8 năm liên tiếp (từ năm 2013-2020).

Vimedimex còn tiến thêm bước phát triển mạnh khi thông qua Vimedimex Group phối hợp với Bệnh viện Phổi TW thành lập Trung tâm xạ trị ung thư Phổi công nghệ cao và Trung tâm điều trị theo yêu cầu công nghệ cao (CLRT).

Báo cáo tài chính hợp nhất qua các kỳ của Vimedimex cho thấy mối quan hệ sâu sắc giữa Vimedimex với một loạt bệnh viện tuyến đầu trong điều trị ung thư tại Việt Nam.

Gần nhất, báo cáo tài chính quý III/2021 hợp nhất của Vimedimex cho thấy, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, CTCP Dược phẩm – Thiết bị Y tế Hà Nội, CTCP Dược phẩm – Thiết bị Y tế Đà Nẵng là những khách hàng lớn của Dược phẩm Vimedimex. Ngoài ra, Trung tâm xạ trị - Bệnh viện Phổi Trung ương cũng là đối tác quan trọng của Vimedimex.

Hé lộ mối “quan hệ” của Vimedimex và loạt bệnh viện tuyến đầu triều trị ung thư - Ảnh 2.

Quan hệ của Vimedimex với một loạt bệnh viện tuyến đầu điều trị ung thư

Đơn cử, cuối quý III/2021, Vimedimex có các phải thu ngắn hạn tại Bệnh viện Ung bứu TP.HCM là gần 46 tỷ (tăng gần 80% so với đầu năm), Bệnh viện Chợ Rẫy 110,9 tỷ đồng; Công ty CP Dược Phẩm - Thiết bị Y tế Hà Nội là 48 tỷ, Bệnh viện Bạch Mai 39,6 tỷ đồng; Công ty CP Dược phẩm - Thiết bị Y tế Đà Nẵng là 131,5 tỷ đồng.

Vimedimex trúng một loạt gói thầu cung cấp thiết bị trong chương trình mua sắm công

Trong khi đó, hoạt động tài trợ vốn cho Vimedimex cho thấy, chỉ tính riêng trong năm 2021 Vimedimex đã trúng một loạt gói thầu cung cấp trang thiết bị cho các bệnh viện, chủ yếu có vốn ngân sách tài trợ.

Cụ thể, gói thầu số 6 "Trang bị xét nghiệm, trữ máu, thận nhân tạo" thuộc dự toán: Mua sắm trang thiết bị quân y đợt 1 năm 2021 bẳng ngân sách Quốc phòng năm 2021.

Gói thầu số 1 "Mua sắm thiết bị xét nghiệm Covid - 19" thuộc công trình: Đầu tư trang thiết bị tăng cường năng lực xét nghiệm Realtime RT-PCR phát hiện Covid-19 với Sở Y tế tỉnh Hậu Giang.

Hay, Vimedimex trúng gói thầu số 25: "Thiết bị cho phòng mổ Hybrid chấn thương chỉnh hình" thuộc dự án: Trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa thành phố Vũng Tàu, của Sở Y tế tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Gói thầu số 22b: "Cung cấp, lắp đặt các thiết bị y tế khác" thuộc dự án: Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp;

Gói thầu số 2: "Mua 01 máy phẫu thuật Phaco" thuộc Gói thầu: "Mua sắm trang thiết bị y tế năm 2020 phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Mắt Bình Định".

Vimedimex làm ăn ra sao khi "nữ tướng" Nguyễn Thị Loan nắm quyền? - Ảnh 2.

Sơ lược về chân dung bà Nguyễn Thị Loan

Dược phẩm Vimedimex tiền thân là công ty xuất nhập khẩu đầu tiên của Bộ Y tế được thành lập năm 1984. Đến năm 2006, Vimedimex cổ phần hóa, khi ấy vốn điều lệ của là 25 tỷ đồng, trong đó tỉ lệ cổ phần của cổ đông Nhà nước chiếm 51% vốn điều lệ.

Sau khi cổ phần hóa, VMD đã trải qua nhiều lần tăng vốn, tỉ lệ sở hữu của Nhà nước giảm từ 51% xuống còn 10,2% (tính đến 30/9/2021).

Về cơ cấu cổ đông VMD, CTCP Dược phẩm Vimedimex 2 là cổ đông lớn nhất sở hữu 45,4% vốn; tiếp theo là Tổng công ty Dược Việt Nam (doanh nghiệp do Bộ Y tế sở hữu 65% vốn) nắm 10,2%; ông Lê Xuân Tùng (con trai bà Nguyễn Thị Loan - hiện giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc VMD) sở hữu 7,4%; ông Trần Kiên Cường nắm giữ 7,1%; bà Trần Thị Đoan Trang sở hữu 5% và 24,7% vốn thuộc các cổ đông khác .

Vimedimex chỉ thực sự "lột xác" từ năm 2013, thời điểm 1 năm sau khi bà Nguyễn Thị Loan giữ chức Chủ tịch HĐQT. Nếu như năm 2012, tổng tài tài sản và doanh thu của Vimedimex chỉ đạt lần lượt 4.494 tỷ đồng và 8.940 tỷ đồng; thì đến năm 2020 tổng tài sản của Vimedimex là 11.397 tỷ đồng và doanh thu thuần đạt 18.168 tỷ đồng. Lợi nhuận đã tăng hơn 100% trong 7 năm.

9 tháng đầu năm 2021, VMD ghi nhận 9.769 tỷ đồng doanh thu, giảm 24% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế 28 tỷ đồng, giảm 2%.




An Vũ - Thanh Giang
Cùng chuyên mục