Hoa hậu Mai Phương Thúy chi 10 tỷ mua trái phiếu chuỗi cầm đồ của "ông chủ" 8X Phùng Anh Tuấn

10/08/2019 08:09 GMT+7
Hệ thống chuỗi cầm đồ lớn nhất tại Việt Nam là F88 đã bán hết 100 tỷ đồng trái phiếu sau 2 tuần phát hành. Đáng chú ý, Hoa hậu Mai Phương Thúy với số tiền đầu tư 10 tỷ đồng đã trở thành một trong số trái chủ cá nhân trong đợt phát hành này của F88, công ty ông chủ 8x Phùng Anh Tuấn.

Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 - đơn vị sở hữu chuỗi cầm đồ chính thức công bố kết quả Phát hành thành công trái phiếu doanh nghiệp F88 với quy mô 100 tỷ đồng chỉ sau 2 tuần chào bán.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi có kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định và được thanh toán bằng đồng Việt Nam.

Kết quả phát hành trái phiếu của F88

Việc huy động vốn trên thị trường trái phiếu trong nước của F88 nằm trong chiến lược nguồn vốn dài hạn của doanh nghiệp. Việc phát hành trái phiếu thành công lần này giúp cho F88 bổ sung nguồn vốn để đáp ứng tốc độ tăng trưởng của hoạt động cho vay cầm cố của công ty.

Đợt phát hành trái phiếu này được tư vấn bởi Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC). Đối tượng mua trái phiếu của doanh nghiệp này chủ yếu là các doanh nghiệp lớn trong nước và một số cá nhân. Kỳ hạn cho trái phiếu này là 2 năm, mệnh giá 100.000 đồng.

Trong đó, nhà đầu tư trong nước nắm giữ tới 98 tỷ đồng, bao gồm 53 tỷ là nhà đầu tư tổ chức và 45 tỷ thuộc về nhà đầu tư cá nhân. Trái chủ là nhà đầu tư nước ngoài chỉ nắm giữ 2 tỷ đồng trong tổng số 100 tỷ F88 phát hành. Đáng chú ý, nhà đầu tư - Hoa hậu Mai Phương Thúy đã đầu tư 10 tỷ đồng trong đợt phát hành trái phiếu này của F88.

Như vậy, với việc phát hành thành công trái phiếu, F88 của ông chủ 8x Phùng Tuấn Anh dự kiến năm nay mở rộng thị trường lên 130 phòng giao dịch. Công ty này cũng sẽ tiếp tục phát hành thêm trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ phát triển doanh nghiệp và tiến gần hơn với kế hoạch niêm yết lên sàn chứng khoán vào cuối năm sau.

Được biết, F88 ra đời năm 2013, là một startup hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cầm đồ. Với mô hình hệ thống cầm đồ toàn quốc, công ty cung cấp các dịch vụ cho vay thế chấp đa dạng như ôtô, xe máy, điện thoại, laptop... với đặc thù là các khoản vay ngắn, giá trị nhỏ.

F88 bắt đầu phát triển nhanh từ năm 2017 sau khi nhận được sự rót vốn của quỹ đầu tư Mekong Capital và Granite Oak. Tính tới nay, F88 đã sở hữu gần 90 phòng giao dịch trên toàn quốc, tăng gấp đôi so với năm 2018, trong đó 41 phòng giao dịch tại Hà Nội, 43 tại TP.HCM và 6 tại các tỉnh miền Bắc khác.

Đây cũng là một trong những hệ thống cầm đồ có quy mô lớn nhất Việt Nam. Năm 2018, F88 đã giải ngân lũy kế 873 tỷ đồng và dự kiến năm 2019 là 1.837 tỷ đồng, tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng.

Hiện tại, ông Phùng Anh Tuấn cũng đang là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Đầu tư F88 và Công ty CP Kinh doanh F88.

Ông Phùng Anh Tuấn, người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Đầu tư F88 và Công ty CP Kinh doanh F88. (Ảnh: Internet)

Trong một lần chia sẻ với báo chí, ông Phùng Anh Tuấn cho biết: “Do lúc mở công ty, có những lúc tôi phải mang đồ đi cầm, từ đó tôi nhận thấy cầm đồ là một thị trường vô cùng tiềm năng vì có thể huy động được tiền nhanh chóng để xử lý công việc trước mắt. Dù thấy đây là một cơ hội lớn dành cho mình, nhưng phải đến 5 năm sau tôi mới đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tôi có thể bắt đầu ngành cầm đồ với F88.

Qúa trình làm trung tâm an ninh mạng đã giúp tôi tích lũy rất nhiều kiến thức, chín chắn hơn trong mọi hoạt động cũng như tìm hiểu vấn đề rất cẩn thận. Từ đó, có thể áp dụng triệt để công nghệ vào hoạt động kinh doanh tại F88 cũng như không triển khai vội vàng mà tìm hiểu rất kĩ và làm đúng luật”.

Trước khi được biết đến với vai trò là người điều hành F88 - chuỗi cửa hiệu cầm đồ đầu tiên tại Việt Nam, ông Phùng Anh Tuấn từng được đánh giá là một hacker “hạng nặng” trong giới công nghệ toàn quốc.

Sau này, khi thành lập công ty an ninh mạng VSEC, ông Phùng Anh Tuấn và các đồng sự đã góp phần không nhỏ trong việc cảnh báo cho rất nhiều “đại gia” trong làng CNTT như FPT, Cty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), Viettel Internet, Bộ Thương mại… để họ sửa lỗi trong hệ thống trước khi bị tấn công.

Trong đó, nổi bật và vụ cảnh báo thành công một lỗ hổng nghiêm trọng trên hệ thống ngân hàng trực tuyến (banking online) của một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Với lỗ hổng này, hacker có thể kiểm soát những khoản tiền rất lớn, thậm chí cả quỹ đầu tư lên đến hàng chục triệu USD.

Vậy là một người làm bảo mật, Phùng Anh Tuấn “chuyển mình” với F88, một công ty hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ ở Việt Nam.

Mới đây, ông Phùng Anh Tuấn còn được nhắc đến là nhân vật đứng sau khoản đầu tư 500 tỷ vào MXH Gapo.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục