Hướng đi cải thiện lợi nhuận dài hạn và cơ hội xuất khẩu mới cho doanh nghiệp

15/11/2024 08:18 GMT+7
Bà Lê Minh Trang, Phó Giám Đốc bộ phận Nghiên cứu Bán lẻ, Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam (NIQ) đánh giá, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh giúp doanh nghiệp giảm chi phí dài hạn nhờ tối ưu hóa nguồn năng lượng, nguyên liệu, và giảm lãng phí, từ đó cải thiện biên lợi nhuận.

Theo nghiên cứu Consumer Outlook and Expectation 2024 tại Việt Nam từ Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam (NIQ), 16% người tiêu dùng Việt đã coi tương lai bền vững (Future sustainability) là một trong những yếu tố quan trọng trong lối sống và các quyết định tiêu dùng của họ trong các ưu tiên dài hạn.

Đặc biệt, 24% người tiêu dùng hiện đang chú trọng đến lối sống bền vững (sustainable living) trong những kế hoạch ngắn hạn, cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của xu hướng sống thân thiện với môi trường.

Cơ hội xuất khẩu và hợp tác kinh doanh mới

Đặc biệt, mối lo ngại về biến đổi khí hậu và tác động của môi trường đã tăng lên đáng kể, hiện nay nằm trong top 5 mối quan tâm hàng đầu với 14% người tiêu dùng cho rằng đây là một vấn đề cấp bách cần được giải quyết. So với các số liệu trước đây, mối quan tâm này đã tăng dần, cho thấy sự nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là khi Việt Nam đang chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu như thiên tai, ô nhiễm không khí, và suy giảm đa dạng sinh học. Điều này không chỉ là biểu hiện của những lo ngại ngắn hạn mà còn phản ánh tư duy dài hạn của người tiêu dùng khi họ hướng đến việc bảo vệ tương lai cho thế hệ sau.

Theo nghiên cứu NIQ không chỉ tại Việt Nam mà trên nhiều quốc gia khác nhau, 42% người tiêu dùng tại khu vực APAC cho rằng việc các doanh nghiệp chủ động giảm thiểu tác động môi trường là "rất quan trọng," và 34% đánh giá đây là một yếu tố "quan trọng." Điều này cho thấy doanh nghiệp cam kết sản xuất xanh không chỉ ghi nhận sự gia tăng lòng trung thành từ khách hàng, mà còn được ủng hộ mạnh mẽ nhờ đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.

Hướng đi cải thiện lợi nhuận dài hạn và cơ hội xuất khẩu mới cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Bà Lê Minh Trang, Phó Giám Đốc bộ phận Nghiên cứu Bán lẻ, Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam (NIQ)

Bà Lê Minh Trang, Phó Giám Đốc bộ phận Nghiên cứu Bán lẻ, Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam (NIQ) đánh giá, việc chuyển đổi sang sản xuất xanh giúp doanh nghiệp giảm chi phí dài hạn nhờ tối ưu hóa nguồn năng lượng, nguyên liệu, và giảm lãng phí, từ đó cải thiện biên lợi nhuận. Hơn nữa, các doanh nghiệp còn hưởng lợi từ việc nâng cao hình ảnh thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Cuối cùng, việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường quốc tế và quốc gia mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu và hợp tác kinh doanh mới cho các doanh nghiệp.

"Các xu hướng tiêu dùng xanh đang tạo ra một áp lực lớn đối với các doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi và thích nghi. Từ việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, đến việc sử dụng công nghệ mới, các doanh nghiệp không chỉ phải tuân thủ các yêu cầu pháp lý mà còn phải đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người tiêu dùng về một tương lai bền vững. Điều này mở ra cơ hội lớn cho những doanh nghiệp đi đầu trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh xanh, đồng thời giúp họ duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường. Thị trường tiêu dùng xanh được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ đến năm 2030 và xa hơn, với những giải pháp bền vững và công nghệ tiên tiến ngày càng chiếm lĩnh xu hướng toàn cầu", bà Trang nhấn mạnh.

Không tăng giá quá cao cho sản phẩm bền vững

Bà Trang cũng nêu ra một số lưu ý đối với các doanh nghiệp đang chuyển đổi hoặc có ý định chuyển đổi xanh trong sản xuất, kinh doanh.

Trước hết, các doanh nghiệp nên đi trước xu hướng bằng cách theo dõi chặt chẽ các quy định pháp lý, từ đó có thể đón đầu những thay đổi và điều chỉnh chiến lược một cách linh hoạt. Bên cạnh đó, việc hiểu rõ chuỗi cung ứng là vô cùng quan trọng; các doanh nghiệp cần nắm rõ từng bước trong chuỗi cung ứng để đảm bảo rằng mọi quy trình đều đáp ứng tiêu chuẩn bền vững.

Hơn nữa, chủ động quản lý rủi ro là yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi. Các doanh nghiệp cần đánh giá toàn bộ quá trình và xác định vị trí của mình trên con đường phát triển bền vững, từ đó có thể điều chỉnh mục tiêu và chiến lược phù hợp. Đồng thời, nên loại bỏ rào cản trong việc đưa ra lựa chọn bền vững, giúp đơn giản hóa quy trình và khuyến khích việc áp dụng các giải pháp xanh.

Ngoài ra, doanh nghiệp không nên tăng giá quá cao cho sản phẩm bền vững; việc tăng giá không hợp lý có thể khiến người tiêu dùng không mặn mà với sản phẩm. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần chứng minh được các tuyên bố của mình bằng những minh chứng cụ thể; nếu không thể chứng minh, doanh nghiệp không nên đưa ra các tuyên bố thiếu căn cứ. Đầu tư vào chứng nhận độc lập đáng tin cậy cũng rất quan trọng, giúp khẳng định độ tin cậy của sản phẩm và quy trình sản xuất.

Cuối cùng, việc hợp tác cộng đồng và khuyến khích sự kết nối trong ngành sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm. Doanh nghiệp không nên trì hoãn quá trình chuyển đổi mà hãy hành động ngay lập tức. Bằng cách chủ động thực hiện các bước này, doanh nghiệp có thể thúc đẩy sự chuyển đổi bền vững và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về tính bền vững.


H.Anh
Cùng chuyên mục